Anh Lê Văn Thảo trở thành tỷ phú nhờ sản xuất cây giống mãng cầu

Khó ai biết được chỉ với diện tích hơn 8.000 mét vuông sản xuất cây giống nhưng anh Lê Văn Thảo, ấp An Thạnh xã Long Thới huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trở thành một tỷ phú, với mức thu nhập gần 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Vốn xuất thân là một nông dân quê ở tỉnh Long An, năm 2008 anh đến quê hương Chợ Lách lập nghiệp rồi có gia đình. Với lợi thế là vùng đất trù phú nước ngọt quanh năm, thuận lợi phát triển vùng cây ăn trái, sản xuất cây giống-hoa kiểng của vùng quê Chợ Lách, anh Thảo quyết định chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Bước ngoặc đầu tiên đưa anh đến với nghề cây giống bắt đầu là một thành viên trong hợp tác xã cây giống. Tại đây anh được học hỏi về giống cây trồng, biết được điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường ... từ đó anh bàn bạc cùng gia đình phá bỏ 08 công măng cụt cho năng suất kém để chuyển sang mô hình sản xuất cây giống, lấy thương hiệu cơ sở sản xuất cây giống Bảy An.

 
 Anh Thảo - tỷ phú nhờ sản xuất cây giống mãng cầu

 

Năm 2009, anh bước vào kinh doanh với nghề cây giống, trước tiên anh Thảo chọn cây dừa xiêm lùn để phát triển. Anh mua giống ở Trung tâm Đồng Gò về trồng sau đó nhân giống bán cho khách hàng, trung bình mỗi năm bán ra thị trường hơn 50 ngàn trái dừa giống, lợi nhuận hàng năm ước hơn 100 triệu đồng. Không dừng lại với mô hình sản xuất cây dừa giống anh Thảo luôn nghiên cứu thị trường để tìm ra nhiều giống mới đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Cách nay 3 năm tình cờ đến chơi nhà người bạn anh được mời ăn thử trái mãng cầu na thái, qua tìm hiểu thấy đây là giống mới, nên quyết tâm tìm mua giống về trồng. Trước tiên anh đến tỉnh Đồng Nai tìm giống nhưng do không đáp ứng yêu cầu, anh tiếp tục tìm kiếm và biết được ở Vĩnh Long có hộ ông Tư Thiện chuyên sản xuất cây giống mãng cầu na Thái và mãng cầu xiêm Thái nên đã đặt mua. Thời điểm đó trên thị trường giá cây mãng cầu na Thái có giá khá cao 50.000 đ/cây, anh đã đặt mua 1.500 cây và mua 6.000 cây mãng cầu xiêm Thái về trồng. Sau gần 01 năm thích nghi với đất cây đã phát triển xanh tốt, từ đó anh Thảo bắt đầu nhân giống bằng cách tháp cành (chui cành).

 
 Lao động có thu nhập ổn định tại cơ sở cây giống Bảy An

 

Hợp đồng đầu tiên anh chỉ bán cho những khách hàng chuyên sản xuất cây giống ở địa phương, nhờ làm ăn uy tín, chất lượng giống đặt lên hàng đầu, tiếng lành đồn xa, từ đó sản phẩm cây giống mãng cầu được khách hàng ở nhiều nơi tìm đến. Nếu như trước đây thị trường chỉ dừng lại ở các tỉnh miền Tây nay lan ra các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nội, các tỉnh Miền Đông và gần đây xuất ra thị trường Hàn Quốc. Từ đó số lượng nâng dần lên, với diện tích 8 ngàn mét vuông, trồng khoảng 8 ngàn cây giống mãng cầu, trung bình mỗi tháng cơ sở Bảy An xuất ra thị trường hơn 20 ngàn cây giống mãng cầu. Gần đây cơ sở Bảy An ký được hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu trái ở Lạng Sơn xuất 160 ngàn cây, dự kiến giao trong tháng 8/2015. Riêng về giá bán có nhiều dao động, hai năm trước mãng cầu na Thái có giá 35 ngàn đồng/cây và mãng cầu xiêm Thái có giá 25 ngàn đồng/cây. Hiện tại thị trường tạm ổn do số lượng sản xuất nhiều và cũng có nhiều người cạnh tranh nên giá giảm, mãng cầu na hiện có giá 18-20 ngàn đồng/cây và mãng cầu xiêm 13-15 ngàn đồng/cây. Trung bình 01 năm cơ sở Bảy An xuất ra thị trường hơn 120 ngàn cây giống mãng cầu, với giá bán hiện tại đã mang về lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng/năm.

Anh Thảo chia sẻ: “So với các loại cây giống khác, cây mãng cầu về kỹ thuật nhân giống không khó, cây cho lợi nhuận khá cao, thời gian tháp cành (chui cành) khá nhanh trung bình  01-1,5 tháng tháp cành một lần. Đối với cây trồng từ 2-3 năm tuổi một năm có thể tháp ghép cho ra hơn 100 cây giống. So với mãng cầu thường mãng cầu xiêm Thái từ khi trồng đến khi cho trái mất thời gian từ 12-14 tháng, không cần thụ phấn nhưng cây vẫn cho trái đều. Riêng về kỹ thuật tháp cành cây mãng cầu na Thái khá đơn giản, trước tiên mua cây mãng cầu con (nuôi 8 tháng) về chăm sóc, chuẩn bị tháp cành trước đó 03 ngày sử dụng phân 20-10-10 +3S loại phân bón phúc hợp Cộng hòa liên bang Đức để tưới cho cây, 100gram có thể tưới cho 100-150 cây, sau đó chọn cây khỏe mạnh chột to đem chui cành. Kỹ thuật tháp bằng cách vạt nêm đầu cây con sau đó ốp vào cành cây bố mẹ quấn mũ xong treo trên giàn, nuôi đến thời gian từ 01 tháng - 01 tháng 20 ngày cắt xuống để trong mát khoảng 01 tuần sau có thể bán cho khách hàng. Ngoài ra, sau giai đoạn tháp cành 01 ngày sử dụng phân bón loại 16-16-8 bón gốc vừa nuôi cây bố mẹ vừa nuôi cành và kết hợp thuốc xịt dưỡng. Định kỳ mỗi tháng bón phân xịt dưỡng một lần. Riêng về nước tưới, thời tiết nắng nóng tưới mỗi ngày, trời mưa 3 ngày tưới một lần. Cây mãng cầu thích nghi ở vùng đất cao ráo vì thế khi trồng tránh ẩm thấp, nếu là vùng trũng phải lên mô”.  Với kinh nghiệm này đã giúp cho tỷ lệ tháp cành trên cây mãng cầu tại cơ sở Bảy An đạt 99%, tránh được hao hụt.

Sau khi thành công đối với mô hình sản xuất cây mãng cầu, anh Lê Văn Thảo vẫn không dừng lại và tiếp tục nghiên cứu thị trường, anh cho rằng thị trường dao động không đứng yên vì thế vừa sản xuất vừa phải tìm giống mới như thế mới không lạc hậu. Hiện tại anh đã đầu tư mua được bo của một giống bơ Mỹ có giá 70 triệu đồng, đang nhân giống dự kiến năm 2016 sẽ cung cấp ra thị trường. Bên cạnh việc sản xuất cây giống, anh Thảo còn chia sẽ với chúng tôi về những dự định trong tương lai. Hướng tới ngoài sản xuất cây giống, anh sẽ trồng thêm một số giống cây ăn trái đặc sản trong vườn, tận dụng lợi thế trên sông anh sẽ xây dựng các khu nhà mát để du khách vưà đến tham quan thưởng thức trái cây vừa trao đổi kinh nghiệm trong nghề sản xuất cây giống.

Việc lựa chọn giống mới, đi trước đón đầu của anh Lê Văn Thảo không chỉ giúp anh thành công đối với mô hình sản xuất cây giống mà còn góp phần cùng địa phương tạo công ăn việc làm ổn định hàng tháng cho 10 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Mô hình này cần được phát huy và nhân rộng.  

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi