Giồng Trôm nhân rộng chuỗi giá trị dừa đến năm 2025

Thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, thời gian qua, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre quan tâm xây dựng theo hướng phát triển ổn định, bền vững đối với 3 sản phẩm: dừa, bưởi và heo. Trong đó, chuỗi giá trị dừa cơ bản hoàn thiện nhất, đã từng bước hình thành liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi: nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhà khoa học, Ngân hàng… Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại từ liên kết theo chuỗi giá trị, việc thực hiện chuỗi giá trị còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội, môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm dừa thông qua quy trình sản xuất dừa đạt chuẩn hữu cơ, nâng cao năng lực sản xuất của người nông dân, bảo vệ tài nguyên đất, nước, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nông thôn...

 

Nguồn nguyên liệu dừa tươi được vận chuyển về HTX.

 

Chuỗi giá trị dừa trên địa bàn huyện được hình thành từ năm 2013, xã Châu Bình là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện tham gia thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm dừa cho người dân. Đến nay, tổng diện tích dừa liên kết (dừa công nghiệp) là 5.874,9 ha trên địa bàn 16 xã, trong đó diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 4.437,43 ha, diện tích còn lại 1.437 ha đang trong quá trình chuyển đổi, chứng nhận. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã phát triển thêm 3.187 ha dừa hữu cơ; dừa uống nước liên kết là 20 ha tại xã Phong Nẫm, Châu Hòa, Châu Bình…

 

Thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung theo Kế hoạch số 2533/KH-SNN ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng thí điểm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị năm 2021-2023. Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã triển khai chứng nhận hữu cơ và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Châu Bình với diện tích 799 ha, trong đó, diện tích chứng nhận là 692 ha, diện tích còn lại đang trong quá trình chuyển đổi. Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre đã triển khai chứng nhận hữu cơ và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phước Long với diện tích 349 ha/429 hộ, đến nay đã tổ chức thu mua 180 ha/349 ha.

 

Bên cạnh đó, việc thực hiện chuỗi giá trị dừa trên địa bàn huyện có Hợp tác xã (HTX) HTX dịch vụ nông nghiệp Công bằng Hưng Lễ thực hiện Thương mại công bằng (Fair Trade) đối với sản phẩm dừa công nghiệp đạt chuẩn hữu cơ với diện tích 436,42 ha, hoạt động tương đối hiệu quả. Ngoài các lợi ích mà thành viên HTX được hưởng lợi hàng năm, các thành viên HTX có vườn dừa đạt tiêu chuẩn Fair Trade được thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 5-10%.

 

Hiện nay, các công ty liên kết tham gia chuỗi giá trị thu mua dừa của người dân thông qua hợp tác xã, đại lý thu gom địa phương với giá thu mua của từng công ty khác nhau, trung bình cao hơn từ 5-20% so giá thi trường, tùy vào chính sách công ty và tùy thời điểm. 

 

Huyện có 07 hợp tác xã đã thực hiện liên kết cung ứng vật tư đầu vào, thu mua đạt hiệu quả như: HTX dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa, HTX NN Châu Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Công bằng Hưng Lễ, HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phú Đông liên kết Công ty Betrimex thu mua dừa hữu cơ; HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Điền, HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Phú liên kết công ty Phượng Thiên Phát, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hào liên kết với công ty Dừa Nguyễn Hào. Các HTX đang thực hiện phương án liên kết với Doanh nghiệp theo chuỗi như HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Hòa, HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Hòa, HTX dịch vụ nông nghiệp Long Mỹ…

 

Trong thời gian tới, để nhân rộng chuỗi giá trị dừa, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng vùng sản xuất tập trung và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện, Kế hoạch thực hiện Đề án nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đến đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin..một cách thường xuyên, liên tục để góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất hữu cơ và tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong lúc tình hình giá dừa chưa ổn định và yêu cầu về an toàn thực phẩm của thị trường tiêu thụ ngày càng cao.

 

Theo dõi, nắm thông tin từ người dân, doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết, tổ chức kết nối các liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân và doanh nghiệp. Quan tâm hỗ trợ các HTX củng cố tình hình hoạt động, triển khai đầy đủ các chính sách về kinh tế hợp tác/HTX... để hợp tác xã tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động, đủ điều kiện liên kết với các công ty/doanh nghiệp thu mua sản phẩm dừa cho bà con nông dân trên địa bàn xã cũng như thành viên của HTX, các Tổ hợp tác... Triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 

Chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của nông dân theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ trên các sản phẩm như dừa uống nước, dừa công nghiệp,... nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và doanh nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất trên cùng một diện tích canh tác.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi