Phòng trừ bệnh hại sầu riêng trong mùa mưa

Sầu riêng là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sầu riêng rất “khó tính” không chịu được điều kiện khắc nghiệt như hạn, mặn, ngập úng,... do đó sầu riêng chỉ phát triển tốt ở vùng nước ngọt quanh năm. Ngoài ra, sầu riêng thường bị nhiều loại sâu bệnh tấn công nhất là trong mùa mưa. Hiện nay, một số vùng trồng sầu riêng ở huyện Chợ Lách và Châu Thành bị nhiễm bệnh thán thư và bệnh cháy lá chết ngọn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây, đưa đến năng suất giảm.

Bệnh thán thư là bệnh phổ biến trên sầu riêng. Bệnh do nấm Colletotrichum  zibethinum gây ra.  Nấm bệnh phá hại chủ yếu trên lá. Vết bệnh bắt đầu từ rìa lá hay chót lá lan dần vào trong phiến lá, vết bệnh dạng tròn hay bất định. Vết bệnh tạo thành những mãng cháy màu nâu đỏ, trên đó có những đường gợn sóng màu nâu thẫm, đặc trưng là những vòng đồng tâm, trên vết bệnh và có những hạt nhỏ màu đen li ti là các ổ bào tử. Giữa vết bệnh và phần xanh còn lại của lá có đường ranh giới rõ rệt màu nâu. Bệnh thường phát sinh trên lá già và lá bánh tẻ. Bệnh nặng cháy toàn bộ lá và rụng sớm, cây kém phát triển, nhất là khi cây còn nhỏ. Nấm tồn tại trên lá bệnh ở dạng sợi và bào tử. Bệnh gây hại quanh năm nhưng thường nặng trong mùa mưa, nhất là những ngày mưa dầm có nhiệt độ khá cao, ẩm độ không khí cao. Vườn trồng dày, thiếu chăm sóc cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

 


    
Ngoài ra, trong mùa mưa bệnh cháy lá khá phổ biến gây hại trên các vườn sầu riêng. Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra, nấm tấn công và gây hại không chỉ cây con trong vườn ươm mà còn gây hại cả trên cây lớn, bất kỳ vị trí nào trên lá. Bệnh lan dần từ lá già bên dưới và lên trên lá non. Vết bệnh không có hình dạng rõ rệt, màu xanh tái như bị luộc nước sôi, về sau lan rộng có màu vàng nâu, cuối cùng chuyển màu xám trắng. Lá bị bệnh không phát triển được và co rúm lại, bệnh lây lan rất nhanh, từ lá này sang lá kia và các lá bệnh dính lại với nhau như kiến làm tổ (nông dân còn gọi là bệnh tổ kiến), bên trong có những sợi tơ nấm trắng xám và đôi khi có những hạch nấm tròn màu nâu nhạt như hạt cát. Nếu bệnh xảy ra trong lúc có ẩm độ không khí cao, hoặc mưa dầm thì vết bệnh có màu đen và nhũn ra. Bệnh nặng làm lá cháy thành mãng lớn và rụng sớm, đôi khi cành non cũng bị tấn công làm khô dần và chết ngọn. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, nóng và ẩm. Hạch nấm có thể sống trong đất và trong nước hàng năm, từ đó mọc ra sợi nấm để xâm nhập và gây bệnh.
•Biện pháp phòng trừ

 


Nên áp dụng một số biện pháp phòng đối với bệnh thán thư và bệnh cháy lá chết ngọn.
+ Đối với vườn mới trồng nên trồng với mật độ hợp lý, khoảng cách 8-10m, tạo thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển thông thoáng.
+ Vệ sinh vườn cây, tỉa bớt cành lá gần mặt đất, thu gom những bộ phận bệnh đem tiêu hủy.
+ Vườn cây cần cao ráo, thoát nước tốt trong mùa mưa.
+ Bón phân cân đối, nhất là tránh bón thừa đạm.
+ Bón phân chuồng hoai mục, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma để hạn chế bệnh phát triển.
+ Đối với vườn ươm sầu riêng, không bố trí vườn ươm hay đặt cây con dưới tán cây lớn, ít nắng và ẩm thấp, không tưới quá nhiều nước nhất là vào chiều tối.


Thuốc hóa học để phòng trừ
Phát hiện bệnh mới chớm phun các loại thuốc hóa học.
Đối với bệnh cháy lá chết ngọn phun một trong các loại thuốc sau: Validacin 5L, Anvil 5SC, Bonanza 100SL,…
Đối với bệnh thán thư, một số thuốc có hiệu quả như Antracol 70WP, Amistar 250SC,  Manozeb 80WP,... và các thuốc gốc đồng. Chú ý, nếu bệnh xuất hiện vào giai đoạn trái lớn, khi phun thuốc nên đảm bảo đúng thời gian cách ly để tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn trong trái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn