Bệnh đường hô hấp khi thời tiết lạnh và những lưu ý trong quá trình điều trị

Bệnh ở đường hô hấp trên đàn vật nuôi là một vấn đề lớn trong ngành chăn nuôi, nó gây ra những phiền toái, những thiệt hại lớn cho các nông hộ, các chủ trang trại nếu như chúng ta lơ là, thiếu quan tâm, có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh đường hô hấp như con giống, chuồng trại, mật độ nuôi nhốt, quy trình sử dụng thuốc và vắc xin, chăm sóc, nuôi dưỡng… ngoài ra vấn đề về thời tiết, khí hậu nhất là sự chuyển mùa, từ mùa nóng sang mùa lạnh cũng là một yếu tố gây nhạy cảm gây nên bệnh về đường hô hấp trên đàn vật nuôi, như bệnh viêm màng phổi (APP), bệnh có thể lây lan 90% toàn đàn và có thể làm chết đến 50% toàn đàn trên heo do suy hô hấp, hay như bệnh CRD trên gà có khả năng lây nhiễm cao, làm giảm tỉ lệ đẻ, hay giảm tăng trọng đến 20% toàn đàn gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi.

 

Các nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp: Do nhiễm các loại virus hay vi khuẩn, ký sinh trùng hay kể cả nấm tấn công vào đường hô hấp gây nên bệnh như bệnh viêm màng phổi do vi khuẩn Actinobacillus pleuroneumoniae gây ra, bệnh viêm đa xoang do vi khuẩn Haemophilus Parasuis (H.parasuis) gây ra, bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra hay bệnh viêm teo mũi do nhiễm vi khuẩn trên heo. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường rất dễ lây lan, thời gian ủ bệnh có thể từ 7-10 ngày.

 

Những yếu tố dễ đưa đến sự lây nhiễm mầm bệnh thường là do sự thay đổi thời tiết, chuồng trại ẩm thấp, tối, mật độ nuôi nhốt cao, không có ô cách ly con vật bệnh, nhiệt độ môi trường thấp, sức đề kháng con vật kém.

 

Những biểu hiện triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Đa phần con vật khi bị viêm nhiễm đường hô hấp sẽ có những triệu chứng như nóng sốt, lừ đừ, ăn ít hoặc bỏ ăn, uống nhiều nước, kèm theo ho, chảy mũi, nếu như nặng con vật có thể thở thể bụng, nóng sốt cao độ, dịch mũi, miệng, mắt có thể chảy rất nhiều kèm theo viêm kết mạc mắt, niêm mạc mắt đỏ tươi, phù nề mặt, mắt, con vật nằm bẹp.

 

Sau khi phát bệnh, tùy theo vị trí của ổ nhiễm trùng sẽ có những bệnh tích khác nhau: Ở bệnh đường hô hấp trên, như bệnh viêm đa xoang sẽ làm cho các xoang viêm nóng đỏ, chảy mũi đục, trong xoang có mủ.

 

Gà bị viêm xoang chảy mũi đục.


Gà bị mủ đục trong xoang.

 

Hoặc bệnh viêm thanh quản làm cho thanh quản viêm đỏ, chảy dịch nhày có thể bị phủ một lớp fibrin.

 

Viêm thanh khí quản trên gà.

 

Ở bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, vi trùng  sẽ tấn công vào phế quản, tiểu phế quản và phổi. làm cho phổi sưng đỏ, có chứa các dịch nhày lẫn phủ chất fibrin, có thể dẫn đến tình trạng phổi bị gan hóa, đây là dạng bệnh nặng nếu tình trạng bệnh kéo dài vi trùng có thể tấn công vào các cơ quan nội tạng khác như viêm màng tim, viêm khớp làm cho các khớp xương cứng và đau, con vật không đi lại được.

 

Phổi bị viêm có phủ fibrin trên heo.

 

Điều trị bệnh: Đối với bệnh viêm nhiễm do virus ta có thể sử dụng các thuốc tăng sức đề kháng như vitamin C, vitamin ADE-B Complex, thuốc long đờm, ví dụ như bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT) trên gà do một loại virus thuộc họ Herpes gây ra, không điều trị bằng kháng sinh do không có tác dụng diệt virus chỉ sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm. Đa phần các bệnh về hô hấp trên vật nuôi là do nhiễm vi khuẩn, cần điều trị đúng liệu trình, dứt điểm nếu không bệnh có thể chuyển sang dạng mãn tính điều trị sẽ dây dưa, khó khăn hơn. Ta có thể sử dụng một trong các loại kháng sinh hiệu quả sau đây để điều trị:

 

 Genta- Tylo (Gentamicin phối hợp với Tylosin) chích 1 lần/ngày, thời gian điều trị từ 5-7 ngày; Hoặc Marbovitryl chích 1 lần/ngày, thời gian điều trị từ 3-5 ngày; Hoặc Kanamycine chích 1 lần/ngày, thời gian điều trị từ 5-7 ngày;  Hoặc có thể sử dụng kháng sinh Flor-Doxy (Florfenicol phối hợp với Doxycycline) để điều trị, nó rất hiệu quả, chích 1 lần/ngày, thời gian điều trị 4-5 ngày.

 

 Đặc biệt lưu ý đối với các con vật bệnh hay tái đi tái lại, điều trị chậm hết, kém hiệu quả để chống lờn thuốc ta có thể sử dụng nhóm thuốc kháng sinh Sulfamid để điều trị ví dụ như Lincoseptryl (Lincomycine phối hợp với Sulfamethoxazole) thời gian điều trị trong 5 ngày; hoặc Baytril® Max thuốc này có khả năng đi vào các mô nhiễm bệnh ở nồng độ cao và nhanh điều trị đạt hiệu quả cao.

 

Nên chích kèm các loại thuốc trợ lực như B Complex, vitamin C, nếu sốt cao cần chích kèm thuốc hạ sốt như Anagin, có thể dùng thêm thuốc long đờm để làm giảm tiết dịch giúp con vật dễ thở. Nếu bệnh nặng có thể dùng thêm kháng viêm như Dexa để làm giảm các triệu chứng gây bệnh.

 

Về phòng bệnh: Nên sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh về đường hô hấp trên đàn vật nuôi và theo đúng quy trình để hạn chế tối đa bệnh có thể xảy ra. Khi xảy ra bệnh cần cách ly con vật bệnh, nếu cần thiết có thể cho toàn đàn uống ngừa các loại kháng sinh chuyên về đường hô hấp như Genta-Tylo, Enrofloxacin, Cefalexin, Amoxicillin trong 3 ngày.

 

Tóm lại, việc chủ động phòng và điều trị bệnh trên đường hô hấp cho vật nuôi khi thời tiết thay đổi nhất là khi chuyển sang mùa lạnh là việc làm cần thiết, giúp hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi