Phòng trừ nhóm côn trùng hại rau vụ Tết

Trong những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh, nhất là trong dịp Tết nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng càng gia tăng. Hiện nay, nông dân trồng rau đã xuống giống với nhiều chủng loại để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, trong vụ Đông Xuân sâu hại luôn là một thách thức đối với nông dân sản xuất rau màu. Để có rau sạch bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại theo hướng an toàn ngay từ đầu vụ.

 

Trong nhóm sâu hại rau, bọ phấn trắng là côn trùng gây hại nghiêm trọng nhất trên các cây họ cà, bầu bí, đậu….. Chúng không chỉ chích hút các chất dinh dưỡng của cây mà còn là môi giới truyền bệnh virus. Trưởng thành của bọ phấn thuộc họ Rầy phấn (Aleyrodidae); Bộ Cánh đều (Homoptera). Bọ trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 1mm (khoảng bằng hột é), màu vàng nhạt, trên cơ thể phủ một lớp bột màu trắng như phấn, dùng tay quơ nhẹ sẽ thấy chúng bay lên thành từng đám như bụi phấn. Bọ phấn non có màu trắng hơi xanh hình oval, ít bò, thường cố định một chổ bên dưới lá cây chích hút nhựa cây. Bọ trưởng thành thường tìm những lá bánh tẻ đẻ trứng vào mô lá. Bọ phấn trưởng thành hoạt động rất nhanh, thường đậu mặt dưới lá, hoạt động vào sáng sớm và chiều mát. Chúng chỉ có thể bay một khoảng cách ngắn nhưng có thể phân tán trên phạm vi rộng nhờ gió. Bọ phấn thường tấn công vào mùa nóng khô. Cả bọ phấn non và bọ trưởng thành đều chích hút nhựa cây, chủ yếu ở ngọn và  lá non, làm lá biến vàng, khi mật độ cao gây hại nặng chỉ gân lá còn xanh, cây suy yếu, kém phát triển. Chúng thường cư trú ở mặt dưới lá, dễ dàng phát hiện bọ phấn vì chung quanh có nhiều tơ trắng. Bọ phấn non chậm chạp hơn bọ phấn trưởng thành, do đó nếu phát hiện giai đoạn này phun thuốc phòng trừ rất dễ. Bọ phấn trắng gây hại suốt vụ từ khi trồng cho đến khi thu hoạch. Mật số bọ phấn trắng tăng dần từ đầu vụ cho đến cuối vụ trồng.

 

 

Bọ phấn gây hại trên đậu.

 

Triệu chứng bệnh virus trên cà tím do bọ phấn truyền bệnh.

 

Ngoài tác hại trực tiếp là chích hút nhựa, trưởng thành và ấu trùng bọ phấn đều có khả năng truyền bệnh virus (bệnh khảm) và còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Triệu chứng bệnh virus thể hiện rõ nhất trên lá và đọt non. Cây bị bệnh đọt xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng loang lổ, các đốt thân co ngắn, phát triển chậm. Khi phát hiện bệnh virus nên nhổ bỏ, tiêu hủy cây bệnh và phòng trừ côn trùng môi giới. Sử dụng thuốc hóa học khi mật độ bọ phấn cao. Một số thuốc phòng trừ bọ phấn như: Vimatrine 0.6L; Oshin 20WP; Chess 50 WG. Bọ phấn trắng nằm ở mặt dưới lá nên khi phun thuốc phải phun kỹ mặt dưới để thuốc tiếp xúc với bọ phấn mới đạt hiệu quả cao. Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm khi bọ phấn ở giai đoạn non ít di chuyển sẽ dễ nhiễm thuốc.

 

Rầy mềm là loài côn trùng gây hại khá phổ biến trên bầu bí, khổ qua, đậu,… trong mùa nắng. Rầy mềm có tên khoa học Aphis gossypii, họ Rệp muội (Aphididae). Rầy mềm hình quả lê, dài khoảng 1-2mm (khoảng bằng hạt mè). Màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến xanh thẩm hoặc xanh đen. Mật số rầy mềm tăng rất nhanh nhưng khi hết thức ăn hoặc mật số quá đông chúng sẽ mọc cánh và di chuyển đi nơi khác. Cả rầy non và rầy trưởng thành sống tập trung ở ngọn bông, trái non và mặt dưới lá, ít di chuyển. Chúng chích hút nhựa làm lá bị xoăn và biến màu, đọt chùn lại, cây kém phát triển, bông bị rụng, trái ngắn, cong queo và thường bị tóp phần cuối trái. Nếu mật số cao, rầy mềm gây thiệt hại lớn đến năng suất và phẩm chất trái. Ngoài ra, chất thải của rầy còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Rầy mềm dễ mẫn cảm với thuốc, có thể phun dầu khoáng khi xuất hiện rầy mềm.

 

Rầy mềm gây hại trên đậu.

     
 

Sâu xanh đục trái cà chua.

 

Sâu xanh đục trái khổ qua tây.

 

Bên cạnh, sâu xanh đục trái cũng là loài côn trùng ảnh hưởng lớn đến năng suất các loại rau lấy trái như cà chua, cà tím, khổ qua, mướp,... Trưởng thành của sâu xanh là loài ngài, cánh màu trắng viền nâu xung quanh. Trứng được đẻ rải rác ở mặt dưới của lá. Sâu non màu xanh có 2 đường vạch trắng chạy dọc mặt lưng. Sâu tuổi nhỏ ăn búp, lá non, nụ hoa. Từ tuổi 3 sâu đục vào trong trái, để lại một lổ đục nhỏ, sâu đục đến đâu đùn phân đến đó, một nửa thân ở bên ngòai. Sâu ăn thịt trái làm trái rỗng và chứa đầy phân sâu. Đôi khi sâu non cũng đục vào cuống trái làm trái không lớn, cong queo. Một con sâu có thể đục nhiều trái. Sâu thường phát triển mật độ cao khi cây sinh trưởng khoảng một tháng và gây hại nặng giai đoạn ra hoa, kết trái. Sâu non nhả tơ trắng kết dính các lá non lại với nhau làm tổ, sinh sống và gây hại luôn trong tổ. Sâu đẫy sức hóa nhộng trong tổ hoặc ở các lá kề cận với trái. Thăm ruộng rau thường xuyên, nhất là giai đoạn ra đọt non hoặc trái non, khi phát hiện sâu xanh phun thuốc thảo mộc Azadirachtin, Dầu khoáng SK EnSpray 99, chế phẩm nấm xanh hoặc thuốc vi sinh Biocin 16WP.

 

Trái khô qua bị ruồi đục trái gây hại.

 

Ruồi đục trái làm thối trái ớt.

 

Ngoài ra, ruồi đục trái cũng phá hại nhiều trên các cây họ bầu bí,… Ruồi có hình dạng và kích thước rất giống ruồi đục trái trên cây ăn trái. Ấu trùng là dòi có màu trắng ngà, thành đường hầm ngoằn ngèo bên trong trái làm trái thối vàng, rụng sớm. Nên thu gom tiêu diệt trái rụng xuống đất, cày phơi đất sau vụ hoặc cho nước ngập ruộng vài ngày để diệt nhộng. Đặt bẩy màu vàng trong ruộng rau và sử dụng Protein thuỷ phân chỉ cần phun một vài điểm trên ruộng khổ qua.

 

Trong vụ Đông Xuân, các ruộng rau thường bị bọ dưa gây hại. Bọ dưa trưởng thành là một loại bọ cánh cứng nhỏ, màu vàng nâu, rất linh động. Sâu non có màu trắng vàng, dạng ít chân. Thành trùng cạp lớp biểu bì và diệp lục mặt trên lá thành một đường vòng, sau đó phần bị cạp sẽ bị  ăn đứt lìa khỏi lá. Ấu trùng ăn rễ cây và đục vào gốc làm cây bị vàng héo, chậm phát triển hoặc chết đột ngột. Các vết cắn phá của ấu trùng trên rễ, gốc cây là nơi nấm xâm nhập. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng phòng trừ bọ dưa.

 

 

 Trưởng thành bọ dưa.

 

Trong tự nhiên nhóm côn trùng trên có nhiều loài thiên địch như nấm kí sinh, ong kí sinh và cả các loài thiên địch ăn mồi, nhất là giai đoạn ấu trùng. Nếu có điều kiện nên nuôi thả ong ký sinh Trichogramma sp. (ong mắt đỏ) trên ruộng rau sẽ hạn chế mật số sâu xanh. Việc sử dụng thuốc hóa học phải thận trọng, chỉ phun khi thật cần thiết. Đối với các loài sâu hại trên nông dân cần chú ý biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ để hạn chế sự phát triển của dịch hại; Luân canh với các cây trồng khác họ; Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch, làm đất kỹ để diệt nhộng; Vệ sinh đồng ruộng, tạo thông thoáng hạn chế nơi ẩn nấp của sâu hại.

 

Đa số các loại rau được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, ưu tiên nhóm thuốc sinh học. Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi