Ứng phó xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản

Những tháng đầu năm 2016, thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng nóng kéo dài và độ mặn tăng cao xâm nhập sâu vào khu vực vùng ngọt hóa làm cho môi trường nuôi biến động gây gia tăng mức độ thiệt hại của các vùng nuôi thủy sản tập trung.

Tính đến trung tuần tháng 03/2016, toàn huyện Bình Đại thả nuôi được hơn 11.329ha, đạt gần 65% kế hoạch, tập trung ở các xã: Long Hòa, Thới Lai, Vang Quới Đông, Lộc Thuận, Phú Vang, Phú Long. Trong đó, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh thả nuôi với diện tích trên 235ha. Tuy nhiên, qua theo dõi và nắm tình hình tôm nuôi, hiện đã có 26,73ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 11,35% diện tích thả nuôi thâm canh và bán thâm canh. Tôm chết chủ yếu do hoại tử gan tụy, đốm trắng phát sinh ở giai đoạn từ 25 đến 45 ngày tuổi.

Bên cạnh đó, độ mặn tăng cao đột ngột và kéo dài có lúc ở 37%o cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng hàu chết hàng loạt trên diện tích 41ha của 348 hộ, ở 2 xã Thừa Đức và Thới Thuận, với tỷ lệ thiệt hại trên 80%, ước sản lượng khoảng 2.815 tấn.

Riêng các loại thủy sản nước ngọt như: tôm càng xanh, cá da trơn, cá lóc nuôi theo hình thức thâm canh, nuôi mương vườn, nuôi kết hợp cũng gặp khó khăn do thời tiết, hạn mặn và giá bán thấp.

 

 Tôm chết vào đầu vụ nuôi


Theo dự báo của ngành chức năng, độ mặn còn tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu, có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nuôi thủy sản của huyện trong thời gian tới. Nhằm góp phần hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, ổn định hoạt động nuôi trồng thủy sản trong mùa khô hạn, mang lại hiệu quả cao trong vụ nuôi thủy sản năm 2016 và những năm tiếp theo. Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh khuyến cáo đến người nuôi thủy sản bằng nhiều biện pháp giúp người nuôi thủy sản phòng chống và ứng phó hiệu quả với tình hình hạn và mặn xâm nhập như hiện nay.

Theo đó, đối với con nghêu: khu vực nghêu nuôi vùng cao triều, khuyến cáo người dân nên khai thác toàn bộ hoặc di dời ra vùng hạ triều, vì hiện nay nghêu đang trong giai đoạn mang trứng sẽ di chuyển bãi tìm nơi sinh sản nên thể trạng nghêu yếu. Đối với nghêu đạt kích cỡ thương phẩm, các hợp tác xã nghêu hãy khẩn trương khai thác lượng nghêu thịt, nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, có biện pháp khai thông các vùng nước đọng lại ở các bãi nghêu để tránh hiện tượng động nước cục bộ, nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa, là nguyên nhân gây hiện tượng nghêu yếu và chết.

Chủ động tăng cường công tác quản lý, thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của nghêu nuôi và tình hình biến động thất thường của thời tiết, môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn, độ pH…để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với sò huyết: thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của sò nuôi, đối với khu vực sò nuôi có mật độ cao là khu vực sò có nguy cơ chết cao, người nuôi cần tiến hành san thưa với mật độ dưới 200 con/m2 hoặc di dời đến khu vực nuôi an toàn. Riêng đối với sò đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch sớm để không bị thiệt hại. Bên cạnh, để hạn chế sò tập trung nhiều tại vùng lưới chắn, người nuôi nên dùng lưới chia thành nhiều lô nhỏ.

 

Vận động người dân thu gom toàn bộ giá thể có hàu
chết lên bờ nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

    
Đối với các hộ nuôi sò giống thì không nên ương vào thời điểm giao mùa là giữa mùa mưa với mùa khô và ngược lại, đặc biệt xác định rõ nguồn gốc sò giống để chọn vùng ương nuôi thích hợp. Nếu là sò tròn andara granosa thì vùng ương nuôi có độ mặn thấp từ 5‰ đến dưới 15‰ và với sò dài andara nodifera thì vùng ương nuôi có độ mặn trên 20‰, tuy nhiên sò dài đạt trọng lượng tăng trưởng kích cỡ từ 150-200 con/kg thì người nuôi cần tiến hành thu hoạch không nên tiếp tục nuôi vỗ béo.

Còn đối với các hộ nuôi sò huyết sau cống đập Ba lai cần theo dõi chặt chẽ lịch vận hành cống đập mà bố trí lịch thả nuôi phù hợp tránh thiệt hại.

Với các hộ nuôi hàu, qua kết quả khảo sát và quan trắc môi trường ngày 07/03/2016 của Chi cục thủy sản cho thấy độ mặn tăng cao với 34%o ở một số tuyến kênh đều vượt ngưỡng chịu đựng của con hàu, vì vậy người nuôi hàu nên tập trung khai thác đối với hàu đã đạt kích cỡ, với hàu chưa đạt kích cỡ thu hoạch và còn nhỏ thì tiến hành san thưa các giàn nuôi và di dời đến vùng nuôi có độ mặn dưới 25%o. Ngoài ra, thu gom toàn bộ giá thể có hàu chết lên bờ nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Với các loại thủy sản nuôi nước ngọt, mặn và lợ gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh,…v.v. Ở ao nuôi chưa thả giống vận động, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước trên sông hoặc kênh rạch tự nhiên, chủ động lấy nước vào ao chứa lắng khi độ mặn giảm để dự trữ, đảm bảo kế hoạch sản xuất, tuyệt đối không thả giống khi độ mặn cao từ 5‰ trở lên và áp dụng phương pháp nuôi rãi vụ.

Ở ao đã thả giống cũng cần kiểm tra độ mặn trên sông để thay nước phù hợp, sử dụng máy bơm để cấp nước vào ao khi vào thời điểm nguồn nước có độ mặn thấp dưới 5‰ kết hợp với quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi chặt chẽ, tăng cường bổ sung dinh dưỡng gồm các loại vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất để tăng sức đề kháng.

Riêng hình thức nuôi tôm quảng canh, tôm xen rừng, tôm-lúa khuyến khích người nuôi nên thả giống có kích thước lớn, nhất là ươm giống thêm 1 tháng trước khi thả ra ao nuôi, đầm nuôi.

Ông Trần Tấn Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khẩn trương tuyên truyền, vận động người dân với mọi hình thức đến các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản trên địa bàn biết để vận dụng tốt khuyến cáo ứng phó và phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả  trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi