Vùng chuyển đổi với mô hình nuôi tôm càng xanh hiệu quả

Trong thời gian qua, một số hộ dân nằm ngoài vùng quy hoạch đã chuyển đổi đất vườn kém hiệu quả sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, bước đầu có lãi. Sau đó là hiện tượng người dân địa phương ồ ạt phá vườn đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, có hộ thành công nhưng cũng không ít hộ gặp thất bại nặng nề. Để nuôi tôm thẻ chân trắng, người dân nơi đây phải sử dụng giếng khoan lấy nước mặn và điều này sẽ phá vỡ qui hoạch, đồng thời gây tác động xấu đến môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống canh tác chung của người dân địa phương. Tôm thẻ chân trắng tuy có hiệu quả kinh tế cao nhưng dễ xảy ra dịch bệnh nguy hiểm gây thiệt hại có thể lên đến 100%, nên đòi hỏi phải có sự đầu tư cao về vốn, kỹ thuật và nhất là hệ thống thủy lợi cấp thoát nước tốt thì mới đảm bảo phát triển bền vững. Việc phát triển nhanh khi chưa được đầu tư đồng bộ chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong tương lai. Vậy cần chọn đối tượng thủy sản nuôi nào để thay thế con tôm thẻ chân trắng ở những địa phương này trong thời điểm hiện tại?  

 

Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm Khuyến nông đã lựa chọn con tôm càng xanh toàn đực làm đối tượng nuôi thử nghiệm. Từ kết quả của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh thực hiện trong năm qua bằng nguồn vốn tỉnh và dự án AMD, năm 2016 Trung tâm Khuyến Nông tiếp tục nhân rộng mô hình này tại xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú là một xã thuộc vùng chuyển đổi.

 

Sau 6 tháng nuôi, kết quả đạt được khá tốt, mô hình đạt và vượt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra ban đầu: cỡ tôm thu hoạch <30 con/kg, tỷ lệ sống: 65%, năng suất đạt: 2 tấn/ha.

 Tham quan ao nuôi ở xã Quới Điền, Thạnh Phú.

 

Trong buổi tổng kết mô hình vào trung tuần tháng 12 năm 2016, hơn 80 đại biểu tham dự đã nghe hộ dân thực hiện mô hình và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông trình bày kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi, kết quả và hiệu quả kinh tế đạt được, những bài học kinh nghiệm…. Qua mô hình, hầu hết đại biểu đều rất phấn khởi khi tận mắt chứng kiến những con tôm càng xanh “tươi rói”, khỏe mạnh đạt kích cỡ thương phẩm được chài lên kiểm tra tại ao nuôi với tỷ lệ sống khá cao. Đây là những kiến thức vô cùng bổ ích để người dân áp dụng vào từng điều kiện sản xuất cụ thể của mỗi gia đình. Mô hình rất phù hợp với điều kiện sản xuất nông hộ, đầu tư không cao, tiếp cận kỹ thuật và áp dụng được dễ dàng, giá tôm càng xanh tương đối ổn định ở mức cao và ít dịch bệnh.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: con giống tôm càng xanh toàn đực còn khan hiếm làm ảnh hưởng đến mùa vụ nuôi (làm trễ vụ → xâm nhập mặn cao →hiệu quả kinh tế thấp); khi nhân rộng mô hình, tăng diện tích nuôi hình thành sản xuất hàng hóa, tôm thương phẩm dễ bị tư thương ép giá khi thu hoạch. Mặt khác, tỷ lệ hao hụt cao cũng là trở ngại lớn mà các hộ nuôi tôm càng xanh đã gặp phải. Biện pháp kỹ thuật để khắc phục là ngoài khâu chọn con giống tốt tại các cơ sở có uy tín, người nuôi cần thực hiện các khâu cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình đã được hướng dẫn; diệt hết cá tạp, cá dữ và thường xuyên kiểm tra bờ ao, cống bọng… nhằm tránh thất thoát.

 

So sánh hiệu quả kinh tế đạt được từ nuôi tôm càng xanh với sản xuất nông nghiệp phổ biến trong vùng, chủ hộ thực hiện mô hình cho biết: thu nhập đã tăng   lên gấp đôi. Trước đây, với gần 3.000 m2  diện tích chủ yếu trồng dừa, thu nhập bình quân hàng năm vào khoảng 16 triệu đồng sau khi trừ chi phí phân bón. Khi chuyển sang nuôi tôm càng xanh, với sản lượng đã thu tỉa là 440 kg tôm loại 2 có giá bán trung bình 180.000 đ/kg và trên 200kg tôm còn lại dưới ao đang chờ vào cỡ thu hoạch thì tổng thu sau 1 vụ tôm dự kiến hơn 100 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông còn lãi trên 30 triệu đồng.

 Chài kiểm tra tôm nuôi.

 

Hiệu quả của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân ở các địa phương nằm ngoài vùng quy hoạch nhưng lại muốn nuôi tôm thẻ chân trắng làm tăng nguy cơ phá vỡ quy hoạch và gây khó khăn cho các nhà quản lý. Việc chọn nuôi tôm càng xanh thay cho con tôm thẻ ở những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi là vô cùng phù hợp. Tôm càng xanh với nhiều ưu điểm như phân tích trên và đặc biệt chúng chịu mặn rộng: có thể sinh trưởng tốt ở nước ngọt có độ mặn 0 phần ngàn đến nước lợ có độ mặn 10 phần ngàn…; là những lý do hết sức thuyết phục vừa đáp ứng mục tiêu đa dạng hóa giống loài thủy sản nuôi vừa giảm dịch bệnh đang diễn ra ngày càng gay gắt đồng thời giải được bài toán nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng chuyển đổi nhưng vẫn không phá vỡ quy hoạch. Góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu tại Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn