Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hoa giấy hạn chế rụng lá hàng loạt vào mùa mưa

Hoa giấy là một trong những loại hoa được trồng phổ biến ở huyện Chợ Lách. Nếu làm bông vào dịp Tết, giá trị cây hoa giấy sẽ cao hơn. Để hoa giấy ra hoa đúng dịp Tết, vào khoảng đầu đến giữa tháng 10 (âm lịch), tiến hành lãi bỏ toàn bộ lá để làm hoa. Tuy nhiên, trước đó vào khoảng cuối tháng 8, tháng 9 thường xảy ra những cơn mưa dầm, làm hoa giấy rụng lá hàng loạt. Sau đó cây sẽ đi đọt non làm cho việc làm bông Tết bị trễ. Nếu mỗi cây hoa giấy, lá rụng khoảng 50% tại thời điểm này, cây hoa giấy sẽ không còn giá trị làm hoa Tết.

 

Xuất phát từ thực trạng này, Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách chủ trì thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình thử nghiệm hạn chế rụng lá cây hoa giấy vào mùa mưa do KS. Đinh Tấn Thừa làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài được thực hiện tại 3 hộ, hộ ông Trần Thanh Phương, hộ ông Phạm Văn Vũ và hộ ông Huỳnh Thanh Tâm thuộc ấp Lân Đông xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách. Kết quả đề tài đã ghi nhận được quy trình chăm sóc cây hoa giấy. Để hạn chế được tình trạng rụng lá hàng loạt trên cây hoa giấy vào mùa mưa cần chú ý các kỹ thuật canh tác như sau:

 

* Quản lý giá thể

Giá thể phải có độ thoát nước tốt, nếu giá thể giữ nước nhiều sẽ làm cho cây dễ bị rụng lá; giá thể có pH thích hợp cho cây hoa giấy khoảng 5,5-6,0.

 

Giá thể trồng hoa giấy thường bao gồm mụn dừa, phân chuồng ủ hoai và trấu với tỉ lệ 3:1:1. Mụn dừa trước khi làm giá thể phải được xử lý với nước vôi với nồng độ 10%.

 

Giá thể sau khi phối trộn theo tỉ lệ, bổ sung Vi sinh vật BT1 60 gram/chậu (đối với chậu có đường kính 40 cm). 

 

* Tưới tiêu

Thiết kế thủy lợi nội vườn gồm hệ thống đê bao; cống cấp nước và thoát nước; mương hoặc hồ sâu, rộng đủ để trữ ngọt tưới vườn trong mùa khô, nhiễm mặn. Trong mùa mưa chú ý khắc phục tình trạng ngập úng; trong mùa nắng cần tưới đủ nước khoảng 1-3 ngày/lần (tùy theo tình hình thực tế) để cây sinh trưởng mạnh.

 

Lưu ý, sau khi cơi đọt làm hoa, lượng nước tưới ít hơn bình thường, tưới nhẹ cho đến khi hoa nở.

 

* Cắt tỉa

Cây hoa giấy thích hợp với việc cắt tỉa thường xuyên. Người ta thường cắt tỉa các chồi bên của cành cấp 2, cấp 3 trở đi để cho cây mọc lá mới hoặc mọc hoa. Việc cắt tỉa cành nhằm giúp tạo hình, tạo tán cho cây (hình cây thông hoặc hình mâm xôi) để tăng giá trị của cây. Ngoài ra, cắt tỉa cành giúp cho bộ tán cây thông thoáng, hạn chế được sâu, bệnh phát sinh. Tuy nhiên, cắt tỉa nhiều lần cũng ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây bông giấy, thông thường mỗi năm cắt tỉa khoảng 2 lần.

 

* Xử lý hoa

Nếu cây nguyên liệu trồng ở đất nền, khoảng tháng 6 - tháng 7 âm lịch, bắt đầu bứng cây vào chậu. Đối với cây trồng trong chậu thì dọn dẹp, vệ sinh, sửa lại cho đẹp và cắt tỉa những cành hoa không cần thiết cho cây đẹp đồng thời thay giá thể mới trong chậu. Giá thể vào chậu bao gồm mụn dừa, trấu, và phân chuồng ủ hoai với tỉ lệ 3:1:1. Trước khi vào chậu 14 ngày, mụn dừa phải được xử lý bằng nước vôi 10%. Sau khi phối trộn giá thể, tiến hành vào bầu, mỗi chậu có đường kính 40 cm, bổ sung 60 g vi sinh vật chức năng BT1.

 

Sau khi vào chậu, chăm sóc cho cây ra lá. Khoảng 30 ngày, bắt đầu ghép. Mỗi cây hoa giấy có thể ghép thêm 2-3 màu để tăng giá trị của cây hoa giấy. Thời gian ghép tùy vào người làm nhưng không muộn hơn 15 tháng 9 (âm lịch).

 

Sau khi ghép, chăm sóc và nuôi dưỡng cây. Đối với cây ghép sớm, người ta lãi lá 2 đợt (tháng 8 và tháng 10) cứ mỗi đợt lá lặt 1 lần. Đối với những cây ghép muộn (nửa cuối tháng 9 âm lịch) thì không cần lãi lá, số lần lãi lá tùy vào thời gian ghép sớm hoặc muộn. Tuy nhiên lãi lá 1-2 lần trong 1 chu kỳ hoa sẽ giúp cây ra hoa đẹp hơn. Thời gian lãi lá đợt cuối cùng vào khoảng mùng 10-20/10 âm lịch.

 

Cắt nước: Trước khi cơi đọt, ta cắt nước hoặc tưới nhẹ (tùy vào điều kiện thời tiết nắng nhiều hoặc ít), cho đến khi lá chuyển sang trạng thái vừa héo thì tưới nhẹ trở lại và cơi đọt.

 

Cơi đọt (ngắt đọt): Việc cơi đọt cho cây hoa giấy cũng ảnh hưởng mạnh đến sự ra hoa của cây. Thời gian từ lúc cơi đọt đến khi hoa nở khoảng 30 ngày. Để hoa nở rộ và đúng Tết, thường người ta cơi đọt muộn nhất khoảng 10 tháng 11 âm lịch. Đối với Hoa giấy Mỹ phải cơi đọt trước khi hoa nở 60 ngày (muộn nhất 15 tháng 10 âm lịch).

 

Xoay chậu. Đây là kỹ thuật cần thiết trong quá trình làm hoa của cây hoa giấy. Do hoa giấy là cây ưa nắng, xoay chậu giúp cho cây hoa giấy hứng ánh nắng đầy đủ, giúp cây hoa giấy ra hoa đều và đẹp hơn.

 

* Quản lý dinh dưỡng cho cây hoa giấy

Liều lượng và công thức bón phân thay đổi theo từng giai đoạn và mục đích sử dụng cây.

 

Để cân đối dinh dưỡng cho cây hoa giấy, cần phải bón đạm và kali cân đối ở các giai đoạn. Đặc biệt là giai đoạn lá, không nên bón toàn đạm, nên bổ sung thêm kali (N:K tỉ lệ 2:1 hoặc 3:1). Bổ sung kali giúp cây có thể chống chịu khi gặp mưa đêm, mưa dầm, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị làm hoa. Có thể bón phân cho cây hoa giấy theo các thời kỳ sinh trưởng của cây hoa giấy như sau:

 

Phân bón ở các thời kỳ sinh trưởng, phát triển

Đối với cây nguyên liệu được trồng ở chậu hoặc đất nền: tưới phân ure, NPK 30-10-10. Tùy vào tình trạng của từng cây: bón 10-20 gram/cây/lần, 2 tuần/lần. Phương pháp bón: Bón trực tiếp vào xung quanh tán cây hoặc hòa vào nước tưới.

Phân bón ở giai đoạn xử lý và tập trung nuôi hoa

- Bắt đầu sau khi ghép:

Lần 1: thúc cây ra lá bón NPK 30-10-10 hoặc 10 kg NPK 20-20-15 + 1 kg ure (bón 10-20 gram/chậu)

Lần 2: cách lần 1 khoảng 10-14 ngày.

Lần 3: NPK 20-20-15 + super lân + kali (10-20 gram/chậu)

Lần 4: bắt đầu sau khi lãi lá 7-12 ngày. Bón NPK 20-20-15 hoặc NPK 17-17-17 (10-20 gram/chậu) kết hợp phun các loại phân bón lá (vi lượng + lân, kali cao) nhằm giúp cây ra nụ, thúc nụ và nuôi bông đẹp. Liều lượng phân bón lá theo hướng dẫn.

 

Các Lần sau đó tùy vào điều kiện thực tế quyết định số lần bón phân, dao động 7-10 ngày/lần. Chủ yếu bón các loại phân có hàm lượng kali cao. Phương pháp bón: rãi đều xung quanh chậu cây theo liều lượng đã định sẵn.

 

Một số loại phân bón lá có thể dùng cho cây hoa giấy để bổ sung dinh dưỡng nuôi cây như: Atonik, siêu ra đọt, siêu bật chồi, các loại phân bón nuôi hoa. Tùy vào tình trạng của cây mà quyết định số lần sử dụng và loại phân bón lá bổ cho cây hoa giấy. Tuy nhiên phải theo liều lượng khuyến cáo. Bên cạnh các loại phân bón lá dưỡng rễ, siêu ra đọt thì cần phun KNO3 (30 gram/8 lít) hoặc những loại phân bón lá có thành phần KNO3 ở những thời điểm giao mùa, những thời đểm bất lợi như có sương hoặc mưa đêm, mưa kéo dài để hạn chế việc rụng lá ngoài ý muốn.

 

* Quản lý sâu bệnh hại

Hoa giấy thường ít bị côn trùng gây hại tấn công. Cần lưu ý các đối tượng gây hại như: Bọ trĩ, nhện hại và sâu ăn đọt, ăn bông. Để quản lý các loại côn trùng gây hại này, cần áp dụng các biện pháp như: quản lý, thu gom các tàn dư thực vật, bố trí các chậu hoa thông thoáng; Dùng bẩy màu vàng đặt từ khi cây con đến lúc trổ hoa để quản lý côn trùng gây hại. Sử dụng dầu khoáng DC tronplus hoặc Nấm xanh Metarhizium anisopliae để phòng ngừa. Có thể bảo tồn hoặc nhân nuôi  thiên địch để quản lý côn trùng gây hại. Khi cần thiết có thể luân phiên các loại thuốc hóa học như: Acetamiprid, emamectin benzoate, Abamectin, Imidacloprid, Propargite, Abamecti, Pyridaben, Hexythiazox, Chlorantraniliprole, Thiamethoxam hoặc các loại thuốc trừ sâu sinh học khác với liều lượng khuyến cáo.

 

Một số loại bệnh thường gặp trên hoa giấy như bệnh đốm lá, bệnh rỉ sắt, phổng lá hoa giấy, rỉ sắt.

+  Đốm lá

Triệu chứng: Trên lá xuất hiện các đốm tròn màu đen hoặc trắng: thường xảy ra nhiều vào mùa mưa; Bệnh ít xảy ra tuy nhiên nếu xảy ra sẽ làm cho lá bị rụng sớm, hoa ít và nhỏ. Bệnh nặng có thể làm cây suy tàn và chết.

 

 
Đốm lá hoa giấy

 

Biện pháp quản lý: Bố trí khoảng cách các chậu hoa hợp lý, tạo thông thoáng cho vườn. Quản lý cỏ, bón phân và tưới tiêu hợp lý cho cây hoa giấy nhằm hạn chế nấm bệnh tấn công. Vệ sinh vườn, thu gom lá bệnh tiêu hủy.                           

 

Có thể sử dụng dụng một số loại thuốc BVTV như: Hecxaconazole, Chlorothalonil, liều lượng theo hướng dẫn.

 

+ Bệnh rỉ sắt (Nấm  gây  bệnh  là  Uromyces  appendiculatus): Bệnh thường  xuất  hiện  đầu  tiên trên  những  lá  tương  đối già. Trên  lá,  vết  bệnh  lúc  đầu  là  một  điểm  nhỏ  màu  hơi  vàng  hay  màu  vàng  chanh  hơi  nổi gờ. Sau  đó  vết  bệnh  to  dần  đường  kính  2 mm,  biểu  bì  nứt  vỡ  để  lộ  ổ  bào  tử  hạ  màu  nâu,  màu gỉ sắt.  Bình  thường  ổ  bào  tử  hạ  lộ  rõ  ở  mặt  dưới lá,  còn  mặt  trên  lá  vết  bệnh  có  màu  nâu  vàng. Bệnh nặng làm cho lá khô  cháy, rụng nụ, hoa.

 

Bệnh rỉ sắt hoa giấy.

 

Biện pháp quản lý: Cắt tỉa, tạo vườn hoa thông thoáng, thu  dọn sạch  tàn dư những lá bệnh, cây bệnh đem tiêu hủy; Áp  dụng  các  biện pháp  quản lý cỏ,  bón  phân,  tưới  nước  hợp  lý, quản lý giá thể tránh để bị ứ đọng nước nhiều trên lá; Có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV khi cần thiết như: Propineb,  Hecxaconazole, Kasugamycin, các loại thuốc gốc đồng.

 

+ Phổng lá cây hoa giấy (luộc lá)

 

Đây là bệnh thường gặp nhất ở cây hoa giấy trong những năm gần đây, xảy ra mạnh ở thời điểm giao mùa, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Người trồng hoa giấy thường gọi là bị luộc lá. Bệnh gây hại nặng  lá sẽ bị rụng, ảnh hưởng đến việc ra hoa của cây.

 

Triệu chứng: Các mép lá bị cháy, chạy chỉ đen (mặt trên của lá xuất hiện các đường như sợi chỉ màu đen), vàng lá (lá bị biến màu sắc như bị luộc nước sôi).

 

 
 
Lá hoa giấy bị bệnh Phổng lá.

 

Biện pháp quản lý: Áp dụng các biện pháp canh tác như: Bón phân cân đối, tránh bón đạm quá cao, xử lý giá thể và phối trộn các Vi sinh vật chức năng để ngăn ngừa nấm bệnh; Bố trí các chậu hoa trong vườn thông thoáng để hạn chế điều kiện phát sinh bệnh;

 

Chăm sóc cây khi bị bệnh: Cắt tỉa và tiêu hủy lá bị bệnh, bón vôi kết hợp lân cho cây, sau đó bón phân hữu cơ kết hợp với vi sinh vật chức năng BT1. Trên lá phun các loại thuốc như: Mancozeb, Propineb, Validamycin, gốc đồng.

 

+ Rụng lá: Đây là bệnh xảy ra phổ biến nhất trên cây hoa giấy trong những năm gần đây.

 

 Nguyên nhân: Do thời tiết bất lợi, sức chống chịu của cây kém, mưa kéo dài, hoặc mưa đêm sẽ gây rụng lá; pH giá thể chưa đạt yêu cầu, các nấm bệnh tấn công làm cho cây yếu, lá rụng hàng loạt. Rụng lá cũng do hậu quả của bệnh phổng lá gây ra.

 

Triệu chứng và thời điểm gây bệnh: các lá bị cuốn lại và rụng trong 1 thời gian nhanh, thường xảy ra sau khi mưa kéo dài hoặc sương nhiều, thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao. Rụng lá nhiều làm cho bộ lá của cây suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của cây.

 

Biện pháp quản lý: Áp dụng các biện pháp canh tác thích hợp cho cây hoa giấy. Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV: Validamycin, Propineb, Trifloxystrobin, Tebuconazole Mancozeb. Phun luân phiên và định kỳ 7-10 ngày/lần vào những lúc thời tiết thay đổi bất thường, mưa nhiều.

 

Với những kỹ thuật lưu ý trên, khi được áp dụng, cây hoa giấy giảm được tỷ lệ bệnh hại và mức độ rụng lá cũng được hạn chế, giúp nâng cao chất lượng và giá trị của cây hoa giấy. Cụ thể, tỷ lệ bệnh không quá 5% và tỷ lệ cây có hoa đạt chất lượng trên 70% và lợi nhuận tăng thêm 2.556.000 đồng/100 chậu.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi