Công tác phòng chống hạn mặn trên cây trồng, vật nuôi của huyện Mỏ Cày Nam

Thực tế thời gian gần đây, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre ngày càng diễn biến phức tạp và bất thường. Nhằm thực hiện tốt Kế hoạch số 2940/KH-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân huyện về việc ứng phó triều cường, tăng cường trữ nước và xây dựng kế hoạch phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023. Thời gian qua, Trạm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú thường xuyên theo dõi, nắm tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện thông qua zalo nhóm PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TỈNH BẾN TRE và các kênh thông tin khác về các thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện, cũng như nhu cầu sử dụng nước của người dân. Qua đó, tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền đến người dân về tình hình xâm nhập mặn của địa phương, các biện pháp trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, các biện pháp chăm sóc cây trồng vật nuôi trong mùa hạn mặn. 

 

Lớp tập huấn phòng chống hạn mặn trên cây trồng, vật nuôi do Trạm KN và TVDVNN khu vực Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú phối hợp tổ chức thực hiện tại các xã huyện Mỏ Cày Nam.

 

Thông qua các lớp tập huấn, các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, các buổi tư vấn dịch vụ nông nghiệp, người dân đã được cán bộ kỹ thuật Trạm hướng dẫn cụ thể các giải pháp phòng chống hạn mặn trên các loại cây trồng, vật nuôi phổ biến của huyện. Các giải pháp cụ thể như sau:

 

- Khuyến cáo đối với cây trồng:

 + Đối với cây bưởi:

Trước khi mặn xâm nhập: Chủ động tích ngọt trong hệ thống mương chứa, tích cực phủ gốc giữ ẩm và tưới đủ ẩm; kết hợp bón vôi và phân hợp lý cho vườn.

 

Khi hạn - mặn xảy ra: Củng cố hệ thống đê bao, phủ liếp giữ ẩm, tưới nước ngọt đã dự trữ với hệ thống tưới tiết kiệm, khoảng cách giữa 2 lần tưới khoảng 5 - 7 ngày, nếu nước dự trữ còn nhiều cần kết hợp bón phân thúc theo lịch dự kiến. Điều chỉnh số trái trên cây phù hợp điều kiện thời tiết thực tế, tránh để trái quá nhiều trong điều kiện thiếu nước ngọt sẽ làm cây kiệt sức, dễ chết sau hạn mặn.

 

Khi kết thúc thời kỳ hạn - mặn: Cần bón phân có nhiều lân, acid humic như phân hữu cơ các loại, Super Humic, DAP hoặc super lân, vôi dolomite để giảm thiểu độc chất do phèn, mặn, kích thích cây ra rễ mới phục hồi sinh trưởng. Sau khi cây ra tược non được khoảng 3 - 4 tuần và có mưa đầu mùa ổn định thì tiến hành chăm sóc bón phân bình thường trở lại.

 

+ Đối với cây dừa:

Trước khi mặn xâm nhập: Chủ động tích ngọt trong hệ thống mương chứa, tích cực phủ gốc giữ ẩm và tưới đủ ẩm. Ngoài lượng phân bón theo quy trình cần bổ sung thêm lân nung chảy, phân hữu cơ hoai với Trichoder-ma sp. Để hạn chế xâm nhập mặn vào đất và tăng tính đệm cho đất: đối với dừa giai đoạn kiến thiết cơ bản bón 0,5kg lân/cây + 5kg phân hữu cơ/cây; đối với dừa giai đoạn kinh doanh bón 1kg lân/cây + 5-10kg phân hữu cơ/cây, rải quanh gốc kết hợp với bồi bùn.

 

Khi hạn mặn xảy ra: Củng cố hệ thống phủ liếp giữ ẩm, tưới nước ngọt đã dự trữ cho cây với hệ thống tưới tiết kiệm nước, khoảng cách giữa 2 lần tưới khoảng 5-7 ngày, nếu nước dự trữ còn nhiều cần kết hợp bón phân thúc theo lịch dự kiến đến khi hết nguồn nước ngọt tưới thì ngưng bón phân. Bổ sung thêm phân bón qua lá như KNO3, Ca(NO3)2,…

 

Khi kết thúc thời kỳ hạn mặn: Nhanh chóng khai thông nước trong mương vườn nhằm rửa phèn, xới xáo mặt liếp để tạo sự thông thoáng cho rễ. Bón phân theo trình tự các loại phân và liều lượng như sau:

 

- Bón vôi, liều lượng 500-1.000 kg/ha, kết hợp tưới nước 2-3 lần tuần.

 

- Bón phân lân (nung chảy) sau khi bón vôi 10 ngày, liều lượng: 1kg/cây (dừa giai đoạn kiến thiết cơ bản), 1-2kg/cây (cây dừa giai đoạn kinh doanh).

 

- Bón phân hữu cơ vi sinh hoặc phân hữu cơ ủ hoại có bổ sung vi sinh vật, liều lượng 3-5kg/cây, tủ lá dừa để giữ ẩm.

 

- Sau khi bón phân lân 15-20 ngày bón tiếp phân urea và kali, liều lượng: 50-100g Urea/cây + 40-80g Kali/cây (giai đoạn kiến thiết cơ), 100-150g Urea/cây + 100g Kali/cây (dừa giai đoạn kinh doanh). Tưới nước đủ ẩm cho tan hết phân.

 

- Sau đó 30 ngày, có thể áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác cho dừa với lượng phân bón trung bình 1,5kg Urea+ 2kg lân+ 1kg kali)/cây/năm chia làm 4-6 lần bón/năm. Bổ sung thêm bột Borax với liều lượng 10-20gram/cây/năm hoặc Bo dạng phân bón qua lá.

 

- Khuyến cáo đối với chăn nuôi: heo, gà  

+ Chủ động trữ nước ngọt để phục vụ cho chăn nuôi. Người chăn nuôi cần giảm mật độ nuôi so với mật độ khuyến cáo. Tăng cường làm mát chuồng nuôi. Tăng cường bổ sung thêm rau xanh trong khẩu phần thức ăn. Cung cấp đầy đủ nước sạch và mát, bổ sung vào nước uống các loại vitamin C, B.Complex, chất điện giải nhằm nâng cao sức đề kháng, giải nhiệt cho gia súc, gia cầm.

 

+ Tránh cho gia súc, gia cầm uống nước nhiễm mặn có nồng độ vượt mức cho phép (độ mặn ≥ 4‰ đối với heo, độ mặn ≥ 2‰ đối với gà). Trong trường hợp nước ngọt không đủ dùng cho vật nuôi uống thì người nuôi có thể pha nước ngọt lẫn mặn dưới mức cho phép để gia súc, gia cầm sử dụng.

 

+ Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi, nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu khác thường để có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời. Định kỳ sát trùng chuồng trại 7 ngày/lần. Chủ động tiêm phòng vacxin đầy đủ các bệnh bắt buộc cho vật nuôi theo quy trình vacxin của thú y tại địa phương.

 

Ngoài ra, để công tác phòng chống hạn mặn trên cây trồng, vật nuôi được hiệu quả người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình xâm nhập mặn của địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt thông tin từ đài phát thanh tại các xã để có biện pháp ứng phó kịp thời.

 

Qua các biện pháp thông tin, tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật ý thức của người dân đã dần thay đổi, không còn chủ quan, bị động trong công tác phòng chống hạn mặn như trước đây, kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống hạn mặn trên cây trồng, vật nuôi của người dân ngày càng được nâng lên.

 

Người dân áp dụng biện pháp tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng.


Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông và TVDVNN khu vực Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn huyện Mỏ Cày Nam thực hiện tốt Kế hoạch số 2940/KH-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân huyện, kế hoạch Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh, kế hoạch Khuyến nông năm 2023 của Tổ Tư vấn và Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp huyện, góp phần phát huy vai trò của khuyến nông trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi