Giồng Trôm: Thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi kết hợp

Với tinh thần chịu khó, cần cù lao động biết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, anh Phạm Hoàng Tuấn (sinh năm 1978), ấp Quy Nghĩa xã Lương Quới huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã có thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi dê kết hợp nuôi heo rừng.

 

Sau khi lập gia đình ra riêng với 1.700m2 đất vườn dừa tạp, anh Tuấn nhận thấy muốn phát triển kinh tế gia đình phải kết hợp mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng trọt và chăn nuôi mới đem lại hiệu quả. Lúc này anh chọn con dê để chăn nuôi vì nguồn thức ăn dễ tìm và có thể trồng cỏ xen trồng vườn dừa sẵn có của gia đình. Ban đầu anh nuôi khởi điểm với 4 con dê sinh sản, nhờ tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, chịu khó chăm sóc mà đàn dê của anh sinh trưởng tốt, số lượng dê tăng lên mỗi năm, đến nay anh có hơn 40 con dê sinh sản và dê thịt.

 

Anh Tuấn bước đầu thành công với việc nuôi heo rừng. Ảnh: Diệu Hiền.

 


Nhờ biết cách chăm sóc mà đàn dê của anh Tuấn phát triển tốt. Ảnh: Diệu Hiền.

 

Anh Tuấn cho biết: Trong quá trình nuôi, dê sinh sản thì anh để lại nhân giống, dê thịt thì anh vỗ béo rồi xuất bán, sau này khi nắm vững được kỹ thuật nuôi dê, anh mạnh dạn mua dê thịt về vỗ béo, bán thịt dê cho các quán ăn và các hộ dân có nhu cầu, từ đó mà dê anh nuôi có đầu ra ổn định và bán luôn được giá. Trung bình mỗi con dê nuôi 2 năm sẽ xuất chuồng được 3 lứa, nếu biết cách chăm sóc, sau khi trừ chi phí sẽ lời từ 700.000-1.000.000 đồng/con. Với kinh nghiệm 15 năm nuôi dê, theo anh, con dê muốn phát triển tốt ít bị bệnh, chuồng trại xây dựng phải cao ráo, thoáng mát có ánh nắng mặt trời. Thức ăn của dê phải kết hợp giữa cỏ và thức ăn hỗn hợp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với cỏ khi cắt ngoài vườn về phải chú ý loại bỏ sâu, cỏ không bị thấm nước dê ăn dễ bị sình bụng, khi cho dê ăn nên xay nhuyễn cỏ, lá cây dê sẽ dễ ăn và không bỏ phí nguồn thức ăn.

 

Tận dụng thời gian nhàn rỗi sau khi nuôi dê, nhận thấy tìm năng tiêu thụ thịt heo rừng khá phát triển trong thời gian gần đây, từ nguồn vốn tích lũy của gia đình, năm 2020, anh Tuấn mua 03 con heo rừng sinh sản và 01 con heo rừng bỏ giống trị giá 25 triệu đồng từ Công ty TNHH-thương mại-dịch vụ heo rừng tại Đồng Tháp. Nhờ được cung cấp kỹ thuật chăn nuôi mà heo rừng của anh sinh trưởng tốt, mỗi năm 01 con heo rừng sẽ sinh 02 lứa, mỗi lứa trung bình khoảng 8 con, sau khi nuôi từ 25-40 kg anh xuất chuồng  bán heo thịt và được công ty bán heo bao đầu ra sản phẩm với giá trên 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh lợi nhuận thêm 20 triệu đồng mỗi năm.

 

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi heo rừng đạt hiệu quả, anh Tuấn cho biết: “Nuôi heo rừng, khi xây chuồng phải xây cao ráo, xây bằng bê-tông khoảng 7 tất rồi kết lưới B40 để cho nó thoáng; phải giăng mùng hàng ngày để tránh bị muỗi đốt; vào mùa mưa dầm nên có bóng đèn led sưởi ấm để heo không bị nhiễm phổi. Trong chuồng cho heo mẹ sinh sản phải xây thêm một ngăn riêng cho heo con, ngăn này phải cao khoảng một mét để heo mẹ không ăn được thức ăn của heo con. Nước uống cho heo phải qua xử lý; nước tắm cho heo khi bơm từ mương lên phải lắng lọc và xử lý Clo. Thức ăn cho heo thì giống như heo mình, nếu như heo mình ngày cho ăn 0,5 kg thì con heo rừng cho ăn ngày khoảng 400 gram, kết hợp cho thêm cỏ sữa, chuối cây, chuối trái, rau lang, rau muống,… và nhiều loại rau củ, quả khác”.

 

Phải nói rằng nông dân Giồng Trôm nói chung và hội viên nông dân huyện Giồng Trôm nói riêng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay rất năng động và sáng tạo, có nhiều mô hình chuyên canh nuôi dê, chuyên canh nuôi bò nhưng mà nét mới của anh Tuấn ở đây là kết hợp mô hình chăn nuôi dê với nuôi heo rừng. Ở đây, mô hình chăn nuôi dê của anh Tuấn thực hiện liên kết vừa nuôi dê sinh sản, vừa nuôi dê thịt, vừa nuôi dê vỗ béo và anh có khả năng tạo ra sản phẩm để cung cấp cho những người có nhu cầu cần thiết để người ta tiêu thụ sản phẩm thịt dê. Anh Tuấn đã sử dụng tất cả liên hợp các cách để chăm sóc heo rừng rồi chăm sóc dê, anh trồng cỏ trên diện tích đất nhà, kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi dê và nuôi heo rừng để tạo ra sản phẩm tạo ra hiệu quả nhanh hơn người khác. Nếu như con dê, con heo rừng chỉ ăn rau củ quả và ăn cỏ không thì nó sẽ chậm lớn, hiệu quả thấp hơn là kết hợp thêm thức ăn công nghiệp”-ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Trôm cho biết. 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi