Nông nghiệp công nghệ cao-hướng đi tất yếu trong điều kiện biến đổi khí hậu

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường-Bộ NN&PTNT: “Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”.

Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng, kéo dài, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Do vậy, trong nông nghiệp bước đầu được quan tâm đầu tư ứng dụng KH&CN để tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.

Được tư vấn và chuyển giao công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đầu tư mô hình trồng cây cà chua picota trong nhà màng tại Khu Ứng dụng Công nghệ sinh học Cái Mơn. Cà chua picota là giống cà chua vô hạn được trồng theo công nghệ cao trên giá thể trong nhà màng kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt và cung cấp dinh dưỡng tự động.

Với mật độ trồng 400 cây cà chua picota trên diện tích 200 m2 trong 120 ngày, thu hoạch được 1,2 tấn/mô hình, quy đổi khoảng 50-60 tấn/ha/vụ, giá bán cà chua picota trên thị trường dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Thông qua mô hình, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã làm chủ được quy trình sản xuất và tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao cho người dân ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt thích hợp đối với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp trên chính mãnh vườn của mình.

Ngoài ra, được hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, chi nhánh Công ty TNHH TM DV Phú An Khang tại Bến Tre đã mạnh dạn nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư thực hiện mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao quy mô nhà màng 400 m2 tại Khu du lịch sinh thái Phú An Khang (Ấp Phú Lợi, xã Bình Phú, thành phố Bến tre). Quy trình trồng dưa lưới công nghệ cao được kiểm soát ngay trong khâu thiết kế nhà màng; hệ thống tưới nhỏ giọt và nguồn nước sử dụng; khâu chọn giống; chuẩn bị cây con; chuẩn bị giá thể; kỹ thuật trồng và chăm sóc, nhất là áp dụng các biện pháp phòng trừ, trị bệnh phù hợp. Trong điều kiện bắt buộc, cần thiết phải sử dụng thuốc BVTV, Công ty luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Với quy trình trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt, tạo ra sản phẩm dưa lưới an toàn, đạt các đạt tiêu chuẩn về an toàn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat, kim loại nặng và vi sinh vật.

 
 
 Dưa lưới trồng trong nhà màng.

 

Kỹ thuật cắt tỉa dưa lưới.

 

 Bấm ngọn chính khi cây được 23 - 25 lá.   
 Bấm ngọn bên, bấm chừa lại 2 lá.

 

Sản phẩm dưa lưới được sản xuất và tiêu thụ tại khu du lịch sinh thái Phú An Khang qua việc kết hợp quảng bá du lịch với quảng bá dưa lưới trên website, bán online, chế biến thức ăn và giải khát phục vụ du khách tại chỗ, bán lẻ trực tiếp cho du khách, bán buôn với Công ty TNHH Tân Nông Phát và một số đơn vị khác.

Mô hình bước đầu thành công và mang lại hiệu quả tốt, Công ty đã được Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh cho vay vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư mở rộng thêm 03 nhà màng, nâng tổng diện tích các nhà màng lên 2.900 m2. Ngoài trồng dưa lưới, công ty trồng thêm ca chua bi và rau ăn lá. Lợi nhuận sau khi trừ các khoản đầu tư mỗi năm cho 2.000 m2 sản xuất dưa lưới là trên 500 triệu đồng với 4 đợt sản xuất, tạo ra giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích đất canh tác lên hơn 10 lần so với sản xuất truyền thống. Đây là cơ sở để công ty tiếp tục hoàn thành việc ươm tạo, làm chủ công nghệ để được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tiên của tỉnh.

Tóm lại, kết hợp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với phát triển du lịch sinh thái là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh cạnh tranh và biến đổi khí hậu hiện nay. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, đồng nhất, năng suất cao, chất lượng tốt và an toàn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, giúp nhà sản xuất chủ động và khắc phục được tính mùa vụ nghiệt ngã trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và phát triển nông nghiệp bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn