Thanh niên xã Thuận Điền hợp tác chăn nuôi gà thả vườn

Để giúp thanh niên phát triển kinh tế, gần đây Xã Đoàn Thuận Điền (huyện Giồng Trôm) đã vận động các hộ thanh niên nuôi gà thả vườn ở ấp Phú Điền thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà với 5 thành viên ban đầu.

Bí thư xã Đoàn Nguyễn Lê Quốc Sỹ cho biết, thấy thanh niên chăn nuôi nhỏ lẻ lại khó khăn về vốn, hiệu quả chăn nuôi còn nhiều bất cập, anh nảy sinh ý tưởng liên kết các hộ thanh niên lại để hình thành tổ hợp tác nuôi gà. Thông qua tổ này, thanh niên trong xã sẽ trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, anh em trong tổ đồng lòng, quyết tâm liên kết nhau để phát triển kinh tế. Hiện tại, tổng số đàn gà của 5 thành viên trong tổ có tổng cộng hơn 10.000 con, bình quân mỗi thành viên nuôi khoảng 2.000 con gà.

 Anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi gà

đang chăm sóc đàn gà hơn 3 tháng tuổi.


Theo các thành viên trong tổ, trước đây, do chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nên phải mất hơn nửa năm mới bán được 1 lứa và thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Bây giờ, các hộ chỉ nuôi hơn 4 tháng là đàn gà đã đạt trọng lượng từ 1,7kg/con, xuất bán giá bình quân 75 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi lứa 2.000 con thu lãi hơn 40 triệu đồng. Nếu chăn nuôi theo hình thức gối lứa, tức là khi lứa hiện tại còn khoảng 2 tháng nữa xuất bán thì bắt đầu thả lứa tiếp theo, theo đó, mỗi năm các hộ có thể nuôi được 4 lứa, lãi hơn 150 triệu đồng/năm.

Khâu quan trọng khi nuôi gà là khâu chọn giống, phải mua giống từ các cơ sở có uy tín. Sau khi gà nở phải úm ở nhiệt độ 32-34 độ C. Cho gà uống kháng sinh trong 3 ngày đầu tiên, nếu không làm tốt khâu này, các hộ có thể thất thoát cả đàn gà. Để nuôi gà đạt hiệu quả, ngoài việc chủ động con giống, các hộ còn trợ giúp nhau ngày công tiêm phòng. Sau mỗi đợt nuôi, các thành viên lại cùng nhau rút kinh nghiệm, chia sẻ những điều mình học hỏi được qua thực tế.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đang chăm sóc đàn gà hơn 3 tháng, khoảng 20 ngày nữa anh xuất bán lứa gà này. Anh Tuấn cho biết: “Khâu nuôi gà từ nhỏ đến 3 tháng, lúc này người nuôi cần bổ sung thuốc bổ để lông mượt hơn hoặc khi đất thiếu khoáng mình thêm khoáng. Đến tháng thứ 4 khi gà đạt hơn 1,5 kg thì có thể xuất bán. Nếu gà thiếu dinh dưỡng, trọng lượng chưa đạt thì phải nuôi đến 5 tháng, khi ấy người nuôi sẽ không có lãi”.

Mô hình nuôi gà thả vườn đã giúp các hộ thanh niên trong tổ có thu nhập ổn định, cuộc sống khá hơn. Qua thời gian nuôi gà thả vườn, bản thân anh Tuấn và các thành viên khác nhận thấy đây là mô hình kinh tế dễ làm, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện của từng hộ gia đình. Các thành viên trong tổ không ngần ngại chia sẻ, tận tình hướng dẫn cho các thanh niên khác ở địa phương.

Bên cạnh thu lợi nhuận từ việc nuôi gà lấy thịt, thì phân gà cũng được sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng góp phần tạo thêm lợi nhuận cho kinh tế hộ gia đình, đồng thời có thể bảo vệ môi trường.

Anh Nguyễn Lê Quốc Sỹ - Bí thư xã Đoàn Thuận Điền cho biết:“Tổ hợp tác chăn nuôi gà đến nay hoạt động rất hiệu quả. Hướng tới, xã Đoàn sẽ quan tâm nhiều đến tổ hợp tác này, kết hợp với thú y xã và các cửa hàng bán thức ăn để xây dựng một mô hình trình diễn. Cùng với đó, sẽ tiến hành hợp đồng bán thức ăn giá gốc cho thành viên trong tổ để người nuôi có lãi cao hơn”.

Việc thành lập tổ hợp tác nuôi gà xã Thuận Điền là cách làm mới, thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ đã biết liên kết với nhau.  Hiện tại, xã đang phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn cho bà con kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gà, cách duy trì nguồn giống chất lượng cao. Xã Đoàn cũng đang tích cực tuyên truyền để thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp và tham gia vào tổ hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi