“Lúa Sạch Thạnh Phú” cơ hội và thách thức

Thạnh Phú là huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, có 9.000 ha đất canh tác lúa với địa hình bằng phẳng, có hệ thống kênh rạch chằn chịt, khí hậu mang những nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, quanh năm có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, có gió mùa Tây Nam, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, có gió mùa Đông Bắc.

Chế độ bán nhật triều, thuỷ triều cao nhất vào tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, thấp nhất từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, ảnh hưởng của thuỷ triều làm nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài, nước mặt bị nhiễm mặn vào mùa khô.

Với điều kiện canh tác nêu trên, Thạnh Phú đã phân lập ra vùng canh tác chuyên lúa, lúa-màu và vùng canh tác lúa-tôm. Từ lâu, tập quán canh tác lúa nước bằng các giống lúa mùa địa phương dài ngày (Nàng keo, nhỏ hương, lem buội, trắng tép…) và nuôi xen tôm cá thiên nhiên được nông dân Thạnh Phú chọn lựa phát triển bền vững. Tuy nhiên, cây lúa không được nhiều quan tâm chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh hại để cho năng suất cao mà trồng để phát triển thế mạnh con tôm “con tôm ôm gốc lúa”.

Thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, công tác khuyến nông tập trung thực hiện các mô hình thay đổi cơ cấu giống lúa mùa địa phương sang canh tác các giống lúa trung vụ (OM 1348, OM1352, OM2496…)  các giống lúa cao sản chất lượng cao (OM6162, OM 4900, OM9921…), thay đổi tập quán gieo cấy bằng phương pháp sạ, sử dụng thuốc hoá học bằng các thuốc sinh học và dần dần hạn chế đến không sử dụng thuốc hoá học trong quản lý dịch hại.

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn hữu cơ là chất dinh dưỡng rất tốt đủ sức nuôi cấy lúa trong tháng đầu và sẽ được cây lúa hấp thu hết sau 1 tháng, nên lượng phân bón cung cấp bổ sung cho cây lúa rất ít. Khi cây lúa nảy chồi giao tán (cuối kỳ đẻ nhánh) rút cạn nước ruộng 3-5 ngày để các khí độc trong đất (NH3, H2S, CH4,...) được thoát ra giúp tăng khả năng hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất, đồng thời kích thích rễ ăn sâu vào đất hấp thu nhiều dinh dưỡng, hạn chế đổ ngã về sau.

Hàng tháng, theo con nước triều dâng nông dân mở cống cho nước vào ngập đọt lúa 1-2 lần để phòng trị sâu rầy hại lúa, tôm cá được nuôi xen trong ruộng lúa nên hoàn toàn không sử dụng thuốc hoá học trừ sâu hại, đưa năng suất lúa bình quân  từ 2-3 tấn/ha lên 5-6 tấn/ha. Thực hiện các mô hình lúa-cá, lúa-tôm… góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

 Mô hình trồng lúa sạch ở Thạnh Phú.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Các mô hình trồng lúa sạch, mô hình nuôi tôm càng xanh luân vụ với tôm sú trên ruộng lúa, mô hình tôm- lúa,... tiếp tục được duy trì phát triển.  

Dự án xây dựng mô hình sản xuất 100 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VIETGAP, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa trong vuông tôm chọn xã An Nhơn làm điểm để triển khai xây dựng nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú với 17 hộ dân tổ hợp tác ấp An Hòa và ấp An Định, xã An Nhơn và phát triển nhân rộng cho 22 tổ hợp tác lúa-tôm trong toàn huyện Thạnh Phú.

Ngày 21/9/2016 Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và công nghệ ký quyết định số 59112/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể lúa sạch Thạnh Phú. Thời hạn sử dụng 10 năm (sau đó đăng ký tái công nhận nhãn hiệu). Hiện nay, các tổ hợp tác lúa-tôm đã liên kết với các công ty lương thực phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giá cả lúa thu mua của người dân được nâng lên.

Niên vụ 2017-2018, Thạnh Phú xuống giống trong vùng tôm-lúa khoảng 6.000 ha, gồm các giống lúa như: OM 5451, OM 4900, OM 6162, Đài thơm 8, OM 6976, OM 1352 và một số giống lúa mùa địa phương: Nàng keo, nhỏ hương, tép trắng.…

Hiện nay, Thạnh Phú đã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch trên địa bàn huyện với Công ty lương thực Tiền Giang, Công ty lương thực Bến Tre, Công ty lương thực Thịnh Phát, tập đoàn Lộc Trời, Công ty Lio Thái, Công ty phân bón Bình Điền… triển khai các phương thức đầu tư và ký kết hợp đồng thu mua, đồng thời thông qua các tổ hợp tác, thương lái… các công ty đã thỏa thuận các phương thức tối ưu và hỗ trợ thu mua lúa đạt hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu lúa sạch là thành công lớn của Thạnh Phú, tạo cơ hội để Thạnh Phú phát triển nghề trồng lúa truyền thống kết hợp nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, mô hình phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, tính thuyết phục và sức lan toả nhanh rộng đến các tỉnh thành trong cả nước.

 Mô hình trồng lúa sạch ở Thạnh Phú.

Song song đó, thách thức đối với Thạnh Phú trong công tác gìn giữ và phát triển thương hiệu “lúa sạch”, huyện Thạnh Phú tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tham gia sản xuất và liên kết sản phẩm lúa sạch. Xây dựng thành công liên kết chuỗi giá trị lúa, đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký kết. Khuyến cáo lịch thời vụ, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất “lúa theo tiêu chuẩn sạch” cho nông dân, chọn giống chất lượng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, theo nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quảng bá và kết nối với thị trường; Liên kết doanh nghiệp trên lĩnh vực sản xuất lúa sạch gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai các chính sách hỗ trợ trong quá trình sản xuất, quản lý và sử dụng nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn