Xây dựng mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh-lúa tại huyện Thạnh Phú

Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình canh tác có hiệu quả cao hơn cho người dân trong vùng có nhu cầu chuyển đổi từ đất trồng trọt có hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao thu nhập. Trung tâm Khuyến nông Bến tre tham gia dự án với “Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh-lúa” có quy mô 20 ha thực hiện tại huyện Thạnh Phú.

 

Các xã được chọn triển khai mô hình là: Bình Thạnh, An Điền và An Nhơn; đây là những địa phương nằm trong vùng đất chuyển đổi, có diện tích canh tác lúa lớn và có điều kiện môi trường sinh thái phù hợp với nuôi tôm càng xanh. Để đảm bảo tính minh bạch công khai đến người dân, đảm bảo đúng yêu cầu và dân chủ, Trung tâm Khuyến nông lập kế hoạch chi tiết gởi đến chính quyền địa phương và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về nội dung triển khai mô hình và các tiêu chí chọn hộ để người dân được biết và đăng ký nếu thấy có nhu cầu và đáp ứng được các yêu cầu mà dự án đặt ra.

 

Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống tôm càng xanh toàn đực và lúa giống; 30% thức ăn, vôi, chế phẩm sinh học, phân bón sử dụng. Cụ thể với diện tích 1 ha, người dân được hỗ trợ tổng cộng: 25.590.000 đồng, bao gồm: 16.500.000 đồng tiền giống và 9.090.000 đồng tiền thức ăn tôm và các vật tư khác. Đồng thời được cán bộ kỹ thuật có năng lực và nhiều kinh nghiệm của Trung tâm Khuyến nông chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực-lúa, thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất và có hướng chỉ đạo kỹ thuật trong chăm sóc-phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi trồng để mô hình đạt hiệu quả cao nhất.
           

 Lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình.

 

Ngược lại, hộ dân phải đáp ứng các yêu cầu như: tự nguyện xin tham gia mô hình trình diễn và chưa nhận bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước. Có điều kiện sản xuất: ao ruộng, các trang thiết bị phục vụ sản xuất cần thiết và có khả năng đầu tư phần vốn đối ứng. Ngoài ra, phải là người muốn học hỏi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới; thực hiện mô hình theo chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật và sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn cho những người dân khác. Thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin theo yêu cầu và nhân rộng mô hình sau khi thành công.

 

Sau thông báo một tuần, ngày 27/4/2017, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành họp công khai về việc triển khai thực hiện mô hình với sự tham gia của chính quyền và nông dân địa phương. Trên cơ sở danh sách các hộ dân đã đăng ký, cán bộ kỹ thuật mô hình đã cùng với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát điều kiện sản xuất cụ thể của từng hộ.

 

Kết quả đã chọn được 25 hộ dân thực hiện mô hình với tổng diện tích là 20 ha, cụ thể như sau: xã Bình Thạnh có 6 hộ với diện tích 3 ha, An Điền có 13 hộ với 12 ha và An Nhơn sau khi khảo sát lần hai đã chọn được 6 hộ với 5 ha. Trung tâm Khuyến nông đã ký hợp đồng thực hiện với các hộ được chọn theo đúng nguyên tắc, các điều khoản ràng buộc về trách nhiệm và quyền lợi của 2 bên rõ ràng, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.    

 

Mô hình đã chính thức khởi động, đã tiến hành tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 25 hộ dân tham gia mô hình tại Ủy ban nhân dân xã An Điền. Nội dung tập huấn bao gồm: đặc điểm cơ bản của tôm càng xanh và tôm càng xanh toàn đực; giống lúa thực hiện mô hình; lợi thế của việc nuôi theo hình thức xen canh tôm càng xanh-lúa; kỹ thuật chuẩn bị ao, ruộng; kỹ thuật nuôi tôm càng xanh và kỹ thuật trồng lúa (bao gồm các khâu: thả giống, quản lý, thu hoạch và ghi chép)… Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đang gấp rút chuẩn bị các hồ sơ thủ tục tiếp theo để triển khai mô hình cho kịp mùa vụ. Qua buổi tập huấn, bước đầu được nông dân tham gia mô hình tiếp nhận các nội dung, các kiến thức canh tác mới được áp dụng trên nền tảng kinh nghiệm sản xuất truyền thống. Đồng thời nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương.

 

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre triển khai mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh-lúa với kỳ vọng đây sẽ là những điểm trình diễn để nhân rộng ra toàn tỉnh với quy trình kỹ thuật sản xuất lúa-tôm ổn định giúp tăng thu nhập cho người trồng lúa, nhằm giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa-gạo sạch Thạnh Phú“ vốn đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Qua đó, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa các thực phẩm sạch với quy trình sản xuất thân thiện môi trường phục vụ người tiêu dùng trong nước, cải thiện dần tình trạng thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng như hiện nay.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn