Chợ Lách chú trọng phát triển cây đầu dòng

Nghề sản xuất cây giống đã tồn tại trên địa bàn huyện Chợ Lách nhiều thập kỷ qua và đã trở thành lĩnh vực đặc thù của nông nghiệp địa phương. Mỗi năm Chợ Lách cung ứng cho thị trường cả nước trung bình từ 16 đến 18 triệu sản phẩm cây giống các loại. Do đó, việc nông dân xây dựng vườn cây đầu dòng chất lượng là yếu tố quan trọng, đóng vai trò cốt lõi trong việc tạo ra giá trị bền vững cho thương hiệu cây giống Cái Mơn-Chợ Lách như ngày hôm nay. 

 Vườn cây sầu riêng RI6 đầu dòng của ông Dương Văn Huyền.

Ông Dương Văn Huyền-Giám đốc hợp tác xã cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn cho biết, từ những ngày đầu làm chủ nhiệm Hợp tác xã, ông Huyền luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng vườn cây đầu dòng đạt chuẩn để lấy mắc ghép sản xuất cây giống. Với ý nghĩ đó, đến năm 2013 khi Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phát động xây dựng vườn cây đầu dòng, cùng với 4 hộ thành viên của hợp tác xã, ông Huyền đã đăng ký vườn cây đầu dòng với 2 chủng loại là sầu riêng RI 6 và chôm chôm rong riêng với diện tích hơn 2.000m2. Đến tháng 9 năm 2015, các vườn cây này đã được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận vườn cây đầu dòng. Ông Dương Văn Huyền vui mừng tâm sự: “Hiện tại, vườn cây đầu dòng của gia đình tôi có hơn 70 gốc sầu riêng RI 6 và 50 gốc chôm chôm rong riêng, mỗi năm cung cấp hơn 200 ngàn mắc ghép, đối với nhu cầu gia đình chỉ sử dụng phân nửa số lượng này, phần còn lại mình chia sẻ cho các hộ thành viên trong hợp tác xã”. 

Cũng như ông Dương Văn Huyền, ông Trịnh Văn Bình ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B đã ôm ấp việc xây dựng vườn cây đầu dòng từ hàng chục năm trước. Từ những năm 1999-2000, ông Bình đã trồng một số loại cây như sầu riêng RI 6, mít nghệ, chôm chôm,… trong vườn nhà để sử dụng cho việc lấy mắc ghép sản xuất cây giống hàng hóa của gia đình. Khi qui mô sản xuất cây giống mở rộng, song song với việc đăng kí giấy phép kinh doanh cho cơ sở sản xuất cây giống Bảy Bình, ông đã mạnh dạn đăng ký cây đầu dòng với ngành nông nghiệp của huyện nhằm mục đích tạo thương hiệu chính thống cho cây giống của cơ sở sản xuất. Ông Bình kể lại: “Từ năm 2014, tôi đã xây dựng được vườn cây để lấy mắc ghép gần 3.000m2 gồm các chủng loại là sầu riêng, chôm chôm, mít. Đến năm 2015 vườn cây của tôi được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận đạt chuẩn vườn cây đầu dòng. Dự kiến trong năm 2017, tôi sẽ đăng ký thêm cây đầu dòng cho giống bơ sáp 034-là giống bơ mới trên thị trường có xuất xứ từ tỉnh Lâm Đồng”. 

 Ông Trịnh Văn Bình với vườn mít đầu dòng.

Theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm-Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách thì năm 2010 trở về trước, ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách đã lập hồ sơ công nhận cây đầu dòng cho những giống có giá trị kinh tế cao nhằm mục đích quản lý chất lượng cây giống trên thị trường, từ đó công nhận thương hiệu cho từng cơ sở sản xuất cũng như nhãn hiệu tập thể của địa phương. Đến năm 2015 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho 15 vườn cây đầu dòng gồm các chủng loại như sầu riêng, chôm chôm, bưởi xa xanh, mít, bơ, măng cụt. Ông Bùi Thanh Liêm cho biết: “Trong thời gian tới, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách phối hợp với dự án AMD tỉnh Bến Tre tiến tục hỗ trợ nông dân cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống đầu tư phát triển hệ thống vườn cây đầu dòng đạt chuẩn”. 

Với những hiệu quả từ thực tiễn sản xuất đã khẳng định việc xây dựng hoàn thiện hệ thống vườn cây đầu dòng đảm bảo chất lượng là điều kiện tiên quyết để Chợ Lách duy trì thương hiệu cây giống trong xu hướng hội nhập và phát triển. Tạo cơ sở về mặt pháp lý cũng như khoa học cho ngành nông nghiệp huyện từng bước xây dựng qui hoạch sản xuất cây giống theo hướng tập trung, hiện đại và chất lượng, bảo tồn nguồn gen cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn