Thành công của mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Ba Tri

Ngày 16/4/2014, Trung tâm Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao tổ chức hội thảo kết quả thực hiện đề tài :”So sánh con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Red Angus, lai Sind phối với bò cái nền địa phương (lai Sind) và xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Ba Tri”. Đến dự hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Tri và bà con nông dân đại diện cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Mỹ Chánh, xã Phú Lễ, xã Phước Tuy, xã Tân Xuân huyện Ba Tri.

Bến Tre là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi bò khá phát triển với số lượng là 151.985 con (theo niên giám thống kê năm 2012). Trong đó số lượng bò của Ba Tri chiếm 48% lượng bò của tỉnh (72.392 con), đàn bò Ba Tri đã được Sind hóa 100% (có máu sind từ 50 đến 75%) việc cải tạo đàn bò cái nền, đàn bò thịt đang được thực hiện rất tốt. Chất lượng đàn bò ngày càng được chú trọng như trọng lượng lớn trên 700kg/con (đực); tốc độ tăng trọng nhanh từ 650-850g/ngày; tỷ lệ thịt xẻ cao từ 49-51%.

Công tác thụ tinh nhân tạo bò đã được bà con chăn nuôi bò hưởng ứng tích cực. Từ năm 2008 đến nay người chăn nuôi bò đã có những thay đổi đáng kể về nhận thức. Trước đây người chăn nuôi chú trọng nhiều đến những đặc điểm bên ngoài như màu sắc, xoáy tích của bò khi chọn con giống, nay phần lớn người chăn nuôi bò đã quan tâm nhiều đến chất lượng con giống cụ thể như: trọng lượng sơ sinh, tầm vóc lớn con, tăng trọng nhanh. Tuy phong trào thụ tinh nhân tạo có phát triển nhưng thời gian qua chưa có các điều tra khảo sát, đánh giá, so sánh các con bê lai giữa các công thức phối giống từ các giống bò thịt. Từ đó chưa có một khuyến cáo chính thức công thức lai tạo đàn bò F1 chuyên thịt cũng như chưa có mô hình chuyên về vỗ béo bê lai trong các nông hộ. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, Sở khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho Trung Tâm Giống Nông nghiệp tỉnh thực hiện đề tài:” So sánh con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Red Angus, lai Sind phối với bò cái nền địa phương (lai Sind) và xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Ba Tri” thời gian thực hiện 36 tháng (03/2011 – 03/2014).

 

Qua ba năm triển khai thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài kết hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Tri chọn 169 con bò cái sinh sản tham gia đề tài ở các xã Phú Lễ, Phước Tuy, Tân Xuân, Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn. Đề tài sử dụng 4 công thức lai: công thức 1 (tinh đông lạnh bò Brahman x bò cái nền lai Sind), công thức 2 (tinh đông lạnh bò Red Angus x bò cái nền lai Sind), công thức 3 (tinh đông lạnh bò Red Angus phân biệt giới tính x bò cái nền lai Sind), công thức 4 (bò đực lai Sind phối trực tiếp bò cái nền lai Sind). Đã nhập 43 liều tinh đông lạnh bò Brahman, 43 liều tinh đông lạnh bò Red Angus từ Xí nghiệp Truyền giống Gia súc và Phát triển Chăn nuôi miền Nam và 43 liều tinh đông lạnh bò Red Angus phân biệt giới tính từ Công ty TNHH Công nghệ Á châu thành phố Hồ Chí Minh để thụ tinh nhân tạo  với bò cái nền địa phương. Các chỉ tiêu theo dõi như: tỷ lệ phối giống đậu thai của bò mẹ, trọng lượng sơ sinh và các giai đoạn tuổi của con lai, các chiều đo vòng ngực, rộng ngực, rộng hông, dài thân thẳng, dài thân chéo, cao vây, cao chân và vòng ống, tình trạng nhiễm ve, tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Xây dựng khẩu phần ăn cho bò nuôi vỗ béo giúp các hộ chăn nuôi biết được thời gian nuôi bò vỗ béo của từng giống bò để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Xây dựng 3 mô hình bò nuôi vỗ béo từ con lai của  các công thức lai 1, 2 và 4 (mỗi mô hình 3 con) và phân tích chất lượng thịt: tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh, diện tích cơ thăn và thành phần hóa học của thịt (nước, protein, béo và khoáng).

Kết quả con lai F1 từ các giống bò chuyên thịt Brahman, Red Angus vượt trội hơn về khối lượng và hiệu quả kinh tế so bò lai Sind địa phương. Sau 18 tháng nuôi, doanh thu của nhóm bò chuyên thịt Red Angus, Brahman cao hơn so với bò  lai Sind địa phương từ 1,4 – 1,6 lần. Đối với mô hình nuôi vỗ béo: bò  lai Sind địa phương hiệu quả kinh tế cao nhất doanh thu 20.666.300 đồng, kế đến bò lai Brahman là 15.000.200 đồng và bò lai Red Angus là 13.156.400 đồng sau 4 tháng vỗ béo. Đề tài mang ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học, về mặt xã hội và về hiệu quả kinh tế: xác định công thức lai phù hợp với điều kiện nuôi ở Bến Tre, xây dựng khẩu phần ăn phù hợp và xác định thời gian nuôi vỗ béo thích hợp cho từng giống bò để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất; nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nâng cao thu nhập cho người nuôi bò. Từ thành công mô hình nuôi bò của đề tài trên, trong thời gian tới, mô hình nuôi sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Ba Tri và toàn tỉnh Bến Tre.

Tường Khanh

Sở Khoa học và Công nghệ

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi