Một số vấn đề cần lưu ý khi trồng chuối nuôi cấy mô

Chuối là loại cây trồng hàng niên được trồng xen trong các vườn dừa, cây ăn trái với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Xét về mặt kinh tế, ít ai có thể tính toán  được hiệu quả mang lại từ cây chuối vì nông dân thường trồng chuối từ cây con được nhảy chồi từ cây mẹ nên thời gian thu hoạch rải rác, hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra, sử dụng giống chuối theo kiểu truyền thống sẽ khó nhân rộng diện tích vì số lượng giống, công vận chuyển là vấn đề khó khăn cho nông dân. Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã nhân giống chuối (nhiều giống như: chuối xiêm, chuối già, chuối tiêu,…) bằng phương pháp cấy mô rất thành công và đã có một số mô hình trồng chuối nuôi cấy mô đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngày nay, chuối không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước khác, đây cũng là một hướng mở cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

 


 
Trồng chuối bằng phương pháp nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm so với trồng chuối theo kiểu truyền thống như: Chất lượng cây giống được đảm bảo (mang đặc tính di truyền của cây bố mẹ, hạn chế thoái hoá giống); Sản xuất tập trung cao và đồng loạt, có thể trồng với số lượng lớn trên qui mô công nghiệp;  Cây con khỏe mạnh, phát triển tốt và có khả năng sạch các bệnh virus; Thu hoạch tập trung và đồng loạt; Năng suất cao, chất lượng và số lượng trái đảm bảo, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Kỹ thuật trồng chuối nuôi cấy mô đơn giản, dễ trồng, tuy nhiên để đạt được năng suất và sản lượng cao cần chú ý một số khâu quan trọng:


Chuẩn bị đất: Đất trồng chuối nên chọn vùng không có gió mạnh. Cây chuối nuôi cấy mô phù hợp với nhiều loại đất, tốt nhất là đất phù sa có tầng đất mặt dày, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước tốt. Đất trồng được lên liếp có độ dày tầng canh tác từ 50cm trở lên, thoát nước tốt, dọn sạch cỏ, cày xới tạo cho đất tơi xốp. Đào hố kích thước 40 x 40 x 40cm.

 


 
Mật độ trồng: Mật độ trồng tùy thuộc vào địa hình, chất đất và chế độ trồng; theo phương thức trồng giữ lại cây con, có khoảng cách giữa các hàng chuối lớn hơn. Thông thường khoảng cách là 2 x 2 m.

Cách trồng: Cây chuối già cấy mô được ươm trong bầu PE, có chiều cao 30-40cm, đường kính thân 2cm đạt từ 6-8 lá. Khi đem trồng chọn lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh trồng lúc trời nắng gắt. Khi đặt cây con xuống hố trồng thao tác phải nhẹ nhàng tránh làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, mặt bầu được đặt thấp hơn mặt đất 5-10cm và đắp mô hơi cao lên để tránh hiện tượng trồi gốc sau nầy. Cây mới đặt xuống phải có cọc cố định.

Bón phân: Cây chuối có mức sinh trưởng nhanh, sau một năm trồng có thể cao tới vài mét và kết buồng có khi nặng tới năm chục ký. Nên nhu cầu phân bón cho sự sinh trưởng và kết buồng của cây chuối rất lớn.

Trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây chuối có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn dinh dưỡng sinh trưởng; giai đoạn phân hóa mầm hoa và giai đoạn phát hoa, phát triển buồng trái.  Sản lượng của cây chuối được quyết định bởi sự phân hóa về số lượng nải chuối và trái trong thời kỳ mầm hoa phân hóa. Nhưng sự phân hóa về số lượng nải và trái trong giai đoạn này lại quyết định bởi giai đoạn dinh dưỡng sinh trưởng. Vì thế, nếu sự dinh dưỡng của giai đoạn đầu không đầy đủ, thì sau khi mầm hoa phân hóa, dù có bón phân như thế nào đi nữa thì năng suất cũng bị ảnh hưởng.

Tỉa mầm, định chồi và vệ sinh vườn: Định kỳ 1 tháng tỉa chồi một lần lúc nắng ráo, chỉ chừa 1 chồi lúc 6 tháng sau khi trồng. Trong thời kỳ nóng và ẩm, cây mẹ đẻ con chồi nhiều, cần tỉa bớt để khống chế mật độ trong vườn cây, điều tiết sự sinh trưởng của cây mẹ và con. Việc định chồi phải làm thường xuyên bằng các biện pháp cơ giới hay sử dụng các hóa chất. Đồng thời với tỉa mầm, định chồi cần tiến hành vệ sinh như cắt bỏ lá khô, lá bệnh, phòng trừ cỏ dại, khơi rãnh tiêu nước cho vườn.

Quản lý sâu bệnh: Chú ý một số bệnh quan trọng trên cây chuối như: bệnh héo rũ và bệnh đốm lá Sigatoka. Bệnh héo rũ Panama (nông dân thường gọi là “Chuối sùng”) do nấm Fusarium oxysporium gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây. Nấm bệnh trong đất xâm nhập qua rễ vào củ rồi lan lên thân phá huỷ mạch dẫn làm lá vàng héo, cuống rũ xuống. Cây bệnh có lá bị vàng từ các lá già bên dưới rồi lan dần lên các lá non, lá dày và cứng. Lá bệnh bị héo,  cuống gãy và lá treo trên thân giả. Trên cây các lá già bị Bệnh héo rũ Panama héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt còn xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo và cuối cùng bị héo úa. Cây bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc. Chẻ dọc thân cây chuối bệnh thấy các bẹ lá có sọc màu nâu vàng, mùi hôi. Biện pháp phòng trừ: Bón lót phân chuồng kết hợp vôi vào hố trồng, bổ sung chế phẩm sinh học Trichoderma; Khi phát hiện cây bệnh nên đào bỏ các gốc bệnh và rãi vôi khử đất; Nếu vườn chuyên canh chuối mà bị bệnh nặng  nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh; Phun thuốc ở các vườn chuối con bằng các loại thuốc như Ridomil Gold 68WP, Vicarben 50HP,  Fundazol 50 WP,…  Vườn chuối Xiêm bị bệnh nặng nên thay bằng các giống chuối khác như chuối già hương, già cui, chuối cau,...

 


 
Ngoài ra, bệnh đốm lá Sigatoka cũng khá phổ biến trên các vườn chuối. Bệnh do nấm Mycosphaerella musicola và nấm Cercospora musae gây ra. Vết bệnh có hình thoi, màu nâu xám, chung quanh viền vàng. Trong mùa mưa nấm bệnh lan theo nước chảy trên lá tạo thành các đốm bệnh xếp thành hàng từ xống lá ra mép lá. Nhiều đốm bệnh có thể liên kết làm phiến lá bị cháy khô từng mãng. Cây bệnh nặng, các lá đọt không phát triển được, trái nhỏ. Giống chuối già thường bị nặng hơn các giống chuối khác. Biện pháp phòng trừ:  Trồng mật độ vừa phải, tạo vườn chuối thông thoáng; Cắt bỏ các lá già khô và lá bệnh; Phun thuốc gốc đồng, Benomyl,…

 


 
Chăm sóc buồng khi trổ: Sau khi trồng 5,5 tháng chuối bắt đầu trổ buồng, sau khi trổ xong hàng hoa cái thì tiến hành cắt bỏ bắp chỉ chừa 8-10 nải/buồng, tuỳ theo sinh trưởng của cây, nên tiến hành cắt bắp vào buổi trưa để hạn chế sự mất nhựa, có thể bao quày bằng túi PE hoặc dùng bao giấy xi măng nhằm tăng màu sắc vỏ trái và hạn chế nám trái và côn trùng phá hại. Một  tháng sau khi cắt bắp tiến hành chống quày để tránh đổ ngã.

Thu hoạch: Thời gian ra hoa đến thu hoạch 2,5-3 tháng. Trung bình có từ 8-10 nải chuối/buồng. Khối lượng một buồng khoảng 25-30 kg. Năng suất trung bình từ 40-60 tấn/ha/vụ.

Điều đáng quan tâm, sản xuất phải gắn với tiêu thụ thì cơ hội phát triển cây trồng mới rộng mở. Do đó, đầu ra cho sản phẩm chuối hiện nay không hẹp nên việc phát triển trồng chuối hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn