Điển hình gương thương binh sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền

Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính đã phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tại ấp Hưng Chánh, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tấm gương thương binh hạng 3/4 Võ Thành Long là một điển hình.

Sống trong vùng căn cứ cách mạng, khi mới 18 tuổi ông Long đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tham gia kháng chiến ở chiến trường Campuchia. Trong một lần công tác, ông bị thương phải cưa bỏ một chân. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế, khi trở về với cuộc sống đời thường, ông lập gia đình và ra sức canh tác 2.000m2 đất lúa. Tuy nhiên, qua nhiều năm canh tác, lợi nhuận từ lúa mang lại hiệu quả không cao. Năm 2013, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, ông Long đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân sản xuất giỏi đi trước, ông nhận thấy mãng cầu xiêm là loại cây ăn trái dễ trồng, tuổi thọ cao, phù hợp trên nhiều vùng đất, nhất là đất phèn nhiễm mặn, thị trường tiêu thụ mạnh và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.

 

 Ông Long phấn khởi thu hoạch mãng cầu xiêm.



Ông Long cho biết: “Thời điểm hút hàng, mãng cầu xiêm có giá lên đến gần 35.000 đồng/kg, trong khi lúc giá xuống thấp nhất cũng bán được ở mức 20.000 đồng/kg. Mãng cầu xiêm có lợi thế thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, đặc biệt tình trạng  mặn xâm nhập. Từ đó, ông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật đầu tư trồng mãng cầu xiêm và sau 3 năm kinh tế gia đình ông đã ổn định và vươn lên làm giàu”.

Bên chén trà nóng của những ngày cuối năm, ông Long cho biết thêm: “Trước khi trồng mãng cầu xiêm, ông đặt gốc bình bát 1 năm, sau đó ghép gốc mãng cầu xiêm lên thân bình bát. Mãng cầu xiêm sau 1 năm trồng ghép thì cho trái chiến, năng suất thu hoạch khoảng 3 tấn trái, sau năm thứ hai đều độ mỗi năm năng suất thu hoạch trái càng tăng”.
    
Hiện tại, ông đang sở hữu vườn mãng cầu xiêm rộng 3.400m2, trong đó có 3.200m2 đang cho trái ở năm thứ 3. Năng suất bình quân mỗi năm đạt 20 tấn, thương lái đến thu mua tận vườn với giá bình quân từ 20.000 đồng đến 35.000 đồng/1kg. Sau khi trừ chi phí ông còn lãi trên 200 triệu đồng. Riêng dịp tết, với 3.200m2 trồng mãng cầu xiêm, ông Long cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn mãng cầu thương phẩm, chủ yếu là mãng cầu xiêm phục vụ cho nhu cầu chưng mâm ngũ quả, bởi lẽ mãng cầu xiêm cũng là một trong 5 loại trái cây không thể thiếu trong 3 ngày tết. Tuy nhiên để mãng cầu xiêm cho trái đẹp, năng suất cao bán đúng vào dịp tết thì không phải dễ dàng và đòi hỏi cả một quy trình chăm sóc, xử lý nghiêm ngặt.

Ông Võ Thành Long chia sẻ: “Mãng cầu xiêm có đặc tính là cho trái quanh năm và liên tục, ở 5 tháng đầu năm, mỗi ngày ông thu hoạch 200kg, bán giá 20 ngàn đồng/1 kg. Ở tháng thứ 6 ông bắt đầu cắt trái, cắt nước, do mãng cầu xiêm ít bị sâu bệnh nên chỉ sau 1 tháng thì bắt đầu phun thuốc kích thích ra hoa, để trái và tưới nước thường xuyên thì cây sẽ cho trái đúng vào dịp tết”.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Long còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương như: đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, sẵn sàng giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng mãng cầu xiêm với những hội viên cựu chiến binh và nông dân có hoàn cảnh khó khăn nên được người dân yêu mến, quý trọng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận về thành tích xuất sắc trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Từ thành công của mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm, nhiều năm liền ông Long đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn