Hiện tượng rụng trái non sầu riêng và những giải pháp hạn chế

Rụng trái non sầu riêng là nguyên nhân quan trọng làm giảm tối đa hiệu quả đầu tư, nhất là trong vụ nghịch với chi phí lớn nếu không có giải pháp tốt để hạn chế. Theo đánh giá của các chủ vườn trồng sầu riêng năm nay thì vụ nghịch khá thành công trong canh tác từ khâu chăm sóc, xử lý ra hoa, điều khiển đậu trái… cho dù thời tiết có những thời khắc bất lợi như mưa thường tập trung và rơi ngay vào thời điểm tạo khô hạn xử lý ra hoa hay những lúc nở hoa, đậu trái non… Đến nay, nhiều vườn đã bước vào thời kỳ thu hoạch với giá tương đối cao 60.000-70.000 đồng/kg, năng suất trên 25 tấn/ha và thị trường khá ổn định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vườn rơi vào vụ mùa sớm (thu hoạch từ tháng 4-8 âm lịch) do điều kiện canh tác cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm, nắm bắt tốt khâu kỹ thuật nhất là sau đậu trái…. Do đó, hiện tượng rụng trái non sẽ không tránh khỏi. Để kịp thời khắc phục cũng như áp dụng cho những năm tiếp theo cần tham khảo một số lưu ý sau:

Sầu riêng từ khi ra hoa đến nở hoa có thời gian khoảng 45 ngày và sau khi xổ nhụy từ 2-3 ngày có hiện tượng trái non rụng hàng loạt, đây còn gọi là rụng sinh lý; rụng trái non lần 2 xuất hiện trong khoảng15-30 ngày sau đậu trái (trái bằng cổ tay), nông dân hay gọi là rụng so trái.

 Hiện tượng rụng sinh lý.


Hai hiện tượng trên có thể xuất phát từ 4 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, do thiếu các dinh dưỡng thiết yếu trong giai đoạn hình thành và phát triển hoa. Trong đó, chất B (boron) đóng vai trò quan trọng nhất, nếu thiếu B làm hoa kém phát triển, sức sống của hạt phấn yếu, mọc mầm chậm, tỷ lệ đậu quả thấp, thiếu B còn làm xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên thân và cuống hoa, trái nên trái non dễ bị rụng. Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy B ở nồng độ 100 ppm là tối ưu giúp hạt phấn nảy mầm và phát triển ống phấn. Bên cạnh đó, chất Zn (kẽm) có vai trò quan trọng trong việc hình thành chất tăng trưởng auxin, nên khi thiếu chất Zn có thể làm cho cây trồng không ra hoa và đậu trái được. Ngoài ra chất Ca (canxi) có vai trò quan trọng trong các hợp chất cấu thành màng tế bào nên khi kết hợp với chất B làm cho hạt phấn khỏe và cuống hoa, trái, dai chắc hơn. Do đó, khi thiếu các chất trên thì quá trình hình thành, phát triển hoa cũng như đậu trái sẽ khó hơn.

Thứ hai, do thừa nước trong quá trình nở hoa. Hạt phấn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thụ tinh khi kết hợp với nuốm nhụy để tạo quả, chúng sẽ nảy mầm tốt khi nuốm nhụy có độ đường từ 20-35%, nếu có mưa hay sương mù làm nồng độ đường trên nuốm giảm còn 10%, tỉ lệ nẩy mầm của hạt phấn chỉ đạt 10%. Đây thật sự khó khăn trong quá trình canh tác ở điều kiện vụ nghịch. Sầu riêng có đặc tính là hoa nở về đêm và mưa đêm là đặc thù của mùa mưa nên có không ít vườn xử lý ra hoa nghịch vụ khá thành công nhưng khi hoa nở gặp lúc mưa đêm, kết quả không được như mong muốn. Và thực tiễn đã chứng minh, khi hoa nở hầu hết nông dân có giải pháp hạn chế tối đa nước tưới, tạo khô hạn cục bộ.

 Hiện tượng rụng so trái.


Thứ ba, do cây ra đọt lệch pha với ra hoa. Khi hoa nở thì lá non cũng đã phát triển, chính đợt đọt nầy sẽ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng giúp cho trái sầu riêng phát triển tốt. Ngược lại, cây ra đọt non giai đoạn trước và sau đậu trái sẽ làm giảm tỷ lệ đậu trái, tăng rụng trái non ở giai đoạn so trái. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn trong canh tác cây sầu riêng, hầu hết nông dân khi tiến hành xử lý ra hoa đều đặt mục tiêu là làm sao cho cây ra hoa với mọi biện pháp, nên sau đó thì không điều khiển được cây ra đọt.

Thứ tư, do thiếu các chất điều hòa sinh trưởng trong quá trình hình thành và phát triển trái. Hàm lượng gibberellin trong hột sầu riêng thấp nhất ở giai đoạn 6 tuần sau khi đậu trái cho nên hiện tượng rụng so trái sẽ xuất hiện.

Những giải pháp hạn chế:


- Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, nhất là các chất như B, Zn, Ca...trong giai đoạn xử lý ra hoa, nuôi hoa bằng cách bón qua lá kết hợp với các chất NPK;
- Khi cây sầu riêng vừa nhú mầm hoa tìm cách thúc đẩy ra đọt để cùng lúc với ra hoa bằng việc tưới nước và bón phân NPK với lượng N cao, kết hợp bón qua lá có thêm GA3. Ngược lại nếu không cho ra đọt thì phun định kỳ MKP để ức chế đọt. Trường hợp nếu ra đọt lệch pha thì khống chế đọt bằng lân, kali và Paclo theo từng thời điểm;
- Tăng cường cung cấp các chất điều hòa sinh trưởng cần thiết như NAA 20-60ppm với phân bón lá có hàm lượng lân cao như 15-30-15 sau đậu trái 1 tuần; phun GA3 5-10ppm lên cuống trái từ 3-6 tuần sau đậu trái;
- Tăng cường phân hữu cơ để giữ ẩm cho đất, tái tạo rễ mới nhằm tránh hiện tượng cháy lá trong mùa nắng, ảnh hưởng đến cạnh tranh dinh dưỡng làm rụng trái;
- Phun ngừa bệnh và sâu gây hại hoa và trái non định kỳ theo khuyến cáo.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi