Đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản tỉnh Bến Tre

Ngành nuôi thủy sản tỉnh Bến tre tăng trưởng khá tốt trong nhiều năm qua, theo số liệu tổng kết ngành năm 2016 của Chi cục Thủy sản, tổng diện tích thả giống là 46.800 ha, tăng 4,4% so năm 2015 và tổng sản lượng nuôi thủy sản  khoảng 248.650 tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ. Nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho tỉnh nhà, chất lượng cuộc sống của người dân vùng bãi ngang ven biển đã thực sự được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên giàu có. Tuy nhiên, ngành cũng đã gặp không ít khó khăn như: điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp và khắc nghiệt hơn, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên gây thiệt hại lớn; giá cả rất biến động… đã gây nhiều trở ngại trong đầu tư và mở rộng sản xuất.

Trong bối cảnh tuy có tăng trưởng tốt, nhưng cũng còn nhiều khó khăn như đã nêu, nên vừa qua UBND tỉnh Bến Tre chủ trì tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh Bến Tre”. Qua hội thảo, nhiều giải pháp về khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản rất thiết thực và đạt hiệu quả cao cũng như những định hướng sản xuất nhằm thích ứng với xâm nhập mặn-biến đổi khí hậu đã được nhiều đại biểu tham dự hội thảo đề xuất.     

Các đề xuất tập trung vào các nhóm giải pháp chính bao gồm:

Nhóm giải pháp thứ nhất, phát huy tối đa thế mạnh của nghề nuôi thủy sản tỉnh nhà: tập trung đầu tư phát triển các đối tượng cá tra, tôm biển, nhuyễn thể, tôm càng xanh-với sản lượng thu hoạch trong năm qua khoảng 219.000 tấn, chiếm 88% tổng sản lượng thủy sản nuôi cùa tỉnh.

Trước tiên, để ổn định và phát triển nghề nuôi thì con giống cần được quan tâm đầu tư đúng mức. Đây là yếu tố đầu vào rất quan trọng mang tính quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi vì thế cần tập trung ưu tiên các giải pháp về con giống. Theo số liệu báo cáo tổng kết năm 2016 của ngành, số lượng con giống sản xuất hàng năm từ hệ thống trại giống trong tỉnh chỉ có  thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu con giống cho phong trào nuôi, còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh. Trở ngại này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nghề nuôi, làm trể mùa vụ, ảnh hưởng kế hoạch sản xuất… Nhằm chủ động cung cấp  nguồn giống tại chổ đủ về cả chất và lượng cho người nuôi, cần xây dựng và vận hành các khu sản xuất giống tập trung bên cạnh đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Đồng thời, chú trọng nghiên cứu nâng cao chất lượng con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ di truyền nhằm tạo giống thủy sản có sức tăng trưởng nhanh, đề kháng bệnh tốt, tạo sản phẩm có giá trị cao…. Cụ thể là: hoàn thiện và nhân rộng các công nghệ sản xuất giống như: quy trình sản xuất giống tôm biển chất lượng cao, sạch bệnh; quy trình sản xuất giống cá tra tăng trưởng nhanh, kháng bệnh gan thận mủ và xuất huyết. Chuyển giao quy trình sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực thay dần việc sản xuất tôm càng xanh truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả nuôi. Chuyển giao quy trình sản xuất giống nghêu, sò huyết nhằm chủ động cung cấp con giống nhân tạo bên cạnh nguồn giống khai thác từ tự nhiên. Đặc biệt, tập trung ưu tiên các đối tượng mang tính năng chịu mặn cao nhằm thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà Bến Tre phải đối mặt trong thời gian tới.

Kế đến, là áp dụng các quy trình nuôi mới đạt năng suất và hiệu quả cao như: hoàn thiện và nhân rộng quy trình kỹ thuật nuôi tôm biển hai giai đoạn, hiện đã được áp dụng rất thành công ở Bến Tre và nhiều nơi khác (đạt năng suất rất cao từ 60 đến trên 100 tấn/ha/vụ và đặc biệt là hạn chế được bệnh hoại tử gan tụy cấp). Đặc điểm của quy trình kỹ thuật này là tôm giống không thả nuôi trực tiếp mà trải qua giai đoạn ương từ 3 đến 4 tuần trong ao ương, sau đó sẽ được san qua ao nuôi thương phẩm. Ao nuôi không quá lớn được lót bạt và có “lưới lan” che phủ phía trên, xi-phong chất cặn bả hàng ngày vào ao chứa chất thải riêng biệt và chế phẩm sinh học được sử dụng trong suốt quá trình nuôi để quản lý môi trường,… nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình mang tính bền vững như: mô hình tôm sú-rừng, tôm sú quảng canh cải tiến, tôm-lúa, tôm-vườn dừa…; ngoài tác dụng cải tạo môi trường còn làm giảm dịch bệnh và cân bằng môi trường sinh thái giúp ổn định sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch-hữu cơ làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất.

Hoàn thiện và nhân rộng quy trình nuôi tôm càng xanh bằng nguồn giống tôm càng xanh toàn đực có áp dụng kỹ thuật bẻ càng nhằm giúp tăng tỷ lệ sống, tôm lớn nhanh và khắc phục hiện tượng càng sào nên hiệu quả kinh tế được nâng lên.

Nghiên cứu và nhân rộng mô hình nuôi cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu từ con giống có khả năng chịu mặn. Xây dựng quy trình nuôi cá tra có hệ thống tuần hoàn, lắng lọc và sử dụng chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhân rộng các mô hình ương nuôi nghêu và sò huyết từ nguồn giống  nhân tạo và tự nhiên.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khi đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản là giải quyết chất xả thải sau mỗi vụ nuôi. Đặc biệt là các mô hình nuôi thâm canh tăng năng suất: nuôi mật độ cao và nhiều vụ trong năm… thì cần phải có quy hoạch cụ thể hợp lý và nghiên cứu giải pháp xử lý triệt để chất xả thải nhằm tránh ô nhiễm môi trường.

Nhóm giải pháp thứ hai, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Bên cạnh các đối tượng thủy sản nuôi truyền thống, cần đưa vào các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: cá bông lau, cá nâu, cá chim vây vàng.... Bước đầu xây dựng và hoàn thiện các quy trình nuôi thương phẩm, sau đó chuyển giao hoặc nghiên cứu thực nghiệm sản xuất giống các đối tượng này hướng đến việc chủ động và phát triển nhân rộng sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hoặc chuyển giao các quy trình kỹ thuật sản xuất giống các loài thủy đặc sản bản địa như: cua biển, nghêu, sò huyết, lươn… Nhằm đa dạng đối tượng nuôi giúp giảm thiểu các rủi ro về dịch bệnh, về thị trường tiêu thụ cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nhóm giải pháp thứ ba là: chế biến, thương mại-thị trường cũng rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch.

Trong năm 2016, sản lượng thủy sản xuất khẩu của Bến Tre đạt khoảng 28.000 tấn, chủ yếu là sản phẩm đông lạnh: cá tra fillet, nghêu, tôm, mực; trong đó: cá tra và nghêu chiếm 80-90%. Với sản lượng tôm hàng năm khá dồi dào (riêng năm 2016 trên 45.000 tấn), Bến Tre cần thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu và ưu tiên ứng dụng công nghệ chế biến các thực phẩm giá trị gia tăng cao và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chú trọng sản xuất các sản phẩm đặc thù như: colagen, chitosan, glucosamin, bột cá, bột đạm, dầu cá...

Ngoài ra, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản chủ lực.

Phối hợp với Sở Công thương thực hiện công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới giúp ổn định thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mới bên cạnh các mặt hàng truyền thống.

Nhóm giải pháp thứ tư là: vấn đề nhân lực và cũng là quan trọng nhất. Lập kế hoạch đào tạo hoặc liên kết đào tạo đội ngũ kỹ sư trẻ có tay nghề cao, tiếp cận kỹ thuật mới tiến tiến về thủy sản. Đồng thời nâng cao năng lực cho các cán bộ kỹ thuật ở các đơn vị nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu sáng tạo trong sản xuất thông qua các giải thưởng, các hoạt động vinh danh hay các đãi ngộ thật xứng đáng. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới. Mọi người dân được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư; tham gia sản xuất thủy sản thông qua đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ hoặc cho vay vốn...

 Cải tạo ao nuôi tôm biển hai giai đoạn.

 

 Kỹ thuật bẻ càng trong nuôi tôm càng xanh toàn đực.

Các giải pháp khoa học công nghệ đã được đề xuất, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong thời gian tới. Đồng thời khuyến khích mọi cá nhân và doanh nghiệp cùng tham gia. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong quy hoạch sản xuất hợp lý; đầu tư cơ sở hạ tầng gồm giao thông, thủy lợi, điện…; quản lý các sản phẩm đầu vào đạt chất lượng; xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường nhằm ổn định giá cả sản phẩm; hoạch định chính sách hỗ trợ về vốn, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề,… cũng như có biện pháp chế tài các hành vi vi phạm.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn