Phát triển diện tích trồng mít – Một số vấn đề cần lưu ý

Trong thời gian gần đây, diện tích trồng mít đang ồ ạt phát triển do giá mít tăng cao đột biến. Ngoài ra, hiện nay có nhiều giống mít ngon, năng suất cao và cho trái sớm như mít siêu sớm, mít ruột đỏ, mít siêu ngọt, mít tứ quý. Mặc dù mít là loại cây ăn trái ít kén đất, dễ trồng song khi phát triển diện tích trồng mít, bà con cần lưu ý nhiều vấn đề về kỹ thuật canh tác cũng như sâu bệnh. Trước kia, sâu bệnh trên mít không đáng kể tuy nhiên trong điều kiện thâm canh, trồng trên diện rộng, sâu bệnh gây hại cũng gia tăng.

Mít thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây mít có thể cao đến 20m, thân thẳng và to. Rễ cọc phát triển ngay từ khi cây còn nhỏ, ở cây già bộ rễ phát triển mạnh có khi nổi lên mặt đất bám chắc, nên chống gió bão tốt. Hoa đực và cái sinh cùng một chùm, chung một cuống rất to và khỏe. Mỗi chùm gồm nhiều hoa không có cánh, dính vào nhau thành những cụm hoa gọi là “dái mít” có đực riêng, cái riêng, hoa gần như ra quanh năm. Mít thích khí hậu ẩm, mưa nhiều, mặt khác, mít là cây chịu hạn tốt nhờ bộ rễ phát triển và ăn sâu nhưng lại chịu úng kém. Vì thế, đất trồng phải thoát nước tốt, không trồng quá dày cây sẽ cho trái ít, khoảng cách cây và hàng trồng mít thích hợp nhất là 5m x 6m. Ở vùng đất tốt có thể trồng khoảng cách thưa hơn 6m x 7m.

* Tưới nước: nếu hạn hán kéo dài mà không được tưới nước thường xuyên mít sẽ không cho sản lượng cao. Tuy nhiên, cây cũng dễ chết do úng nước ở gốc, vì thế cũng phải theo dõi để kịp thời cho thoát nước, nhất là những lúc mưa dầm kéo dài. Chú ý, cắt tỉa không để vườn mít cao quá 3m, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch và phòng đổ ngã khi mưa bão.

*  Bón phân :  Trong năm đầu tiên, cần bón thúc cho cây với tỷ lệ đạm và lân cao. Mỗi tháng thúc 1 lần, mỗi lần 50g phân NPK ( 16-16-8) pha loãng tưới gốc. Đến năm thứ 2, sử dụng NPK 20-20-15 hoặc NPK 16-16-8  bón mỗi gốc 0,5-1kg. Chia làm 3 lần bón trong 1 năm. Lượng phân bón những năm sau đó tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây và độ phì nhiêu của đất. Giai đoạn cây mang trái lượng phân tùy theo số lượng trái/ cây. Có thể bón 4 lần/năm. Trong giai đoạn mang trái nên tăng lượng Kali để tăng chất lượng trái. Ngoài ra nên bổ sung lượng phân chuồng từ 20-30kg/gốc.

* Sâu bệnh

Trong giai đoạn mang trái, đáng quan tâm nhất là sâu đục trái. Có nhiều loài sâu đục trái nhưng phổ biến trên mít là sâu đục trái có tên khoa học Glyphodes caesalis thuộc họ Pyralidae. Thành trùng là một loại ngài có màu vàng, trên cánh có những vạch màu nâu, thân dài khoảng 12mm, sãi cánh rộng 25mm. Sâu non đẫy sức dài khoảng 22mm, đầu màu vàng nâu, thân màu trắng có điểm nhiều chấm màu nâu đen. Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường đẻ trứng trên trái non. Sâu có thể tấn công nhiều vị trí trên trái nhưng phổ biến nhất lá chui chổ gần cuống trái. Sâu non mới nở đục ngay vào trái. Sâu phá hại từ khi trái còn rất non đến khi sắp chín. Sâu đục vào trong trái và ăn phần thịt nằm dưới vỏ trái. Sau khi đẩy sức, sâu chui ra ngoài trái kết phân khô thành kén và hóa nhộng bên trong kén. Trái bị hại vẫn phát triển nhưng ngay vết đục thường bị thối, sau đó khô đi, làm giảm giá trị thương phẩm của trái.

 

 

 


Để phòng trừ sâu đục trái mít nên thường xuyên vệ sinh vườn, sau thu hoạch cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh để tạo cho vườn thông thoáng; Thu gom và tiêu huỷ những trái bị sâu; Ở những vùng thường xuyên bị sâu đục trái gây hại, thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm sự xuất hiện và gây hại của sâu. Sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh như ViBT, Dipel,.. hoặc các loại thuốc trừ sâu sinh học.

Trưởng thành ruồi đục trái Bactrocera umbrosa.
 
 
 Ấu trùng ruồi đục trái Bactrocera umbrosa.

 
Phổ biến giai đoạn mang trái có ruồi đục trái. Ruồi đục trái mít là loài Bactrocera umbrosa (Fabricius). Loài này có phổ ký chủ giới hạn trong giống  mít. Trưởng thành của ruồi đục trái mít là một loài ruồi có kích thước khá lớn, lớn hơn ruồi nhà. Ruồi thường gây hại vào mùa mưa. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa. Trưởng thành cái dùng ống đẻ trứng chích vào vỏ trái đẻ trứng vào bên trong trái. Vết chích nhỏ nên khó nhìn thấy. Ấu trùng có màu trắng ngà (còn gọi là dòi), dài khoảng 9-10mm, sống bên trong trái làm thối phần thịt trái. Khi đẩy sức, dòi chui ra khỏi trái rơi xuống đất hóa nhộng. Ruồi phá hại nhiều khi trái gần chín đến chín. Bà con dễ dàng nhận biết ruồi đục trái gây hại qua những đốm thối nâu trên trái và có chất nhựa đục chảy ra, ngay nơi bị hại  mềm nhũn, dòi tạo những lổ nhỏ trên trái và bún mình ra khỏi trái. Dòi gây hại tạo điều kiện các vi sinh vật khác bội nhiễm nên làm trái mau thối, múi mít bị nhão ra và có mùi hôi khó chịu. Dòi có khả năng bún mình rất xa. Trên một trái mít có rất nhiều con dòi.


Phòng trừ ruồi đục trái không nên sử dụng thuốc hóa học phun trực tiếp trên trái vì thường hiệu quả không cao và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nên thu hoạch khi trái vừa chín, không để trái chín quá lâu trên cây; đối với những trái bị ruồi gây hại nên hái đem tiêu hủy để tránh lây lan. Sử dụng  Protein thủy phân (Sofri Protein) phun nhiều đốm nhỏ trên tán cây, tiêu diệt ruồi trưởng thành, phun vào khoảng 8-9 giờ sáng. Áp dụng biện pháp bao trái rất có hiệu quả trong việc phòng ruồi đục trái và da trái rất đẹp.

Bên cạnh, rệp sáp cũng là đối tượng dịch hại đáng quan tâm. Rệp sáp Planococcus lilacinus  thuộc họ Pseudococcidae, bộ Homoptera. Thân mình có hình bán cầu, bên ngoài phủ một lớp sáp trắng như phấn. Rệp gây hại bằng cách chích hút các bộ phận non của mít  như đọt non, lá non, hoa và trái non. Tuy nhiên cả những trái lớn vẫn bị rệp tấn công. Rệp thường sống tập trung với mật số cao trong suốt giai đoạn của trái. Rệp chích hút làm cho đọt non bị vàng và trái non kém phát triển, phẩm chất trái bị giảm. Ngoài ra mật ngọt do rệp tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển bao kín các bộ phận lá, trái,… làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây. Rệp sáp thường gây hại nặng vào mùa nắng.

 

 
Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp và phải thực hiện đồng thời trên các loại cây ký chủ của rệp trong vườn; Dùng máy bơm nước có áp suất  cao, tia nước mạnh xoáy vào những chổ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp; Trong điều kiện tự nhiên thiên địch có nhiều loài thiên địch tấn công, phổ biến nhất là ong ký sinh và các thiên địch ăn mồi như kiến vàng, bọ rùa,… Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn, không trồng mật độ quá dày để tạo thông thoáng vườn cây; Phải thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện rệp sáp  khi mật số còn thấp. Một số thuốc hóa học có hiệu quả trên rệp sáp như Dầu khoáng, Movento 150OD,… Lưu ý vì rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài nên khi phun phải thật kỷ hoặc có thể pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc để thuốc bám được vào lớp sáp thì mới đạt hiệu quả cao.

Ngoài các loại côn trùng gây hại, bệnh gốc chảy nhựa gây hại khá phổ biến trên mít. Bệnh do nấm Phytophthora sp gây ra. Nấm tấn công gần gốc, cách mặt đất lên khoảng 1 m. Triệu chứng đầu tiên trên vỏ thân có đốm sậm màu, hơi sũng ướt. Sau đó, vết bệnh chuyển màu nâu đỏ, vỏ bị nứt và chảy ra các giọt nhựa trong vàng, phần gổ tại vết bệnh cũng hóa nâu. Bệnh làm lá vàng và rụng dần. Đôi khi nấm còn tấn công các cành phía trên cao. Bệnh gây hại trên trái, làm trái bị thối. Vết bệnh khởi đầu một vài chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó, phát triển lan rộng và ăn sâu vào thịt trái, làm thịt trái bị nhũn thối, múi mít bị “bả nhừ”. Trời ẩm thấp, trên vết bệnh hình thành những tơ nấm trắng, bệnh nặng làm thối cả trái và lây lan sang những trái khác. Bệnh có thể gây hại trong mọi giai đọan của trái và cả trái sau thu họach. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn cây rậm rạp, đất ẩm thấp đọng nước. Bệnh lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan. Nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước và trong các bộ phận bị bệnh của cây.

Để phòng trừ bệnh thối gốc chảy nhựa nên trồng với mật độ thấp, tạo vườn cây thông thoáng; Vườn cây cần cao ráo, thóat nước tốt trong mùa mưa; Hàng năm bổ sung phân hữu cơ kết hợp sử  dụng chế phẩm sinh học Trico để hạn chế bệnh phát triển;  Pha dung dịch nước vôi hoặc thuốc gốc Đồng quét lên thân cây cách mặt đất khoảng 1m vào đầu mùa mưa để ngừa nấm tấn công thân; Khi phát hiện trên thân chảy nhựa, cạo bỏ vết thối trên thân, sau đó sử dụng nhóm thuốc trừ bệnh có hoạt chất Fosetyl aluminium hoặc Metalaxyl quét lên ngay vết bệnh hoặc phun nếu bệnh gây hại trên trái.

Chú ý khi sử dụng thuốc nên bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi