Nhìn lại một năm hoạt động của tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học ấp Thanh Phước

Được thành lập vào tháng 11 năm 2013 với tên gọi “Tổ liên kết sản xuất nông nghiệp ấp  Thanh  Phước” chăn  nuôi  gà  do  ông  Nguyễn  Văn  Lùng làm  tổ trưởng lúc đầu chỉ có 21 hộ tham gia với số lượng khoảng 5.000 con gà, ban đầu tổ hoạt động cầm chừng và hiệu quả chưa cao do thường xuyên xảy ra dịch bệnh, không được điều trị kịp thời, gà không đẹp nên bị thương lái ép giá không có lãi thậm chí có hộ ngừng việc chăn nuôi do thua lỗ nặng.

 

Đến tháng 11 năm 2014, được sự chỉ đạo của UBND xã Tổ liên kết sản xuất nông nghiệp ấp Thanh Phước, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam được chuyển đổi thành Tổ hợp tác (THT) nuôi gà sinh học ấp Thanh Phước theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ (Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua giống đối với hộ nuôi gà đẻ, 23% chi phí thức ăn, 25% chi phí mua vật tư thiết yếu (vắc-xin, thuốc thú y) với tổng kinh phí 748.475.838 đồng trong đó: Nhà nước hỗ trợ 196.072.088 đồng, nhân dân đối ứng 552.403.750 đồng cho 20 hộ tham gia). Đến nay, THT đã có trên 30 thành viên (được đào tạo nghề chăn nuôi gà ngắn hạn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”) với khoảng 15.000 con gà, trong đó có 1.100 con là gà mái đẻ. Gà tại đây là gà nòi lai có xuất xứ trong tỉnh do các lò ấp tại địa phương cung cấp, khoảng 3,5 - 4 tháng là có thể bán gà thịt, giá hiện tại dao động vào khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg.  Tùy  vào  quy  mô  của  mỗi  tổ  viên  mà  nguồn  lợi nhuận khác nhau nhưng với 1.000 con gà/một đợt, sau khi trừ các chi phi... thu lãi trên 20 triệu đồng.

 

Khi được tiếp cận mô hình, bà con nông dân và chị em hội viên phụ nữ rất băn khoăn lo lắng vì hầu hết chị em tham gia mô hình đều chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học. Giá cả thịt trên thị trường thấp, dẫn đến việc giá trị kinh tế thu nhập hộ gia đình đầu tư vào chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học chưa cao. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng uỷ, UBND, sự phối hợp nhiệt tình của Tổ khuyến nông và các ban, ngành trong xã, Hội LHPN xã đã phối hợp với Hội Nông dân chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện mô hình theo đúng quy trình: từ khâu chuẩn bị chuồng trại như chuồng phải có mái lợp, rèm che; dụng cụ cho ăn phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tẩy uế bằng nước vôi Benciod 10% và thuốc sát trùng Cloramin B; nền khô sạch có chất độn chuồng như trấu, bã bào đến khâu chăm sóc như khi nhận gà giống về không thả vườn, không cho ăn ngay, để nơi râm mát nhốt gà với mật độ thoáng không chật chội cho uống nước đường Gluco với nồng độ 50%/1lít nước sôi để nguội, sau đó mới cho gà ăn và nhốt từ 7-10 ngày mới thả vườn. Ánh sáng và nhiệt độ luôn đảm bảo thích hợp, sử dụng thức ăn hỗn hợp và các loại thuốc thú y để phòng bệnh theo từng lứa tuổi gà.

Qua 3 tháng thực hiện, kết quả đạt được đã khác hẳn so với phương thức nuôi chăn thả của người dân: gà nuôi nhanh lớn, khả năng phòng trừ bệnh cao, gà ít mắc bệnh tỷ lệ sống đạt 95%.

 

Anh Trần Văn Trắng, thành viên THT chăn nuôi cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi thuộc hộ khó khăn của xã. Nhưng từ lúc tham gia vào THT, kinh tế gia đình ổn định hơn. Lúc đầu nuôi khoảng 300 con, lợi nhuận chưa cao. Anh mạnh dạn chuyển đổi bằng cách giữ lại 80 gà mái đẻ bình quân mỗi ngày cho 40 –50 trứng, giá hiện tại 4.500đ/trứng trừ chi phí mỗi ngày anh thu lãi trên 100.000đ . Anh Trắng cho biết thêm: “Tôi thấy mô hình nuôi gà mái lấy trứng rất có hiệu quả nên tôi đã đặt hàng đến tháng 7 tôi sẽ nhập về khoảng trên 2.000 con gà giống, tuyển chọn gà trống bán thịt còn gà mái tiếp tục giữ lại cho đẻ trứng”.
 
 

 Anh Trắng đang chăm sóc gà đẻ

 

“THT sẽ gắn kết các hộ chăn nuôi trong tổ lại với nhau, cùng nhau tổ chức, hoạt động theo một quy trình thống nhất, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định, tránh bị ép giá. Thông qua THT, các tổ viên có thể chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, các tổ viên được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi gà, được giới thiệu nơi cung cấp con giống, thức ăn, làm chuồng trại theo đúng chuẩn,...”Anh Trắng chia sẻ.

Giống như anh Trắng ông Nguyễn Văn Hiếu thành viên THTcho biết: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động vất vả. Ông nhớ lại thời gian trước đây, đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn, quanh năm gắn bó với cây mía, nhưng vẫn không đủ sinh hoạt. Ông chuyển sang trồng cam, đến mùa thu hoạch thì cam lại rớt giá,...Từ khi tham gia vào THT Ông đã  mạnh dạn đầu tư gần 1.000 con gà giống tới đợt xuất chuồng giữ lại 200 gà mái đẻ lấy trứng, mỗi ngày cho 100 – 130 trứng thu từ 450.000đ đến 580.000đ, trừ chi phí thu lãi mỗi  ngày  từ  200.000đ đến 300.000đ. Từ đó kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, có đủ điều kiện lo cho con cái. Dự định sẽ nâng tổng số đàn gà hiện có lên 500 gà mái đẻ.”

 

 Gà giống mới nhập về được 3 tuần tuổi

 

Còn Ông Nguyễn Văn Lùng tổ trưởng THT thì rất mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, bước đầu ông nhập về khoảng 2.000 con gà giống, đến lúc xuất chuồng ông giữ lại 500 gà mái đẻ bình quân mỗi ngày cho từ 230 đến 250 trứng, thu nhập  từ 500.000đ đến 600.000đ/ ngày sau khi trừ hết chi phí. Ông dự định sẽ nâng tổng đàn lên 1.000 gà mái đẻ. Ông Lùng cho biết: “THT chăn nuôi gà theo hướng an  toàn sinh học tại ấp Thanh Phước hoạt động hiệu quả, một số hộ đã thoát nghèo từ mô hình này và vươn lên thành những hộ khá của địa phương. Hơn nữa, THT tạo  việc làm thường xuyên cho một số lao động, có thu nhập ổn định. Hiện tại trứng gà đã có lò ấp trứng đăng ký bao tiêu sản phẩm; còn gà thịt chủ yếu là giao cho thương lái”. Tuy nhiên, Ông cũng không khỏi băn khoăn: “Số lượng đàn gà mái đẻ còn ít so với nhu cầu con giống của tổ viên, THT chưa đầu tư được máy ấp để có thể tự cung cấp con giống cho các thành viên trong tổ. Do đó, tổ viên phải mua con giống ở các lò ấp địa phương chất lượng con giống không ổn định, năng suất chưa  cao”. Cũng theo ông Lùng: “Để nâng cao năng suất và chất lượng trứng giống, chăm sóc và phòng bệnh cho đàn gà mái được tốt thì cần thay đổi phương pháp nuôi thả vườn truyền thống trước đâychuyển sang phương pháp nuôi lồng kích thước: 1-1,2m x 1,5m mỗi lồng nuôi được 10 con gà, nhưng giá khá cao (khoảng 500.000đ/lồng) nên hiện nay các tổ viên còn chưa mạnh dạn đầu tư”.

 

 Hộ Ông Lùng đang thu hoạch trứng gà

 

Ông Lùng chia sẻ thêm: “Muốn đàn gà phát triển tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh phải thực hiện tốt quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, đặc biệt là quy trình tiêm ngừa đầy đủ các bệnh cho đàn gà vào các giai đoạn sau: 1 ngày tuổi (ngừa bệnh marek), 3 ngày tuổi (dịch tả), 7 ngày tuổi (đậu), 10 ngày tuổi (Gumboro), 19 ngày tuổi (dịch tả lần 2), 24 ngày tuổi (Gumboro lần 2), 30 ngày tuổi (cúm gia cầm), 36 ngày tuổi (dịch tả lần 3), 50 ngày tuổi (tụ huyết trùng). Đến giai đoạn gà hậu bị trước khi rớt hột tiêm ngừa nhắc lại các bệnh dịch tả, cúm gia cầm, tụ  huyết trùng.  Sau đó cứ định kỳ  3-4 tháng tiêm nhắc lại 3 bệnh trên. Nhờ tiêm ngừa đúng lịch nên đàn gà của gia đình tôi luôn khỏe mạnh. Nguồn thức ăn cho gà đẻ chủ yếu là lúa và thức ăn công nghiệp, đồng thời trong thức ăn nên trộn thêm hỗn hợp khoáng và vitamin để nâng cao năng suất và chất lượng trứng. Ngoài ra, cần cung cấp thêm cỏ non để bổ sung chất xơ cho gà. Nước uống phải sạch sẽ, được khử trùng trước khi sử dụng và phải thay nước thường xuyên. Định kỳ 7 - 10 ngày tôi phun sát trùng chuồng trại và sân thả 1 lần. Mùa nắng nóng cho gà uống thêm điện giải + vitamin C để giải nhiệt và tăng sức đề kháng”.

Theo Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, cán bộ Nông nghiệp môi trường xã: “Nuôi gà thả vườn an toàn sinh học gắn với sử dụng men BALASA-N01 làm đệm lót sinh học của bà con chăn nuôi trong THT nuôi gà sinh học ấp Thanh Phước là giải pháp  góp phần giảm thiểu ô nhiễm  môi trường, giảm công lao động, giảm chi phí thay đệm lót chuồng nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên đàn gà cho người chăn nuôi”. Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học đã bước đầu đạt được những tín hiệu đáng mừng, nhằm cải thiện được kinh tế, tăng thu nhập của các gia đình trên địa bàn xã Định Thủy.

Trong thời gian tới,chính quyền địa phương xã khuyến khích các hộ chăn  nuôi trong  THT  cần  tiếp  tục  chăn  nuôi  và  mở  rộng  quy  mô, đặc  biệt  là đàn  gà mái giống, mạnh dạn đầu tư máy ấp để có thể cung cấp con giống chất lượng cho các  hộ chăn nuôi có nhu cầu,từng bước xây dựng thương hiệu gà nòi Định Thủy, để nghề chăn nuôi gà xã Định Thủy dần trở thành vùng sản xuất hàng hóa, cung cấp gà sạch, an toàn cho  người dân trên địa bàn  và các vùng  lân cận. Qua đó, góp phần nâng cao tiêu chí về thu nhập cho người dân góp phần giữ vững danh hiệu xã NTM của địa phương./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi