Hoạt động quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh trong nuôi thủy sản ở Bến Tre – Hiện trạng và giải pháp

Sau thành công vượt xa mong đợi của mô hình nuôi tôm sú công nghiệp do Trung tâm Khuyến ngư - nay là Trung tâm Khuyến nông thực hiện vào năm 2000, phong trào nuôi tôm trong tỉnh bắt đầu phát triển mạnh. Diện tích nuôi ở các huyện ven biển liên tục mở rộng, mật độ và diện tích cũng tăng lên không ngừng đã đặt ra yêu cầu cấp bách về quản lý mà đặc biệt là quản lý môi trường. Vì vậy từ giữa năm 2003, hoạt động quan trắc môi trường , cảnh báo dịch bệnh trong nuôi thủy sản bắt đầu được triển khai thực hiện, đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và đảm bảo sự phát triển bền vững phong trào nuôi.

Hệ thống quan trắc môi trường gồm ba trạm quan trắc được đặt tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú là nơi có diện tích nuôi tôm biển tương đối lớn và một phòng xét nghiệm bệnh tôm bằng phương pháp PCR tại văn phòng Trung tâm. Ba cán bộ khuyến ngư thuộc ba Trạm trên vừa phụ trách lĩnh vực thủy sản đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh . Việc theo dõi sự biến động các yếu tố môi trường bao gồm các chỉ tiêu thủy lý, thủy hoá và sinh vật gây bệnh là vô cùng quan trọng nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu về môi trường cho người nuôi cũng như các nhà quản lý để có những giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông thực hiện trung bình 264 mẫu môi trường nước và 1.224 mẫu mầm bệnh đốm trắng. Tất cả các điểm thu mẫu được chọn trên các kênh rạch cấp nước chính cho những vùng nuôi trọng điểm ở hầu hết các xã có nuôi tôm biển. Đối với mẫu nước, cán bộ kỹ thuật tại ba Trạm Ba Tri, Bình Đại và Thạnh phú sẽ đo tại hiện trường các chỉ tiêu: pH, nhiệt độ, độ mặn, độ trong và thu mẫu nước về phân tích Amonia và H2S bằng máy quang phổ. Mẫu giáp xác được gởi về phòng xét nghiệm PCR để phân tích mầm bệnh đốm trắng. Các dữ liệu kết quả về môi trường, mầm bệnh và những đề xuất, khuyến cáo được Trung tâm Khuyến nông tổng hợp trong báo cáo gởi đồng thời về Ban Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Nuôi Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi thú y, Đài Phát thanh và Truyền hình, Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện, ba Trạm khuyến nông huyện và UBND các xã có nuôi tôm biển để thông báo rộng rãi đến người nuôi.     

 Phân tích mầm bệnh đốm trắng trên mẫu giáp xác trong phòng PCR


Hoạt động quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh trong suốt thời gian qua nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cộng với sự nổ lực của cán bộ thực hiện đã góp phần không nhỏ vào việc cảnh báo sớm những diễn biến bất lợi về môi trường , cảnh báo dịch bệnh trong nuôi tôm vùng nước lợ giúp người nuôi tránh được không ít những rủi ro và chủ động hơn trong sản xuất như: có kế hoạch xử lý nước, thả giống đúng thời điểm thuận lợi về môi trường, không lấy nước khi môi trường bất lợi, thu hoạch sớm… Đây còn là cơ sở khoa học để Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các khuyến cáo hỗ trợ hoạt động nuôi tôm hoặc tham mưu cho UBND Tỉnh xây dựng và ban hành các Quyết định liên quan đến lịch thời vụ hay chiến lược phát triển nuôi tôm vùng nước lợ.

Trung tâm Khuyến nông còn có những hoạt động phối hợp không thường xuyên với Trung tâm Quan trắc khu vực Nam Bộ thuộc Viện Nuôi trồng Thủy sản  II trong quan trắc định kỳ nhiều chỉ tiêu môi trường nước và vi sinh trên một số điểm cố định trong vùng nuôi và các hộ nuôi. Kết quả quan trắc cũng được gởi đến các cơ quan ban ngành hữu quan và địa phương. Ngoài ra, Trung tâm cũng thực hiện dịch vụ đo môi trường nước ao nuôi và phân tích mầm bệnh trên tôm giống, tôm nuôi cho người dân có nhu cầu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trung tâm nhận thấy công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh trong thời gian qua cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục, cần có các giải pháp kịp thời và phù hợp sau:

- Cán bộ làm công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh hiện có đều là cán bộ khuyến ngư kiêm nhiệm với chuyên ngành đào tạo chính là nuôi trồng thủy sản. Tuy có qua khóa tập huấn ngắn hạn về phương pháp thu mẫu, phân tích mẫu, đánh giá dữ liệu… nhưng không phải là cán bộ được đào tạo về quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh là lĩnh vực vừa có tính chuyên môn sâu vừa có tính tổng hợp rất cao. Vì vậy cần có kế hoạch tuyển chọn nhân sự đúng hoặc gần đúng với chuyên ngành để đảm nhận công việc này. Mặt khác, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và có liên quan mới kịp thời đáp ứng cho tình hình dịch bệnh ngày càng nhiều và phức tạp như hiện nay.

- Nội dung quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh trong thời gian qua chỉ mới dừng lại ở việc báo cáo số liệu quan trắc và cảnh báo về một số yếu tố môi trường, mầm bệnh cơ bản gây bất lợi trực tiếp lên sức khỏe tôm nuôi và các khuyến cáo. Cần có giải pháp cụ thể xử lý hữu hiệu trong từng trường hợp cụ thể.

- Hiện nay cả nước có 4 Trung tâm quan trắc cấp vùng thuộc các Viện I; II; III; Trung tâm Quan trắc Môi trường biển thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản và hoạt động quan trắc ở các tỉnh có nuôi tôm biển. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp luận trong hoạt động quan trắc, bộ thông số và phương pháp xử lý số liệu phục vụ đặc thù cho sản xuất nuôi trồng thủy sản. Cũng như chưa có sự gắn kết giữa các Trung tâm quan trắc vùng và địa phương nhằm chia sẻ thông tin và chủ động hỗ trợ trong công việc. Sự thống nhất trong phương pháp và hợp tác chia sẻ thông tin là điều cần thiết trong thời gian tới.

- Tuy đã rất cố gắng trong truyền tải thông tin đến người nuôi nhanh nhất, nhưng đôi khi do khách quan thông tin kết quả quan tắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh vẫn đến chậm với  người nuôi trồng thủy sản và thời điểm có kết quả đôi lúc chưa đáp ứng kịp thời cho việc lấy nước vào ao nuôi. Cần thông tin nhanh, kịp thời và đầy đủ trên đài truyền hình vào các ngày 1 - 2 và 15 - 16 âm lịch hàng tháng, nhằm đáp ứng  việc lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

- Với mật độ nuôi ngày càng cao, diện tích nuôi ngày càng mở rộng, dịch bệnh càng phức tạp, đặc biệt xuất hiện các bệnh mới, cụ thể bệnh EMS và Vi bào tử trùng trên tôm biển. Nên cần tăng tần suất lấy mẫu, đồng thời mở rộng vùng quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, cụ thể triển khai công tác này đến những vùng nuôi mới như Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ (Giồng Trôm). Đặc biệt lấy mẫu phân tích mầm bệnh EMS và bệnh Vi bào tử, cần lấy mẫu phân tích mầm bệnh để cảnh báo dịch bệnh.

- Hiện nay, ngoài tôm nước lợ các đối tượng nuôi khác như cá tra, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò) cũng đang phát triển khá mạnh nên nhu cầu về quản lý môi trường cũng cần được quan tâm. Mặt khác hiện tượng nghêu, sò chết hàng năm cũng như có những vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp trên cá tra là những vấn đề đang đặt ra không chỉ cho người nuôi mà còn cho cả nhà quản lý. Vì vậy cần đưa quan tắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh vào những đối tượng nhuyễn thể và cá tra.

Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nuôi thủy sản có tầm quan trọng đặc biệt ở hiện tại và cả tương lai giúp cho việc phát hiện và cảnh báo sớm những diễn biến bất lợi về môi trường, định hướng sản xuất và quy hoạch lâu dài. Mặt khác, công tác nầy càng đặc biệt quan trọng hơn khi Bến Tre được xác định nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các ngành có liên quan và các địa phương trọng điểm nuôi thủy sản nên đầu tư hơn nữa, xem đây là yếu tố sống còn trong việc duy trì nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định và bền vững .

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn