Trồng đậu phộng dại trong vườn bưởi da xanh – mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, điều kiện thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu và độ mặn tăng cao, bão lũ xảy ra thất thường gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt các vườn bưởi da xanh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, giữ cỏ trong vườn để che phủ mặt đất là một giải pháp quan trọng trong canh tác bưởi da xanh bền vững. Cỏ dại giúp giữ ẩm đất trong mùa nắng nhất là trong điều kiện nước mặn xâm nhập thiếu nguồn nước tưới và chống rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn đất vào mùa mưa. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển bộ rễ cỏ làm cho đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ cây trồng hô hấp và hấp thu dinh dưỡng tốt, phát triển đa dạng sinh học trong hệ sinh thái vườn. Tuy nhiên, chọn loại cỏ thích hợp để trồng trong vườn là vấn đề hết sức cần thiết. Trong các loại cỏ được chọn, đậu phộng dại là cây cỏ họ đậu có nhiều ưu điểm vì khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm từ ni tơ có trong không khí, chúng phát triển thân, lá nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất.

 Đậu phộng dại.

Đậu phộng dại hay còn gọi là lạc dại với tên khoa học là Arachis pintoi thuộc cây họ đậu Fabaceae. Là một loại thực vật có hệ thống thân ngầm và hạt nằm sâu trong đất, có rễ cọc ăn sâu vào lòng đất và tạo thành thảm dày từ thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần chứa các vi khuẩn cộng sinh có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Thân lá cây cỏ đậu phộng mọc bò có thể dài tới 2 m, phụ thuộc vào môi trường và cách quản lý, xanh tốt quanh năm, nhất là khi được cắt định kỳ củ đậu phộng dại nhỏ, chui sâu vào đất, ít khi được thu hoạch.

 Mô hình trồng đậu phộng dại trong vườn bưởi.

Đậu phộng dại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt, sinh khối lớn, có khả năng nhân giống vô tính. Cây có khả năng sinh trưởng tốt hơn khi được trồng dưới cây che bóng hơn là khi được trồng ở nơi nắng đầy đủ. Đậu phộng dại sống dưới tán cây bưởi, không cạnh tranh ánh sáng với cây trồng chính, cây sinh trưởng quanh năm nên duy trì độ che phủ tốt hạn chế cỏ dại phát triển, chống xói mòn vào mùa mưa và duy trì độ ẩm ổn định trong vườn bưởi vào mùa nắng đây là yếu tố quan trọng giúp cho cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt. Đậu phộng dại có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng đến vùng đất phù sa và có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, có thể trồng được quanh năm.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp (NOMAFSI) đậu phộng dại có khả năng cố định đạm từ 200-300kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh trên một năm cây đậu phộng dại có thể trả lại cho đất lượng dinh dưỡng rất cao (595kg N/ha, 140kg P2O5/ha và 200kg K2O/ha). Vì vậy có thể khẳng định cây đậu phộng dại góp phần quan trọng trong việc cải tạo độ phì nhiêu của đất (*). Trong những tháng khô hạn độ ẩm của đất có trồng đậu phộng dại luôn cao hơn so với đối chứng từ 10 đến 50% tùy thuộc vào độ dày của thảm che phủ và điều kiện đất đai, vì thế tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô trong điều kiện nước mặn xâm nhập sâu và độ mặn tăng cao như trong những năm gần đây.

Trồng đậu phộng dại giúp cho các loại động vật trong đất phát triển làm cho đất thêm tơi xốp. Ngoài ra, đậu phộng dại ra hoa liên tục trong năm tạo điều kiện cho thiên địch (côn trùng có ích) cư trú nhất là nhóm thiên địch ký sinh như ong Trichogramma (ký sinh trứng sâu đục trái bưởi), đồng thời các loài vi sinh vật có lợi trong đất tăng rất cao dưới thảm đậu phộng dại, bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt. Sử dụng đậu phộng dại làm thức ăn cho gia súc như bò, dê, thỏ và chúng ta thu lại nguồn phân hữu cơ bón lại cho cây bưởi và có thể làm thức ăn cho cá trắm cỏ, cá tai tượng,… để tăng thu nhập. Đặc biệt đậu phộng dại có khả năng phát triển nhanh khi cắt thường xuyên tạo nên thảm thực vật trên bờ trồng tiện cho việc đi lại chăm sóc vườn bưởi và hạn chế đất bị lèn chặt trên các lối đi thưởng xuyên vào các tháng mưa bão. Nếu không sử dụng làm thức ăn cho gia súc, chúng ta có thể cắt tỉa khi mật độ chúng mọc dày hoặc khi rải phân cho bưởi, dùng thân chúng tủ lại gốc cây bưởi hay làm vật liệu để ủ phân hữu cơ.
 
Trồng đậu phộng dại che phủ vườn nhanh, nhất là các vườn bưởi trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tiết kiệm công làm cỏ. Đặc biệt, đối với bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, yêu cầu về hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ cỏ thì mô hình canh tác này rất lý tưởng. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1-5 năm nên không phải tốn công trồng lại hàng năm.

Trồng và chăm sóc: Đậu phộng dại trồng được quanh năm, tốt nhất là trồng vào mùa mưa hạn chế công tưới, có thể trồng bằng hom hoặc bằng hạt (nhưng phổ biến trồng bằng hom vì tận dụng nguồn giống có sẵn). Giâm hom trồng đậu phộng dại bằng đoạn thân bánh tẻ đảm bảo khả năng sống cao và phát triển nhanh hơn trồng hạt. Chọn và cắt hom dài 30-50 cm và bộ lá bắt đầu chuyển sang màu hơi vàng. Đào hốc đặt mỗi hốc 2-3 hom, hốc cách hốc khoảng 50 cm, tưới nước đủ ẩm cho hom đậu mau bén rễ. Chú ý hốc trồng cách chu vi gốc bưởi khoảng trên 50cm. Sau khi trồng khoảng 2 tháng, cây đậu phộng dại đâm nhiều chồi mới bò lan và có thể cắt những dây dài nhất đem trồng hoặc làm thức ăn cho cá, gia súc. 

Mô hình trồng đậu phộng dại trong vườn bưởi da xanh là mô hình bảo vệ đất rất hiệu quả, hạn chế cỏ dại, giữ ẩm ổn định cho vườn bưởi, tiết kiệm công và nước tưới, phát triển đa dạng sinh học trong hệ sinh thái vườn bưởi bền vững. Tuy nhiên, đây là mô hình mới được thực hiện trên vườn bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre, nên nông dân vẫn còn khá lạ lẫm. Do đó, cần tiếp tục ứng dụng nhiều mô hình để nông dân thấy được hiệu quả mà vững tin nhân rộng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn