Điều tiết nước hợp lý trong canh tác lúa - Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống đã và đang diễn ra ngày càng rõ rệt. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có nguy cơ thiếu nước ngọt cho sản xuất lúa vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Vì thế điều tiết nước hợp lý trong canh tác lúa là giải pháp cần thiết ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Trong suốt thời gian sinh trưởng, cây lúa cần phải được cung cấp đầy đủ các yếu tố như: nước, ánh sáng, dinh dưỡng, không khí,… để cây lúa có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, nước là yếu tố cây lúa sử dụng nhiều nhất trong suốt thời kỳ sinh trưởng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cây lúa cũng cần nước ngập trên ruộng mà có lúc cây lúa chỉ cần đủ ẩm sẽ tốt hơn. Vì thế, chế độ cung cấp nước ngập khô xen kẽ đã tiết kiệm lượng nước đáng kể, làm tăng độ cứng của gốc lúa, chống ngã đổ tốt; hạn chế sự phát triển chồi vô hiệu, tập trung dinh dưỡng nuôi các nhánh hữu hiệu, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt hơn. Tùy theo từng giai đoạn lúa mà điều tiết lượng nước cho phù hợp.

- Giai đoạn lúa từ 0-7 ngày sau sạ: giai đoạn này chỉ cần đất đủ ẩm mầm lúa sẽ phát triển tốt hơn, rễ bắt đầu phát triển bám vào đất.

- Giai đoạn từ 7-20 ngày sau sạ: giữ mực nước cao khoảng 1-3cm là đủ, duy trì liên tục mực nước này trên ruộng để ngăn cản sự phát triển của cỏ dại.

- Giai đoạn từ 20-40 ngày sau sạ: Đây là giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh đến nhảy chồi tối đa, quyết định số bông/m2, là một trong những yếu tố quan trọng hình thành năng suất. Giai đoạn đẻ nhánh rất cần nước nhưng nếu quá nhiều nước sẽ hạn chế sự đẻ nhánh. Vì thế, trong giai đoạn này mực nước trong ruộng chỉ cần xâm xấp, đặc biệt giai đoạn 30-40 ngày sau sạ, nước trong ruộng chỉ cần đủ ẩm là được, khi mực nước thấp hơn mặt ruộng 15cm (đặt ống nhựa có đục lổ trên hàng, bên trong có chia vạch 5 cm để theo dõi) thì mới cho nước vào. Mực nước thấp trên ruộng sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất và hô hấp tốt hơn, giúp cây lúa chống đỗ ngã, hạn chế chồi vô hiệu. Ngoài ra, ở mực nước thấp, hạch nấm khô vằn sẽ không phát tán trong ruộng và bệnh ít lây lan.

- Giai đoạn từ 40-60 ngày sau sạ: giai đoạn 40-45 ngày, nông dân bón đón đòng, bơm nước vào trong ruộng 1-3 cm, với mực nước này bón phân sẽ tốt vì độ hòa loãng của phân không cao, tránh ánh sáng tác động trực tiếp làm phân bón bị phân huỷ và bốc hơi nhất là phân đạm. Sau đó, giữ mực nước 2-3cm duy trì trên ruộng, không để ruộng bị khô, vì giai đoạn này lúa no đòng, chuẩn bị trổ rất cần nước.

- Giai đoạn từ 60-70 ngày sau sạ: Giai đoạn này lúa bắt đầu trổ, cần giữ nước 3-5cm duy trì liên tục cho cây lúa trổ bông và thụ phấn, thụ tinh hoàn chỉnh và giữ nước 10 ngày sau trổ. Giai đoạn này nếu thiếu nước hạt lúa dễ bị lép.

- Giai đoạn từ 70 ngày sau sạ đến khi chín: Thời kỳ này lúa giai đoạn ngậm sữa, vào chắc và chín nên chỉ cần đất đủ ẩm. Rút cạn nước 10 ngày trước khi thu hoạch để thúc đẩy quá trình chín, mặt ruộng khô ráo thuận lợi cho việc thu hoạch.

Kỹ thuật điều tiết nước ngập khô xen kẽ trên ruộng lúa nhằm giúp nông dân đối phó với tình trạng thiếu nước nhưng không làm giảm năng suất lúa và quan trọng hơn hết, đây là biện pháp làm giảm phát thải khí nhà kính một cách nhanh nhất.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi