Chợ Lách ứng dụng thành công mô hình sản xuất phân hữu cơ bằng phương pháp thông khí ASP

Trong thời gian qua, việc sản xuất phân bón hữu cơ từ xác bã thức vật, phân chuồng tại hộ gia đình trên địa bàn huyện Chợ Lách phát triển mạnh. Tuy nhiên, phương thức sản xuất phân hữu cơ truyền thống của nông dân thường là ủ nổi, ủ chìm kết hợp sử dụng men trichoderma cho phân hủy tự nhiên nên quá trình phân hủy từ bả ủ thành phân hữu cơ tốn nhiều thời gian và công lao động mà chất lượng không được tối ưu và cũng không thể sản xuất với số lượng lớn. Từ thực tế đó, tháng 7/2016 trạm khuyến nông huyện Chợ Lách triển khai phương thức sản xuất phân hữu cơ qui mô hộ gia đình theo phương pháp sử dụng hệ thống thông khí air systems pressure (viết tắt là ASP) nhằm giải quyết các tồn tại trong thời gian qua.

 Mô hình ủ phân hữu cơ bằng phương pháp ASP.


Ông Hồ Văn Lai ở xã Sơn Định cho biết, gia đình ông hiện canh tác khoảng 5.000m2 chôm chôm và sầu riêng. Mỗi năm ông điều sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng 2 đợt. Từ nhu cầu của gia đình, ngoài lượng phân hữu cơ mua từ các nhãn hàng có trên thị trường thì gia đình cũng tự ủ phân từ nguồn phân chuồng xác bả thực vật tại chổ. Tuy nhiên, với cách ủ thông thường của gia đình, chất lượng phân cũng chưa như ý muốn, độ phân hủy còn chưa đồng đều, thời gian ủ kéo dài vài tháng. Ông Hồ Văn Lai cho biết: “Năm 2016, khi áp dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ cơ theo phương pháp sử dụng hệ thống thông khí ASP, tôi thấy hiệu quả hơn hẳn cách làm truyền thống. Với thời gian ủ khoảng 45 ngày, tỷ lệ hoai mục gần như hoàn toàn, không phải thuê nhân công đảo trôn trong quá trình ủ nên có thể sản xuất với số lượng lớn. Sau sản xuất thử nghiệm thành công, đầu năm 2017, tôi đã đầu tư chi phí gần 3 triệu đồng để mua thêm nguyên liệu để sản xuất 6m3 phân hữu cơ theo phương pháp ASP. Đặt biệt, điều mà tôi phấn khởi là mẫu phân hữu cơ do mình sản xuất đã được trạm khuyến nông huyện Chợ Lách gởi đi kiểm nghiệm và kết quả là đạt các tiêu chuẩn để sử dụng cho cây trồng”.

 Hệ thống ống dẫn khí đã được hoàn thành.


Cũng là người tâm đắc với mô hình ủ phân hữu cơ theo phương pháp sử dụng hệ thống thông khí ASP,  anh Nguyễn Văn Cường ở xã Hưng Khánh Trung B cho biết sau khi sản xuất thử nghiệm phân hữu cơ từ mô hình này anh thấy hiệu quả hơn so với cách sản  xuất truyền thống của gia đình. Gia đình, anh Cường nuôi khoảng 20 con dê lớn, nhỏ. Mỗi năm nguồn rác thải từ thức ăn thừa và phân dê cũng được anh gom lại và ủ bằng cách trộn lẫn nấm trichoderma, sau đó đậy kín, khoảng 1 tuần thì trộn đảo một lần, đến hơn 2,5 tháng mới sử dụng được. Đầu năm 2017, anh Cường cũng đã được trạm khuyến nông huyện Chợ Lách chuyển giao thành công phương pháp ủ phân hữu cơ bằng hệ thống thông khí ASP. So với phương pháp ủ truyền thống phương pháp mới có thời gian phân hủy nhanh hơn từ 1 đến 1,5 tháng, chất lượng phân thu được cũng hoai mục hơn và không phải đảo trộn thường xuyên trong quá trình ủ. Anh Cường chia sẻ: “Trước đây, do cách ủ truyền thống quá nặng nhọc, cộng với chất lượng phân tương đối nên anh chỉ ủ phân để giải quyết hết lượng phân dê và rác thác từ quá trình chăn nuôi tránh gây ô nhiễm môi trường chứ không hy vọng nhiều vào việc bón cho cây trồng. Tuy nhiện, sau khi nắm bắt kỹ thuật sản xuất phân theo phương pháp thông khí ASP và chất lượng phân sau khi ủ cũng đã được kiểm định, nên tôi mạnh dạng đầu tư tiền mua thêm nguồn nguyên liệu là phân chuồng từ các hộ chăn nuôi lân cận để sản xuất phân hữu cơ đủ để bón cho vườn sầu riêng của gia đình. Nhờ đó mà vụ mùa năm 2016 - 2017 tôi tiết kiệm hơn 10 triệu tiền phân bón hữu cơ”.

Theo kỹ sư Trần Công Tín-Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách cho biết hệ thống sản xuất phân hữu cơ theo phương pháp sử dụng hệ thống thông khí ASP có cấu tạo và qui trình vận hành khá đơn giản. Hệ thống gồm 3 phần là khối ủ, quạt gió ly tâm và hệ thống ống dẫn. Với mô hình được triển khai trên địa bàn huyện Chợ có khối ủ khoảng 13m3 giá thể cho một lần ủ. Máy quạt gió ly tâm là máy bơm sử dụng quạt ly tâm hoặc quạt hướng trục. Sản phẩm phân hữu cơ thành phẩm được đánh giá có độ phân hủy cao với độ hoai mục trên 95%, với thời gian ủ khoảng 45 ngày. Kỹ sư Trần Công Tín cho biết: “Để bà con nông dân yên tâm về chất lượng phân hữu cơ tự sản xuất bằng phương pháp sử dụng hệ thống thông khí ASP, Trạm Khuyến nông huyện đã lấy mẫu phân hữu cơ ở các hộ gia đình sản xuất thử nghiệm gửi về trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá các chỉ tiêu về dinh dưỡng, vi sinh vật, kim loại nặng. Đến đầu năm 2017, trung tâm công bố kết quả kiểm nghiệm là các mẫu thử đều đạt các tiêu chuẩn về phân bón hữu cơ, đủ điều kiện sử dụng cho cây trồng và đảm bảo các tiêu chí thân thiện với môi trường”.


Ngoài ra, kỹ sư Trần Công Tính cũng cho biết thêm, đến nay trạm khuyến nông huyện đã triển khai thành công 5 mô hình ủ phân hữu cơ bằng phương pháp sử dụng hệ thống thông khí ASP ở các xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách, Hòa Nghĩa, Long Thới và Hưng Khánh Trung B. Trong đó sở khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre hỗ trợ kinh phí đầu tư quạt ly tâm cao áp với số tiền hơn 24,86 triệu đồng, kinh phí đầu tư khối ủ do người dân đối ứng. Trong tháng 8 năm 2017, Sở khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre tiếp tục hỗ trợ 40% kinh phí quạt ly tâm cao áp, 50% kinh phí đầu tư khối ủ với số tiền gần 17 triệu đồng để trạm khuyến nông huyện Chợ Lách nhân rộng thêm 6 mô hình ở các xã còn lại trên địa bàn huyện Chợ Lách.


Sau thời gian sản xuất thử nghiệm, mô hình ủ phân hữu cơ bằng phương pháp thông khí ASP thật sự đã mở ra hy vọng cho nhiều nông hộ canh tác mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, giải quyết được song song 2 nhu cầu cấp thiết của nhà vườn là tiêu hủy rác thải từ chăn nuôi và tự sản xuất nguồn phân hữu cơ đảm bảo chất lượng theo qui mô hộ gia đình. Từ đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả canh tác, góp phần hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn