Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Bến Tre dùng cho sản phẩm bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre

Bưởi da xanh là một trong những trái cây đặc sản của Bến Tre và được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ưa chuộng vì có vị ngon đặc trưng. Vì vậy chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” đóng vai trò như một chứng nhận cho nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, góp phần nâng cao hình ảnh bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre. Qua đó giúp gia tăng chất lượng và giá trị của bưởi da xanh Bến Tre gắn liền với chỉ dẫn địa lý, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

 

Quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý


Trước khi có chỉ dẫn địa lý bưởi da xanh Bến Tre chưa được pháp luật bảo hộ. Điều này gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre. Vì vậy Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CipTek chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Bến Tre dùng cho sản phẩm bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre” góp phần xây dựng và bảo v ệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của quê hương, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

 

Qua thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, xác định đặc thù, tính chất-chất lượng bưởi da xanh,… đã đạt được những kết quả như:  Đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; Xây dựng và triển khai các hoạt động khai thác và phát triển giá trị chỉ dẫn địa lý Bến Tre (mẫu biểu trưng, sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, tài liệu quảng bá,…); Hệ thống các quy định về việc sử dụng và quản lý chỉ dẫn địa lý trên thực tế; thực hiện thí điểm, có 13 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm bưởi da xanh.

 

Sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh


Ngày 26/01/2018, Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 62 cho sản phẩm bưởi da xanh. Theo đó, khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh gồm: huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại và thành phố Bến Tre.

 

image

Biểu trưng chỉ dẫn địa lý “Bến Tre cho”

sản phẩm bưởi da xanh.

  
image
Các vị lãnh đạo dán biểu trưng chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm bưởi da xanh tại Lễ công bố tháng 03/2018.


Để việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý có hiệu quả, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ công bố và ban hành quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc quản lý, đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre.

 

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý khi đáp ứng các điều kiện: Được thành lập hợp pháp và hoạt động theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân phải tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo hộ (Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định).

 

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì, giúp UBND tỉnh quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre, chịu trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ về trình tự thủ tục hành chính, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý,…

Trên cơ sở đó, Sở KH&CN Bến Tre đã phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng Hướng dẫn chi tiết thực hiện quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Bến Tre. Qua đó Sở KH&CN đã ban hành quy định về sử dụng biểu trưng, tem, nhãn sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre.

 

Bên cạnh quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản khác như: Quy định về kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý; Quy định về sử dụng mẫu biểu trưng, tem, nhãn chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi da xanh; Thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;…

 

Khả năng nhân rộng và duy trì của dự án


Để duy trì và nhân rộng, nhóm thực hiện đề ra một số kiến nghị đối với địa phương như: thành lập Trung tâm dịch vụ thẩm định và chứng nhận sản phẩm đạt điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý. Sở KH&CN tiếp tục chính sách phát triển KH&CN gắn với quyền sở hữu trí tuệ. Các sở ngành thuộc tỉnh, các địa phương trong khu vực chỉ dẫn địa lý, các hiệp hội,… chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở KH&CN và các hội nghề nghiệp hỗ trợ phát triển, quảng bá chỉ dẫn địa lý Bến Tre. Đối với tổ chức và cá nhân tham gia quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Bến Tre  đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai công tác cấp quyền sử dụng để đưa sản phẩm bưởi da xanh có gắn chỉ dẫn địa lý vào thị trường đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng; Các đơn vị được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bưởi da xanh tỉnh Bến Tre cần tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý,…

 

Dự án thực hiện thành công, đạt mục tiêu, nội dung đề ra và được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh (Hội đồng) đánh giá cao và thống nhất nghiệm thu ngày 15/02/2020. Kết quả của dự án đã khẳng định hiệu quả mang lại của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong thời gian tới.

 

Để hoàn thiện, Hội đồng đề nghị nhóm thực hiện đánh giá hiệu quả của từng mô hình, thiết kế hình ảnh, mẫu biểu trưng có màu sắc đậm hơn, có phần tiếng Việt và tiếng Anh đồng thời bổ sung quy trình kỹ thuật theo quy trình chỉ dẫn địa lý.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi