Quản lý sâu bệnh trên rau mồng tơi theo hướng an toàn

Mồng tơi là loại rau ăn lá được trồng khá phổ biến vì loại rau này có giá trị dinh dưỡng cao, dễ trồng và mau thu hoạch. Từ lâu, rau mồng tơi được trồng để tận dụng những khoảng đất thừa cho mồng tơi leo trên các cây trồng đa niên, vì thế mồng tơi được xem là loại rau sạch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, hiện nay đã hình thành  một số vùng chuyên canh rau mồng tơi cung cấp cho thị trường với sản lượng lớn nên sâu bệnh ngày càng phát triển cả chủng loại và mật độ. Sau đây là một số dịch hại mà nông dân trồng rau mồng tơi cần quan tâm và có biện pháp quản lý theo hướng an toàn để rau mồng tơi thật sự là một loại rau sạch.

Dịch hại phổ biến nhất trên rau mồng tơi là bệnh đốm nâu. Bệnh đốm nâu phát triển mạnh trong mùa mưa. Bệnh do nấm Cercosspora sp. gây ra. Nấm gây hại chủ yếu trên lá và thân. Trên lá, triệu chứng để nông dân nhận biết lúc đầu là những đốm nhỏ màu nâu tím, hình tròn. Bệnh nặng vết bệnh càng lớn, đường kính khoảng 3-5mm, giữa có màu trắng xám, chung quanh viền màu nâu tím, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm lá bị rách, còi cọc, lá nhỏ, giảm năng suất và chất lượng rau. Bệnh thường gây hại trên lá bánh tẻ và lá già. Trên dây mồng tơi: nấm bệnh phát triển thành những đốm nâu nhỏ, vết bệnh hơi lõm vào, làm dây kém phát triển. Nấm phát triển thích hợp trong điều kiện ẩm độ cao, mùa mưa thích hợp cho bệnh phát triển. Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh và lan truyền qua vụ sau. Để quản lý bệnh đốm nâu bà con nên thu gom và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh. Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng thuốc Benomyl, Mancozeb,…

 


Bên cạnh bệnh đốm nâu, sâu xanh ăn lá cũng khá phổ biến trên rau mồng tơi. Thành trùng sâu xanh là loài bướm nhỏ (khoảng 10mm), cánh màu trắng bạc, viền màu nâu. Sâu non màu xanh lá cây nhạt, có hai sọc trắng chạy dọc trên lưng. Sâu xanh ăn lá thường sống ở đọt và mặt dưới lá. Sâu thường cuốn lá ở bên trong ăn phá, khi nhỏ sâu cắn lá lũng thành từng lổ, khi lớn sâu ăn trụi cả đọt non và lá. Khi đẫy sức, sâu hoá nhộng trong lá khô ở mặt đất. Sâu xanh ăn lá phát sinh gây hại từ khi dây mồng tơi bắt đầu phát triển lá, gây hại cả trên lá non và cả lá già, làm giảm sự quang hợp, dây mồng tơi còi cọc, kém phát triển. Phòng trừ sâu xanh ăn lá, nông dân cần kiểm tra ruộng rau thường xuyên để phát hiện và thu gom ổ trứng, sâu non vừa nở chưa kịp phân tán đem tiêu hủy; nếu sâu xuất hiện mật số cao có thể  phun dầu khoáng, chế phẩm sinh học nấm xanh hoặc thuốc trừ sâu vi sinh như Vi-BT, Biocin,… Nên sử dụng thuốc luân phiên vì sâu xanh ăn lá rất mau kháng thuốc.

 


 
Ngoài ra, rau mồng tơi cũng thường bị một loại ốc sên gây hại. Loại ốc sên này phá hại trên nhiều loại rau, chúng có tốc độ phát triển nhanh. Ốc sên nhỏ có đường kính khoảng 1-1,5cm, sinh sống và gây hại trên lá và các bộ phận khác. Để phòng trừ nên vệ sinh ruộng rau để ốc sên không có nơi sinh sản; sử dụng thuốc hóa học sẽ không đạt hiệu quả cao, nên dùng phương pháp thủ công như tiêu diệt ổ trứng hoặc bắt bằng tay vào lúc chiều tối sẽ hạn chế mật số ốc sên.

 


 
Rau mồng tơi là loại rau được thu hoạch hàng ngày song lúc này sâu hại cũng phát triển nhiều. Vì thế, để bảo vệ năng suất đồng thời phải bảo đảm rau sạch, an toàn cho người sử dụng, nông dân nên ưu tiên áp dụng biện pháp thủ công như bắt bằng tay hoặc chọn lọc những loại thuốc sinh học ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Phun thuốc vào lúc chiều mát. Tuyệt đối phải ngưng thu hoạch sau khi phun thuốc, bảo đảm đúng thời gian cách ly.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn