Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng dừa xiêm xanh uống nước

Những năm gần đây, trồng dừa xiêm xanh uống nước đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho các nông hộ trên địa bàn huyện Châu Thành. Trong đó, có hộ ông Phạm Văn Bảy, ấp Phước Hậu, xã Tam Phước, mỗi năm mang về lợi nhuận 280 triệu đồng/năm từ trồng dừa xiêm xanh.

 

Đi giữa những hàng dừa tươi tốt, rợp bóng mát đang cho trái sai trĩu buồng, ít ai nghĩ rằng, vườn dừa của ông Bảy trước đây là đất ruộng, thu nhập bấp bênh. Từ khi được tham quan các mô hình dừa xiêm đạt hiệu quả,  ông ấp ủ ý định làm theo và mạnh dạn đốn bỏ dừa già cỗi, cải tạo lại đất, lên bờ theo quy cách 6 m/bờ.

 

 

Hiện nay, với 1,2 ha trồng chuyên canh dừa xiêm xanh uống nước, trung bình một năm, ông Bảy thu được trên 60 ngàn trái dừa, lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đạt 280 triệu đồng/năm.

 

Khi được hỏi về yếu tố thành công của việc trồng cây dừa xiêm, ông Bảy chia sẻ: “Yếu tố giúp tôi có được thành công đó chính là việc lựa chọn nguồn giống vì nhiều giống dừa xiêm được bán tràn lan trên thị trường, không rõ xuất xứ nguồn gốc nên chất lượng không bảo đảm. Cây giống được tôi mua từ các hộ dân đã trồng trước đem về ươm, đến khi cây cao khoảng 50 cm mới đem ra trồng. Điều này không những tìm mua được cây giống có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, mà còn kết nối được với các chủ vườn dừa có nhiều kinh nghiệm để trao đổi được thông tin, kinh nghiệm trong quá trình trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh trên cây dừa”.

 

Với cách làm này, vườn dừa của ông Phạm Văn Bảy đạt năng suất cao, nước ngọt, được thị trường ưa chuộng, và ông đã ký kết hợp đồng bán dừa cho công ty Mekong nên giá bán cao.

 

Ông Bảy cho biết: “Để dừa đạt năng suất cao, tôi trồng cây ở giữa mỗi bờ với khoảng cách 6 m, đắp mô cao 30 cm, rộng 1 m. Trong đó, khâu chọn cây giống rất quan trọng. Ngoài ra, trong kỹ thuật chăm sóc, ban đầu tôi mua mụn dừa và phân bò ủ Tricoderma khoảng 4 tháng cho phân oai, tôi mới đem bón trong mô và đặt cây con giống xuống, tưới đủ nước trong mùa khô và thoát nước trong mùa mưa. Khi cây phát triển tốt, tôi bón phân theo định kỳ hàng tháng từ ít đến tăng dân lên theo độ tuổi của dừa, phun thuốc chống côn trùng, sâu hại phá dừa theo hướng dẫn an toàn sinh học. Cây dừa trồng trưởng thành được 3,5 tuổi thì bắt đầu cho trái”.

 

Từ mô hình trồng dừa xiêm xanh uống nước, ông Phạm Văn Bảy đã góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên trong việc: bón phân, phát cỏ, bồi đất… Không những phát triển kinh tế cho gia đình, ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc cây dừa cho các hộ dân khu vực lân cận để phát triển kinh tế, và luôn là người đi đầu trong các hoạt động do địa phương phát động như: hiến đất làm đường, tham gia xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng tuyến đường ánh sáng an ninh…

 

Dừa uống nước luôn có mức giá ổn định, thị trường tiêu thụ lớn. Công chăm sóc không nhiều bằng các loại cây khác. Dừa xiêm xanh có đặc điểm dễ trồng, không kén đất, chỉ sau 20 tháng trồng dừa cho lưỡi mèo và đúng 24 tháng dừa bắt đầu cho thu hoạch.

 

Qua thực tế sản xuất của ông Phạm Văn Bảy cho thấy, mô hình trồng dừa xiêm uống nước có triển vọng, và mở ra hướng làm giàu cho người dân trên địa bàn. Vừa qua, ông Phạm Văn Bảy là một trong những hộ nông dân trồng dừa được vinh danh của tỉnh Bến Tre nằm trong khuôn khổ Lễ hội dừa lần thứ V năm 2019.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi