Nhiều vườn cây khôi phục sau hạn mặn

Trong đợt hạn mặn gay gắt đầu năm 2016, ngoài thiệt hại về cây lúa, rau màu, cây giống thì nhiều diện tích cây ăn trái của huyện Mỏ Cày Bắc bị ảnh hưởng, làm giảm năng suất đáng kể. Trong khi các loại cây trồng ngắn ngày sẽ được trồng mới, thì quá trình khôi phục vườn cây ăn trái phải mất nhiều thời gian và khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà nông vẫn có “bí kíp”  để vườn cây khôi phục lại và cho năng suất cao.

Huyện Mỏ Cày Bắc có khoảng 2.689 ha diện tích trồng cây ăn trái, chủ yếu là bưởi da xanh, cam sành. Qua thống kê có 38,42 ha diện tích cây ăn trái thiệt hại dưới 70%, 4,17 ha thiệt hại trên 70% gồm các loại như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cam bưởi, ca cao ở các xã Thạnh Ngãi, Phú Mỹ, Hòa Lộc, Hưng Khánh Trung A, Tân Thành Bình. Các vườn sầu riêng, măng cụt, chôm chôm gần như mất trắng. Bưởi xanh thì nông dân chỉ thu hoạch được khoảng 30% sản lượng.

Tân Thành Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, độ mặn lúc cao điểm lên đến 11%0. Xã có khoảng 110 ha diện tích trồng bưởi da xanh, tập trung nhiều tại ấp Tân Long II, hầu hết đều bị nhiễm mặn. Nhà vườn phải lãi bỏ toàn bộ trái non để cứu cây.

 Ông Mai Văn Tô bên vườn bưởi đã cho thu hoạch trở lại.


Ông Mai Văn Tô ấp Tân Long II, xã Tân Thành Bình cho biết: không còn cách nào khác, ông phải lãi bỏ toàn bộ trái non từ 0,5-1kg trong vườn bưởi trên 10 năm tuổi của mình. Vườn bưởi của ông không chết cây nhưng có hiện tượng cóp lá do thiếu nước. Cao điểm mặn, ông Tô phải tưới cho cây bằng nước máy. Đây được xem là biện pháp chữa cháy để cứu cây bưởi không chết. Dưới đất, ông phủ cỏ để tránh bốc hơi nước. Ông theo dõi độ mặn thường xuyên, dùng ống đo, khi độ mặn xuống dưới mức 2%0_­­ thì tưới cho cây nhưng với lượng nước rất hạn chế.

Khi mưa xuống, ông tích cực chăm sóc dưỡng cây trở lại. Ông Tô tăng cường tưới nước ngọt đồng thời bón vôi xám để rửa mặn, hạ phèn. Một công ông bón 50kg vôi xám. Sau những cơn mưa già, ông Tô bắt đầu “đi” phân, chủ yếu là DAP, Lio Thái và NPK 20-20-15 để dưỡng rễ, dưỡng cây Khi cây hồi phục trở lại, ông mới để trái nhưng với số lượng cũng không nhiều. Ông Tô khẳng định: “Dù không cho năng suất bằng trước nhưng nay cây bưởi đã phục hồi lại gần như hoàn toàn. Vụ tết này, tôi đã có thu nhập kha khá từ cây bưởi”.

Hầu hết các vườn bưởi trong tổ hợp tác bưởi của ấp Tân Long II đều mất mùa trong đợt hạn mặn vừa qua. Gần 1 ha bưởi của ông Nguyễn Văn Sốt chỉ còn lại cây. Trái non, ông Sốt lãi bỏ tính bằng tấn. Nhìn mà xót xa. Tiếc bưởi gần chín phải lãi bỏ, Ông Sốt mướn thợ khoan ống nước tầng nông để tưới cho cây. Mỗi vườn ông khoan 2-3 cây nước để lấy nước ngọt. Tuy nhiên, nước vẫn bị phèn, ông phải xử lý bằng phân lân trước khi tưới cho bưởi. Cả vườn chỉ thu hoạch được 30% số trái.

Qua hạn mặn, ông Sốt bắt đầu xử lý phân, thuốc để khôi phục lại vườn bưởi. Ông xử lý phân nước tưới 1 tháng 3 lần. Ông tưới trong 2 tháng, khi cây bắt đầu đâm đọt non thì tiến hành phun phân bón lá và rải phân NPK 20-10-10 và NPK 15-15-15. khi cây ra đọt non, thì bón phân bón lá. Sau đo mới để trái trở lại

Vườn bưởi đã cho trái trở lại nhưng người nông dân vẫn phập phồng lo sợ. Nước mặn được dự báo sẽ đến sớm và cao như cùng kỳ năm trước. “Tôi đã thuê người dọn lại các mương trong vườn để trữ nước ngọt. Các ống nước khoan mùa trước vẫn còn sài được. Khi có mặn là tôi bơm lên mương, rãi lân cho hạ phèn là tưới cho cây. Vậy mới chắc ăn” ông Sốt nói chắc nịt. Sau một đợt mặn, ai cũng có tư thế chuẩn bị và có kinh nghiệm để xử lý vườn cây của mình. Riêng tại ấp Tân Long II, địa phương đã gia cố hệ thống đê bao, đóng các nắp cống để trữ ngọt.

Nụ cười đã nở lại trên môi những người nông dân. Cây trái đã xanh um và cho thu hoạch trở lại. Tuy nhiên về lâu dài phải có giải pháp căn cơ để triển khai thực hiện. Ngành chức năng phải có biện pháp hướng dẫn nông dân cách lấy mẫu nước, đo độ mặn và biện pháp canh tác hiệu quả để bảo vệ sự sinh trưởng, phát triển bền vững vườn cây ăn trái trong thời gian tới.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn