Một số giải pháp canh tác lúa khi ảnh hưởng hạn mặn

I- ẢNH HƯỞNG BẤT LỢI CỦA HẠN, MẶN ĐỐI VỚI LÚA


1. Ảnh hưởng của hạn


Khi thiếu nước cây lúa sẽ sinh trưởng phát triển kém, cây thấp lùn ít hoặc không đẻ nhánh, đòng nhỏ, nghẹn đòng, bông ngắn, hạt bị lép lững nhiều.

 

Hạn cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc phèn, rễ lúa kém phát triển, cây lúa lùn lại và kém nở bụi. Cây lúa dễ bị sâu bệnh gây hại như đốm nâu và gạch nâu, đạo ôn, bọ trĩ...

 

2. Ảnh hưởng của mặn   

                                             

Các hiện tượng đất lúa bị nhiễm mặn thường gặp là do vào mùa khô nước ngọt ở thượng nguồn đổ về ít.

 

Khi bị nhiễm mặn kéo dài thì chót lá non bị cháy trắng, cuốn lại và khô đi, cây sinh trưởng kém, nở bụi ít, khả năng trổ bông vào chắc bị hạn chế, hạt bị lép lửng, năng suất thấp và cây có thể chết.

 

Đa số các giống lúa có khả năng chống chịu mặn từ yếu đến trung bình tối đa 4‰ (tùy giai đoạn của cây lúa). Tuy nhiên cây lúa có sức đề kháng đối với mặn rất kém vào giai đoạn mạ non và làm đòng đến trổ, hầu hết các giống lúa đều bị ảnh hưởng nặng nề về mặt sinh trưởng và năng suất khi độ mặn vượt quá 2‰ vào các giai đoạn trên.

 

II- MỘT SỐ BIỆN PHÁP HẠN CHẾ THIỆT HẠI DO ẢNH HƯỞNG MẶN, PHÈN ĐỐI VỚI LÚA


1. Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch, kênh nội đồng. Củng cố hệ thống bờ bao và kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo khả năng tưới nước, giữ nước và thoát nước khi cần thiết. Vào cuối vụ cần đặc biệt chú ý việc theo dõi độ mặn trong kênh mương, khi đất bị khô chỉ cần đảm bảo đủ ẩm độ cho lúa sinh trưởng bình thường, không đưa nước đã bị nhiễm mặn vào ruộng.

 

2. Thực hiện đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng tại địa phương.

 

3. Sử dụng các giống lúa chống chịu phèn mặn.

 

4. Chăm sóc lúa khỏe, chú trọng việc bổ sung dinh dưỡng phù hợp trong điều kiện canh tác bị nhiễm mặn, cụ thể cần quan tâm các yếu tố:

 

-Tăng cường bón phân có chứa chất Canxi – Magie- Silic.

 

- Bón phân Kali sớm.

 

5. Xử lý ruộng lúa bị ngộ độc phèn.

 

Bước 1: Thay nước mới để xả lượng phèn trong ruộng ra. Nếu ruộng gò (bị xì phèn) thì cố gắng ép nước lên gò cho đủ. Có thể bón vôi từ 300-500 kg/ha trước lúc bón phân lân 5-7 ngày sẽ tăng hiệu quả phân lân.

 

Bước 2: Bón lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) từ 100-250 kg/ha (tùy tình trạng ngộ độc nhẹ hay nặng).

 

Bước 3: Phun phân bón lá có chứa lân nhiều như NPK 15-30-15, Hydrophos Zn, Super Humic…

 

Bước 4: Sau 5-7 ngày nhổ lúa lên thấy ra rễ trắng thì cây lúa đã phục hồi.

 

Bước 5: Bón phân chăm sóc tiếp tục theo quy trình (urê, DAP, kali...).

 

Lưu ý: Khi cây lúa bị ngộ độc phèn ngưng ngay bón đạm (urê), nếu bón vào làm lúa chết nhanh hơn.


III. KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA HÈ THU


1. Thời vụ gieo sạ


Gieo sạ theo đúng lịch thời vụ do ngành chuyên môn khuyến cáo. Chỉ xuống giống khi đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho cây.

 

2. Chuẩn bị lúa giống


Sử dụng hạt giống lúa cấp xác nhận, lượng giống 80 - 100 kg/ha.

 

Chọn giống lúa cứng cây, chịu phèn, chịu mặn, có năng suất cao, phẩm chất tốt, thích nghi với vùng sinh thái và cơ cấu cây trồng tại địa phương như các giống: OM 9921, OM 6976, OM 3673, OM 4900, OM 6162, OC 10...

 

3. Chuẩn bị đất


Tiến hành cày, xới đất để cắt đứt các mạch mao dẫn phèn, mặn từ dưới lên, tuy nhiên chỉ cày xới ở độ sâu < 15 cm.

 

Bón vôi (vôi xám, vôi nông nghiệp) với liều lượng 500-1.000 kg/ha, bón đều khắp ruộng.

 

Đưa nước vào ngập ruộng từ 10-15cm và ngâm tối thiểu khoảng 5-7 ngày để độc chất mặn và phèn đi ra dung dịch đất rồi xả bỏ, tiếp tục đưa nước mới vào để rửa phèn-mặn, làm lặp lại 2- 3 lần trước khi gieo sạ sẽ giảm được thiệt hại do mặn, phèn gây ra.

 

Sau đó tiến hành làm đất sang bằng mặt ruộng chuẩn bị xuống giống.

 

Đánh rãnh thoát nước: Cần đánh rãnh thoát nước có kích thước ngang khoảng 20 cm và sâu khoảng 20 cm, rãnh cách nhau khoảng 5-6m, việc đánh rãnh thoát nước rất quan trọng giúp thoát nước rửa mặn, phèn, thu gom ốc bươu vàng hoặc cắt nước giữa vụ... được dễ dàng.

 

Kiểm tra độ mặn dưới 1‰, pH ≥ 5,5 trước khi xuống giống.

 

4. Bón phân             

        

Nguyên tắc bón phân cho lúa: bón phân phải cân đối, hợp lý theo nguyên tắc 4 đúng, áp dụng kỹ thuật bón phân theo nhu cầu của cây, bón phân đón đòng theo kỹ thuật không ngày không số...

 

Có thể áp dụng công thức phân bón NPK= 80-100N- 40-60 P2O5- 30-60 K2O Lượng phân bón tham khảo (kg/1000 m2):

 

Bón lót (trước khi gieo sạ 5-7 ngày): 15-20 kg lân nung chảy.

 

Bón thúc lần 1 (7-10 NSS): 6 - 7 kg Ure + 5 - 6 kg lân nung chảy.

 

Bón thúc lần 2 (18-20 NSS): 6 - 7 kg Ure + 4 - 5 kg lân nung chảy + 2 - 3 kg Kali.

 

Bón đón đòng (40-45NSS): 6-7 kg Ure + 5-7 kg Kali.

 

Bón rước hạt (sau trỗ 7 ngày): 2 kg Ure hoặc phun KNO3 150g/bình 8 lít, 4 bình.

 

Ngoài ra có thể sử dụng các loại phân bón chuyên dùng như Đầu trâu Mặn- phèn, Đầu trâu TE A1, Đầu trâu TE A2.

 

- Chú ý tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh bón cho ruộng lúa.

 

Vào thời kỳ lúa bị hạn mặn có thể bổ sung bằng các loại phân bón lá như Hydrophos Zn, Super humic… để giúp tăng tính đề kháng cho lúa.

 

5. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM):


Một số sâu bệnh hại quan trọng trên ruộng lúa như bọ trỉ, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá...

 

Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

 

Chú ý 4 trụ cột của IPM: (1) trồng cây khỏe, (2) bảo vệ thiên địch, (3) thăm đồng thường xuyên, (4) nông dân trở thành chuyên gia đây là biện pháp tốt nhất để quản lý dịch hại tổng hợp thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi