Giấy dừa Bến Tre – Sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa

Anh Huỳnh Văn Cường (ấp Tích Khánh, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) sau nhiều năm làm công nhân ngành viễn thông, chính nghề nghiệp đã đưa anh tiếp cận được nhiều địa bàn nông thôn của tỉnh. Nhìn thấy phế phẩm của dừa như phần thân của tàu dừa cạn và dừa nước người dân chủ yếu làm chất đốt, độn mương, anh đã nảy sinh ý tưởng làm sao tận dụng các phế phẩm này để tạo ra sản phẩm mới, có đầu ra ổn định nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân, để từ đó người dân nông thôn gắn bó hơn với cây dừa và tái trồng cây dừa nước để tránh sạt lở, giữ đất canh tác ven sông, rạch. Cây dừa nước cũng là loại cây thích nghi tốt với biến đổi khí hậu vì sinh trưởng tốt trong môi trường nước bị xâm nhập mặn.

 

Anh quyết định tìm hiểu và bắt tay nghiên cứu sản phẩm giấy từ xơ dừa của tàu dừa cạn và thân cây dừa nước. Bước đầu, anh đã gặp không ít khó khăn trong sơ chế bột giấy, sản phẩm tạo ra có độ dày, mỏng khác nhau, không đồng nhất và khó nhất vẫn là kỹ thuật công nghệ tạo hoa văn trên giấy. Chính vì vậy, anh đã tổ chức nhiều chuyến học tập kinh nghiệm, liên kết và được các nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn hoàn thiện quy trình và công nghệ sản xuất giấy dừa.

 

Đầu năm 2018, anh Cường quyết định thành lập Công ty TNHH Escoco Vietnam có trụ sở tại ấp Tích Khánh, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua sắm công nghệ, máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động sản xuất. Công ty từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất dòng sản phẩm giấy làm từ xơ của phần thân của tàu dừa (dừa cạn hoặc dừa nước), sau khi sơ chế thành bột giấy sẽ xeo thành giấy với nhiều kích thước và độ dày khác nhau, dựa trên công thức đổ giấy của người Mông và tạo hoa văn bằng áp lực nước theo phương thức của người Nhật (Rakusui Washi).

 

Nói về nguyên liệu đầu vào, anh Cường cho biết: Sản phẩm của công ty có nguồn nguyên liệu dồi dào từ loài cây bản địa như dừa cạn và dừa nước. Đặc biệt là cây dừa nước có khả năng chịu mặn tốt hơn các loại dừa thông thường, dừa nước thường được trồng hoặc mọc tự nhiên khắp các bờ sông, rạch để ngăn sóng, chống lở đất, chống xói mòn rất phổ biến...

 

Các sản phẩm từ giấy dừa rất đa dạng, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như hoa giấy, vật dụng giấy, tranh xuyên sáng… làm quà lưu niệm độc đáo và đặc trưng, phù hợp cho khách du lịch đến tham quan tại tỉnh nhà. Gần đây, công ty đã ra mắt các sản phẩm đĩa, bát làm từ giấy dừa có tính năng ba trong một (3 in 1) như thân thiện môi trường, dùng để chứa đựng thực phẩm khô và thấm hút dầu đối với thực phẩm chiên mà không phải dùng giấy thấm dầu.

 

Dự án “Giấy dừa Bến Tre” của anh Cường đã xuất sắc giành giải nhất chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ năm 2019”, được chọn tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019.

 

image
Giấy xơ dừa.
 
image

 Tranh giấy dừa.


Theo anh Cường, sản xuất giấy dừa có nguồn nguyên liệu rất dồi dào, tiềm năng phát triển rất lớn vì giấy dừa của dự án là giấy phi gỗ, tức là chúng ta không cần đốn cây mà vừa trồng cây vừa thu được nguyên liệu làm giấy. Vùng nguyên liệu càng nhân rộng thì diện tích phủ xanh càng nhiều, có tác động tích cực đến môi trường. Dự án cũng đã khuyến khích người nông dân trồng dừa nước mang lại lợi nhuận kinh tế nhất định, song song đó tạo thêm thu nhập cho nông dân khi dự án sẽ thu mua phần tàu dừa đã sơ chế. Giấy dừa của dự án đã chào hàng sản phẩm nhiều đơn vị cung cấp bao bì và nhận được phản hồi rất tích cực.

 


 

 image
 
 image

 Tranh giấy dừa.

 

Trong thời gian tới, công ty tiếp tục tham gia các phiên chợ, hội chợ để quảng bá sản phẩm; đầu tư thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, phát triển thương hiệu, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng rất cần được nhà nước quan tâm hỗ trợ hoặc vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, nhân rộng mô hình và phát triển dự án đồng hành với người dân trồng dừa. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ ươm tạo công nghệ, xúc tiến thành lập doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Giấy dừa là sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thân thiện với môi trường, tính thẩm mỹ cao, là xu hướng tiêu dùng hiện nay. Giấy dừa có tính ứng dụng khá phổ biến như làm giấy 3D xuyên sáng, giấy mỹ thuật, bao bì thực phẩm-mỹ phẩm, túi xách, giỏ xách giấy, nguyên liệu cho sản xuất hoa giấy… Đặc biệt, tranh giấy dừa của công ty mang tính mỹ thuật độc đáo nhờ đặc tính xuyên sáng của giấy, phù hợp để trang trí không gian nội thất cao cấp. Ngoài việc tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, dự án sẽ phát triển bền vững theo hướng làng nghề giấy dừa, tạo nên nét đặc trưng văn hoá vùng miền thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, qua đó, giới thiệu, quảng bá văn hóa dừa và hình ảnh người dân quê dừa đến bạn bè, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi