Chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch-giải pháp cho năng suất ổn định

Sau vụ mang trái, hiện nay một số vườn sầu riêng ở huyện Châu Thành, Bến Tre có biểu hiện suy kiệt, cháy lá, rụng lá nhiều, cây sinh trưởng kém thậm chí có một số cây bị chết nhất là một số vườn đã bị nhiễm mặn trong mùa khô năm 2015- 2016 vừa qua. Nếu không có biện pháp chăm sóc kịp thời để cây nhanh chóng phục hồi sau thu hoạch thì cây sẽ không đủ sức cho trái năm sau.

 Trước hết nông dân cần biết những yếu tố tác động

làm cây sầu riêng thường bị suy kiệt sau một vụ trái.

Thứ nhất, hiện nay kỹ thuật xử lý cho sầu riêng ra hoa sớm trong mùa nghịch bằng cách phun hóa chất đã trở nên phổ biến và là biện pháp tương đối có hiệu quả. Tuy nhiên, do sản xuất sầu riêng sớm trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nên người dân đã quá lạm dụng việc kích thích cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ mà quên đi hậu quả là có thể làm cây bị suy kiệt, thậm chí đưa đến chết cây. Ngoài ra, việc kích thích cây sầu riêng ra hoa khi cây còn nhỏ, không đủ tán lá cần thiết để nuôi trái hoặc phun hóa chất xử lý nhiều lần ở nồng độ cao hơn hướng dẫn cũng mang lại hậu quả trên. 

Thứ hai, nhiều nông dân áp dụng biện pháp xiết nước kết hợp với đậy mặt líp bằng nilon để tạo điều kiện khô hạn kích thích cho cây ra hoa. Tuy nhiên, khi gặp thời tiết không thuận lợi, có mưa nhiều làm độ ẩm đất trong vườn cao, cây không ra hoa được nên nông dân tiếp tục xiết nước trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Ngoài ra, tưới nước cho vườn sầu riêng bằng máy nhưng không dùng búp sen mà phun trực tiếp lên mặt líp làm cho mặt đất bị “lèn”.

Thứ ba, trong quá trình phát triển trái, nông dân thường sử dụng hóa chất để ức chế không cho sầu riêng ra đọt non nhằm tránh hiện tượng rụng trái non và trái bị sượng. Dẫu biết rằng đây là biện pháp cần thiết để tăng năng suất và phẩm chất trái sầu riêng, tuy nhiên cây sầu riêng dự trữ chất dinh dưỡng chủ yếu trong lá nên sự rụng nhiều lá (do phun thuốc ức chế sinh trưởng) làm giảm khả năng sinh trưởng của cây.

Thứ tư, do đặc tính sầu riêng ra hoa nhiều và đậu trái cũng rất nhiều, việc để quá nhiều trái trên cây cũng dễ gây ra hiện tượng khô cành, làm cây bị mất sức, ảnh hưởng đến khả năng cho trái năm sau.

Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, do tình trạng nhiễm mặn trong mùa khô đầu năm 2016 nên bộ rễ sầu riêng bị ảnh hưởng, cây hấp thu dinh dưỡng kém đưa đến cây dễ bị suy kiệt sau thời gian mang trái.

Biện pháp phục hồi 

 
- Tỉa cành tạo tán sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu không chỉ tạo thông thoáng vườn cây, hạn chế sâu bệnh phát triển mà còn giúp cây nhanh phục hồi sức khỏe để cho năng suất vụ sau. Tiến hành cắt tỉa bỏ những cuống trái còn sót lại trên thân, tỉa bỏ các cành sâu bệnh, cành khô, cành ốm yếu, cành vượt che khuất ánh sáng và những cành mọc thấp hơn 1m kể từ mặt đất (để tránh bệnh nứt thân xì mủ).  

- Bón phân để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây ra đọt mới, phục hồi khả năng sinh trưởng sau thời gian mang trái. Giai đoạn này cần bón nhiều đạm và lân, có thể bón phân theo công thức: 1/2 lượng Urea+1/2 super lân+1/4 lượng Kali (bón vùi phân trong phạm vi tán). Đồng thời, nên bổ sung phân hữu cơ nhằm mục đích cải tạo đất và tăng số lượng vi sinh vật có lợi trong đất giúp đất được tơi xốp và thông thoáng (sử dụng phân chuồng hoai mục với số lượng từ 10-12 tấn/ha). Ngoài ra, bón vôi (CaO) để làm giảm độ chua, cải thiện kết cấu của đất nhất là những vườn đã bị nhiễm mặn. Tùy theo độ PH của đất có thể bón vôi với liều lượng 0,5 tấn-1 tấn/ha.

- Quản lý nước: Cần tưới đủ nước trong mùa khô nhưng cũng tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt trong mùa mưa vì trong điều kiện ngập úng các nấm có hại trong đất phát triển và tấn công bộ rễ sầu riêng làm rễ dễ bị thối. Nên giữ mực nước trong mương ổn định từ 60-80cm từ mặt líp trong suốt năm.

- Nông dân chú ý khi cho vụ trái năm sau chỉ kích thích ra hoa khi cây sầu riêng khỏe mạnh, cây có khả năng mang trái, có đủ đọt. Chỉ nên phun hóa chất xử lý ra hoa lúc thật sự cần thiết kết hợp với đậy gốc bằng nilon cho cây ra hoa tập trung và mở nylon khi hoa sắp nở. Nên để trái với số lượng vừa phải tùy theo giống, kích thước tán cây và tình trạng sinh trưởng của cây.

- Quản lý sâu bệnh: Khi cây có được đọt non nên chú ý quan sát sự xuất hiện rầy nhảy và bệnh thán thư, phun thuốc phòng trừ kịp thời.

Để cho cây sầu riêng phát triển tốt và có khả năng cho trái ổn định lâu dài, nông dân nên theo đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc hợp lý, đặc biệt không khai thác quá mức khả năng cho trái của cây, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn