Nguy cơ tái phát bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại trên lúa vụ Hè Thu 2017

Hiện nay, vụ lúa Hè Thu 2017 của tỉnh Bến Tre đã xuống giống xong. Lúa đang giai đoạn mạ và đẻ nhánh. So với vụ Hè Thu của những năm trước, năm nay thời tiết khá thuận lợi, mưa đến sớm, mưa đều, đủ nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là trong vụ Hè Thu này ở một số tỉnh ĐBSCL đã xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, sau nhiều năm  bệnh này đã bị đẩy lùi. Thời điểm hiện tại, một số tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp,... đã và đang thu hoạch lúa Hè Thu sớm nên rầy nâu sẽ di trú đến vùng lúa Hè Thu muộn như tỉnh ta. Điều đáng quan tâm hơn, rầy nâu di trú trong thời điểm hiện nay có tỷ lệ mang mầm bệnh (virus) rất lớn. Do đó, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có khả năng sẽ tái phát gây hại trên trà lúa Hè Thu  của tỉnh Bến Tre trong thời gian sắp tới, vì thế nông dân cần cảnh giác phát hiện kịp thời nhằm ngăn chặn nguồn bệnh lây lan trên diện rộng.

 Triệu chứng bệnh vàng lùn.

 

Bệnh vàng lùn do virus gây bệnh lúa cỏ có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) gây ra. Virus này xâm nhập vào cây lúa và gây bệnh thông qua môi giới truyền bệnh là rầy nâu. Bệnh vàng lùn thể hiện rõ nhất trên các giống nhiễm rầy: IR50404, Nếp sáp, OM 6162,… Triệu chứng nhận biết là bụi lúa lùn hẵn (chiều cao chỉ bằng 50%) so với cây lúa khỏe, nếu virus xâm nhiễm muộn chiều cao cây lúa không chênh lệch nhiều với cây lúa bình thường. Điểm đặc trưng nhận biết là góc lá lúa bẹt ra rất rõ, lá lúa màu vàng cam, xuất hiện ở những lá bên dưới, lan dần lên những lá trên. Trong một buội lúa xen lẫn một vài chồi bị bệnh.

Ngoài ra, nông dân cần chú ý một bệnh khác cũng do virus gây ra và thường xuất hiện cùng với bệnh vàng lùn đó là bệnh lùn xoắn lá. Bệnh do virus Rice ragged stunt virus (RRSV) gây ra. Cây lúa bị bệnh lùn xoắn lá sinh trưởng cằn cọc, cây thấp lùn, chiều dài lá, rễ đều bị co ngắn so cây bình thường. màu lá xanh đậm, rìa lá có vết rách và gợn sóng, chóp lá bị biến dạng, xoăn tít lại. Một triệu chứng đặc trưng nữa là gân lá bị sưng, tạo các bướu có màu trắng hay màu vàng nhạt, bướu thường xuất hiện trên phiến lá hoặc bẹ lá. Đốt thân bên trên có hiện tượng nhảy chồi, các chồi này cũng có gié nhỏ mang các hạt nhưng bị lép hoặc lững. Lúa không trổ được, bị nghẹn đòng và hạt lép. Cây lúa tuổi càng nhỏ dễ bị nhiễm bệnh và thiệt hại càng lớn, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng.

Có trường hợp trên một bụi lúa đồng thời xuất hiện cả hai triệu trứng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

 

 

 Triệu chứng cây lúa bị cả 2 bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

 

Triệu chứng bệnh lùn xoắn lá

Đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, môi giới truyền bệnh là rầy nâu. Ấu trùng rầy nâu truyền bệnh mạnh hơn và thời gian ủ bệnh ngắn hơn trưởng thành. Rầy nâu cần ít nhất trong 1 giờ để hút mầm bệnh từ cây lúa vào cơ thể; thời gian ủ bệnh trung bình là 8 ngày và chỉ cần 9 phút là đủ để truyền
virus vào cây lúa khác.

Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại trên các trà lúa Hè Thu. Để ngăn chặn sự phát triển nguồn bệnh trong vụ Hè Thu 2017 và nhất là bảo vệ lúa vụ Đông Xuân 2017-2018 sắp tới, có nguy cơ sẽ lây lan bệnh virus trên diện rộng, cần chú ý các biện pháp quản lý tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ như:
- Đối với hai bệnh virus này không có thuốc trị, chỉ phòng ngừa côn trùng môi giới là rầy nâu (nên ngăn ngừa bằng cách duy trì thiên địch của rầy).
- Phải thường xuyên thăm đồng phát hiện thấy bệnh nhiễm nhẹ thì ngay lập tức phải nhổ bỏ, vùi các bụi lúa bị bệnh đồng thời phun thuốc trừ rầy nhằm tránh rầy nâu chích hút, phát tán mầm bệnh sang những cây lúa khỏe.
- Biện pháp gieo sạ tập trung, đồng loạt “né rầy” trên cùng cánh đồng là biện pháp hàng đầu, hữu hiệu nhất, kinh tế nhất để giải quyết cơ bản dịch rầy nâu mang mầm bệnh virút hại lúa. Vì thế kiên quyết xuống giống (kể cả gieo mạ mùa) tập trung từng vùng và theo lịch né rầy của cơ quan chuyên ngành khuyến cáo.
- Hạn chế sử dụng những giống nhiễm rầy.
- Những ruộng mạ trước khi nhổ cấy nên quan sát để loại bỏ những cây mạ bệnh.
- Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ như “3 giảm 3 tăng” để tạo cây lúa khỏe để gia tăng sức đề kháng của cây.
- Theo dõi sự xuất hiện và phát triển mật số của rầy, phun thuốc trừ rầy khi mật số cao.
- Để quản lý bệnh bệnh vàng lùn và lùn xoắn thì trước hết cần theo dõi diễn biến của rầy nâu di trú bằng cách theo dõi bẫy đèn.

Quản lý tổng hợp là biện pháp tốt nhất để phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Cần thiết phải phối hợp ngay đầu vụ từ khâu thời vụ xuống giống, chọn giống, mật độ sạ đến kỹ thuật canh tác và sử dụng thuốc hóa học một cách hợp lý.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn