Giồng Trôm đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp

Thời gian qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ ở huyện Giồng Trôm đã góp phần nâng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Từ kết quả đạt được này, huyện xác định sẽ từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động; tăng cường công tác quản lý nhà nước về cây giống, đưa các loại giống mới có chất lượng, năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung phát triển diện tích cây bưởi da xanh, cây có múi, rau màu… thay thế những cây trồng kém hiệu quả, nâng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

 

Nông dân chăm sóc vườn bưởi da xanh (Ảnh Hoàng Minh)

Đối với cây dừa, diện tích hiện tại là 17.145ha, hướng tới huyện sẽ tập trung chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, đầu tư thâm canh tổng hợp, nhân rộng các mô hình trồng xen nuôi xen trong vườn dừa như: cây có múi, ca cao, chuối, kết hợp nuôi xen tôm càng xanh, nuôi ong lấy mật, cá nước ngọt, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Phát triển mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa tại các xã: Mỹ Thạnh, Lương Quới, Châu Hòa, Lương Hòa, Hưng Nhượng, Tân Hào, Long Mỹ, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông, Thuận Điền, Phước Long, Sơn Phú và Châu Bình.

Từ nay đến năm 2020, huyện tập trung đầu tư phát triển cây ăn trái đặc sản bưởi da xanh, chuyển đổi diện tích cây ăn trái kém hiệu quả, già cỗi để trồng bưởi. Nâng diện tích cây ăn trái trên toàn huyện khoảng 5.190ha. Ổn định diện tích lúa đến năm 2020 khoảng 2.600ha (giảm 100ha so với năm 2016), tập trung tại các xã Phong Mỹ, Bình Thành, Phong Nẫm, Hưng Nhượng, Tân Thanh, trong đó 70% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận có chất lượng cao, năng suất bình quân 17 tấn/ha/3 vụ, sản lượng 44.200 tấn. Chuyển đổi diện tích vùng lúa manh mún, kém hiệu quả sang rau màu, trồng cỏ kết hợp chăn nuôi và thủy sản.

Về cây màu, diện tích hiện tại là 300ha, tập trung nhiều ở các xã Hưng Nhượng, Châu Bình, Lương Hòa, Tân Thanh, Lương Quới. Đến năm 2020 ổn định diện tích 500ha với năng suất 9,5 tấn/ha/vụ, sản lượng 4.750 tấn. Phát triển vành đai rau màu sạch, sản xuất rau an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đối với cây mía cần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như cây có múi, dừa, cây ăn trái, rau màu,… do cây mía hiệu quả kinh tế thấp, không có lợi thế cạnh tranh với các loại cây trồng khác.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, huyện cũng tập trung cải tạo cây trồng có năng suất kém bằng những giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh; giữ vững và phát triển những cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ yếu là bưởi da xanh; đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP;…

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Giồng Trôm thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29,3 triệu đồng/người/năm. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện tiếp tục mở rộng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tuân thủ các cam kết, quy trình trong sản xuất; đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp... tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với thị trường hàng hóa, dịch vụ, có đầu ra ổn định cho nông dân.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi