Ông Phạm Văn Nhựt-nhà nông chuyên lai tạo, phục tráng giống lúa giúp bảo tồn đa dạng sinh học ở đồng bằng sông Cửu Long

Người mà chúng tôi để cặp đến trong bài viết này, đó là ông Phạm Văn Nhựt, một nông dân ở ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông là một trong 15 nông dân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long-Trường Đại học Cần Thơ  tôn vinh danh hiệu “Nhà nông lai-chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học” giai đoạn năm 2010-2015.

Xuất thân trong một gia đình nông dân gắn bó với đồng ruộng nhiều thế hệ, sau ba năm thi hành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông tiếp tục trở về với đồng ruộng. Để có được kết quả trên, ông phải trải qua nhiều năm miệt mài, nghiên cứu thực hành lai tạo các loại giống lúa chất lượng, phù hợp điều kiện vùng đất của địa phương xã Phong Mỹ nói riêng và cả tỉnh nói chung.

 


 
 Ông Phạm Văn Nhựt bên cạnh những thành quả đạt được. Ảnh: NC

 

Nhớ lại những năm 1990, khi đó diện tích đất lúa ở huyện Giồng Trôm có khoảng 4.800 ha, chiếm gần 30% diện tích nông nghiệp huyện. Thời điểm ấy, phần lớn các hộ sử dụng giống trung vụ, hoặc giống bị thoái hóa nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Trăn trở trước những khó khăn của người trồng lúa không có nguồn giống tốt để canh tác, lúa gạo sản xuất cũng chưa có sự cạnh tranh trên thị trường, việc tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa còn gặp không ít khó khăn.

Năm 1995, ông Nhựt may mắn được Hội Nông dân xã Phong Mỹ giới thiệu tham dự lớp tập huấn nhân chọn tạo giống lúa cộng đồng do Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Tại đây, ông và các thành viên trong trong lớp học được tiến sĩ Huỳnh Quang Tín và thạc sĩ Nguyễn Thị Cúc (Trường Đại học Cần Thơ) trực tiếp giảng dạy. Sau ba tháng nghiên cứu về lý thuyết và thực hành trên đồng ruộng, ông có được kiến thức cơ bản, cộng với lòng say mê nghiên cứu khoa học, giúp ông thực hành lai tạo một số giống mới tương đối thành thạo.

Như được tiếp thêm luồng sinh khí mới, ông đã bắt tay vào phục tráng, trồng và khảo nghiệm 02 giống trung vụ trồng tại địa phương xã Phong Mỹ đã thoái hóa (nay gọi OC10 hạt dài và OC10 hạt tròn) và một số giống trao đổi từ các tỉnh lân cận như: AGPS-103, lúa Núi Vôi (An Giang), Hậu Mỹ Trinh (Tiền Giang), Hòn Đất (Kiên Giang)… Ban đầu sản xuất thử nghiệm vài ba công đất,  sau đó ông mở rộng ra toàn bộ diện tích 03ha, chuyên sản xuất các bộ giống mới cung cấp cho thị trường.

Trong số các bộ giống do ông nghiên cứu lai tạo, cũng  như phục tráng thành các giống lúa thuần, có bộ giống 0C10 (hạt tròn) và OC10 (hạt dài) được thị trường trong tỉnh ưa chuộng. Các bộ giống lúa Núi Vôi (An Giang), Hậu Mỹ Trinh (Tiền Giang), Hòn Đất (Kiên Giang)… được tiếp tục sản xuất khảo nghiệm. Đặc biệt năm 2013, ông nhận thực hiện quy trình  sản xuất lai tạo giống lúa ngắn ngày, thích nghi với vùng sản xuất lúa bị nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông đưa ra ý tưởng sản xuất ra giống lúa ngắn ngày để thay thế giống OC10 đang bị thoái hóa, nhất là rút ngắn thời gian sinh trưởng sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đất nhiễm mặn của địa phương.

Dựa trên quy trình hướng dẫn của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, ông tách từ tổ hợp lai L618-1-3-3-3 ra làm hai dòng mới, gồm một dòng cây cao và một dòng cây thấp. Sau đó, ông tiếp tục chọn lọc lại và chọn dòng phân ly đến thế hệ  F7 thì cơ bản hoàn chỉnh bộ giống.


Tại Hội thảo tổng kết Dự án Hợp tác Fares được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu  cuối năm 2013, toàn khu vực phía Nam chỉ có 03 bộ giống được công nhận và cho phép đưa vào sản xuất đại trà. Trong đó, giống lúa  do ông Phạm Văn Nhựt sản xuất lai tạo, có năng suất chất lượng vượt trội, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu và đặt tên là PM1 (Phong Mỹ 1) được dự án công nhận, đưa vào bản đồ nông nghiệp trồng lúa của đồng bằng sông Cửu Long.

Tính sau gần 10 năm sản xuất khảo nghiệm các giống lúa mới, ông đã   sản xuất lai tạo thành công trên chục bộ giống mới, chất lượng cao và kháng được sâu bệnh, phù hợp với điều kiện vùng đất Bến Tre. Trong số bộ giống lúa  do ông  phục tráng, có  hai bộ giống  OC10 hạt tròn và OC10 hạt dài, nay được ưa chuộng trên thị trường gạo chế biến của tỉnh Bến Tre. Bên cạnh đó, ông còn nhận trồng khảo nghiệm các giống lúa Kiên Giang 8, Kiên Giang 9, Lộc Trời 7, Lộc Trời 8…

 Rút kinh nghiệm từ kết quả lai tạo thử nghiệm cũng như phục tráng các bộ giống mới thành công, ông chuyển sang chuyên sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao để cung cấp cho thị trường. Bên cạnh liên kết với nhiều hộ trồng lúa trong xã thành lập tổ chuyên sản xuất các giống lúa chất lượng cao. Tính bình quân mỗi năm, Tổ sản xuất lúa giống xã Phong Mỹ đã cung cấp cho thị trường trong, ngoài huyện hàng chục tấn giống lúa xác nhận. Thành công trên đã góp phần cung cấp nguồn giống mới chất lượng cho khu vực trồng lúa trong huyện Giồng Trôm nói riêng và giao lưu, trao đổi cùng một số tỉnh khu vực lân cận nói chung.

Cuối tháng 10/2016, chúng tôi có dịp đến tham quan quy trình sản xuất lai tạo giống lúa mới của ông Phạm Văn Nhựt. Mặc dù có đến 3ha đất lúa-kết hợp  nuôi bò, heo sinh sản, nhưng sự đam mê lai tạo các bộ giống mới vẫn luôn cháy bỏng ở người kỹ sư chân đất nầy. Trong nhà lưới, ông đang lai tạo thử nghiệm lúa Nhật hạt tròn AGPPS-103 và AGPSPP được 7 vụ, hướng thay thế cho bộ giống OC10 bị ảnh hưởng  trong điều kiện mặn xâm nhập làm giảm năng suất.

Thấy chúng tôi đến thăm, ông tâm sự: “Ngoài lai tạo giống lúa mới, tôi đang trồng thử nghiệm tiếp 01ha lúa CT-17 (Trà Vinh) thời gian sinh trưởng 95 ngày. Vụ Đông- xuân rồi năng suất khá lắm, gạo lại khô cơm như OC10. Để  mở rộng sản xuất, tôi tặng cơ sở bán gạo một ít để ăn thử và mỗi cở sở làm bún 10kg nếu  họ hài lòng, tôi sẽ khuyến cáo những hộ trồng lúa ở Phong Mỹ chuyển sang thay thế giống OC10. Trong điều kiện chưa cạnh tranh được với gạo OC10, tôi cũng tiếp tục trồng và khuyến cáo một số hộ cùng trồng để bán làm thức ăn cho gà, lý do lúa này có hạt tương đối tròn nên có giá cao hơn lúa hạt dài từ 1.500 đồng-2.000 đồng/kg và nó ngắn ngày thích hợp trong việc né mặn xâm nhập sớm trong vụ lúa Đông-xuân”.

Trong thời gian tới ông Nhựt có dự ‎tính liên kết cùng một số nông dân tâm huyết sản xuất và cung ứng ra thị trường giống lúa “Thảo dược” theo đơn đặt hàng của một vài Doanh nghiệp ở TP. HCM. Hy vọng với bước đột phá này sẽ giúp Tổ liên kết của ông có thêm một hướng đi mới trong sản xuất lúa gạo theo hướng sạch, an toàn.

Sau buổi trò chuyện, chúng tôi chào ông ra về vẫn không hết trân trọng  trước sự đóng góp của người nông dân giản dị này. Một con người tuy chưa có vị thế trong cái nhìn của nhiều người, nhưng lại thầm lặng cống hiến cho cho xã hội một tiềm năng khoa học rất thiết thực.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn