Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – Tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0

Nông nghiệp 4.0 là một bước tiến về quản trị sản xuất trong đó nền tảng khởi đầu từ việc ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao làm thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, đồng thời kết hợp các thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học ứng dụng trong những hoạt động sản xuất thông minh, chính xác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạn chế sử dụng nhân công lao động và đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp 4.0 được mô tả như một quá trình khép kín từ khâu chọn giống sạch bệnh, canh tác thông minh với phân bón, vật tư, thức ăn đảm bảo an toàn, quản trị sản xuất chính xác, hiệu quả đến thu hoạch tự động, ứng dụng điện toán đám mây và các thiết bị thông minh để truy xuất thông tin nguồn gốc nông sản. Hiện nay, hoạt động đeo vòng cho heo để tham gia Đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo mà thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện hay ứng dụng phần mềm trên điện thoại để tra cứu thông tin sản phẩm qua mã QR code đang được Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT đưa vào thử nghiệm trên trái cây là một trong bước đi đầu tiên tiến tới công nghiệp hóa nền sản xuất nông nghiệp.

 Mã QR code với nội dung “Bưởi da xanh xuất xứ từ xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre”.

 Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện tự nhiên phù hợp với sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chủ yếu là kinh tế vườn và chăn nuôi với diện tích trồng dừa trên 70.000 ha chiếm khoảng 40% diện tích cả nước, diện tích trồng bưởi da xanh trên 7.200 ha, tổng đàn heo với hơn 600.000 con hàng năm, nhưng diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh vẫn còn ở qui mô nông hộ, sản xuất manh mún, chăn nuôi nhỏ lẽ chưa đảm bảo sản lượng và chất lượng để cung ứng cho thị trường, đặc biệt là yêu cầu xuất khẩu. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất, chuẩn bị nguồn lực để phát triển nông nghiệp và bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, Bến Tre cần cân nhắc thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược để thay đổi tư duy sản xuất, phương thức canh tác của người nông dân và tạo điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận công nghệ khoa học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu toàn cầu vào sản xuất và kinh doanh. Các giải pháp chính như sau:

Một là, tiếp tục cơ chế phối hợp bốn nhà gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản, trong đó vai trò nhạc trưởng của hệ thống chính quyền một lần nữa được xướng lên, sâu sắc hơn trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia kinh tế hợp tác đảm bảo cung ứng đủ số lượng và chất lượng nông sản cho nhu cầu của doanh nghiệp. Tập trung nghiên cứu và thực thi các chính sách qui hoạch vùng sản xuất qui mô lớn, trợ giúp sản xuất, xúc tiến thương mại …. Ngoài ra, cơ quan hành chính nhà nước còn là cầu nối giúp liên kết các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu trong đào tạo và chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cao.

Hai là, tăng cường nguồn nhân lực hoạt động trong nông nghiệp có tay nghề, trình độ cao. Theo Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, dự kiến đến năm 2026 tổng số lao động trên toàn tỉnh là 770.859 người, trong đó lao động tại khu vực thành thị là 77.213, chiếm 10%, lao động làm việc tại nông thôn là 693.646 người, chiếm gần 90%. Mặc dù, lực lượng lao động trong khu vực nông thôn cao hơn so với các khu vực khác, nhưng tỷ lệ lao động tại khu vực nông thôn đã qua đào tạo năm 2015 chỉ chiếm tỷ lệ 11,06%, dự kiến đến năm 2026 giảm xuống còn 10,72%, đây là tỷ lệ vô cùng khiêm tốn và đang đặt ra thách thức về nguồn nhân lực có trình độ đối với nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, quan tâm công tác đào tạo cho lao động nông thôn không dừng lại ở đào tạo nghề đơn thuần, làm những công việc thủ công giản đơn mà phải nâng cao tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành tự động hóa, xóa bỏ tình trạng “mù vi tính, nghèo công nghệ” trong nông dân, lao động nông thôn. Các tổ chức đại diện nông dân, đoàn thể chính trị cần chủ động trong phổ cập kiến thức công nghệ thông tin cho đoàn viên, hội viên tạo tiền đề nhân rộng ra các thành phần dân cư khác; đồng thời, tiếp tục có chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên là con em của tỉnh có các nghiên cứu sáng tạo, đang theo học tại các trường đại học ở các cấp học trong và ngoài nước có nguyện vọng về phục vụ cho quê hương.

 Lao động công nghệ cao hoạt động trong ngành nông nghiệp.

Ba là, quy hoạch và phát huy hiệu quả hoạt động các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, để tiếp cận và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất, Bến Tre đã thành lập 2 trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, tuy mới thành lập nhưng các trung tâm đã thực hiện tốt sứ mệnh trong việc lựa chọn, tổ chức chuyển giao và ứng dụng hiệu quả một số nghiên cứu khoa học vào sản xuất nông nghiệp như nuôi cấy mô thực vật, công nghệ vi sinh trong sản xuất chế phẩm hữu cơ và trồng nấm nhân tạo. Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm chưa có sự thống nhất, chưa được đầu tư một cách đồng bộ, còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn vốn để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là liên kết hoặc phối hợp với các doanh nghiệp, công ty có thế mạnh về công nghệ để đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phòng nghiên cứu và các khu thực nghiệm phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng cao như công nghệ di truyền, kỹ thuật chuyển gen và các hệ thống quản trị sản xuất thông minh trong điều kiện nhà kính. Đảm bảo Bến Tre tự chủ được nguồn cây giống sạch bệnh cho sản xuất nông nghiệp, cung ứng đủ sản lượng xuất khẩu hoa và cây kiểng sản xuất bằng nuôi cấy mô, chuyển giao được hệ thống canh tác thông minh cho các hộ sản xuất có qui mô trang trại trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho Nông nghiệp 4.0, tỉnh cần phải tạo được cơ chế đặt trưng riêng về thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và giao đất đầu tư, nhất là đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, tự động hóa và công nghệ sinh học.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn