Nông dân Thạnh Phú tích cực phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, công tác Hội và Phong trào nông dân (ND) trên địa bàn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã có những bước phát triển mới. Các cấp Hội trong huyện đã khẳng định rõ nét vai trò định hướng, dẫn dắt và tổ chức phong trào hành động cách mạng.

 

Cán bộ, hội viên ND trong huyện luôn phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tranh thủ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đoàn kết thi đua thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân (HND) tỉnh Bến Tre lần thứ IX đề ra.

 

Là một trong 03 huyện ven biển của tỉnh, Thạnh Phú có diện tích tự nhiên trên 42.000 ha, dân số hơn 146.000 người với gần 37.000 hộ, trong đó có trên 25.000 hộ làm nông nghiệp, chiếm gần 70%. Kinh tế huyện nhà đang chuyển đổi khá mạnh mẽ về cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả, năng suất cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện. Các hình thức sản xuất theo hướng kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể được quan tâm; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ ND được triển khai phù hợp với từng thời điểm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

 

Toàn huyện hiện có 18.160 hội viên ND, 105 chi hội ấp, khu phố, 425 tổ hội. Hội viên, ND tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, tham gia tốt các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, nhất là  xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của người ND từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ gần 1.990 hộ nghèo ở nhiệm kỳ trước giảm còn 556 hộ.

 

Trồng rau màu ở xã Bình Thạnh.

 

HND ngày càng nâng cao vai trò trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp. Đã tập trung tuyên truyền, vận động ND chuyển đổi sản xuất, sắp xếp lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng chuyên canh, với quy mô sản xuất tại gia đình, thích ứng với điều kiện tự nhiên ở mỗi địa phương. Việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như: Dừa, xoài, lúa, tôm, bò, gia cầm,…được quan tâm triển khai.

 

Đặc biệt, Hội đã vận động hội viên, ND hưởng ứng thực hiện tốt kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 theo Đề án phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; nhờ vậy diện tích nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện hiện đạt khoảng 1.100 ha. Hình thành 05 vùng nuôi tập trung thuộc 9 xã tiểu vùng 2 và 3 gồm: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Điền, Mỹ An, An Thạnh. Nhiều hộ dân đã thành công với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đem lại thu nhập khá cao.

 

HND huyện và cơ sở còn nổ lực tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Việc xây dựng tổ liên kết sản xuất và tổ hợp tác, hợp tác xã được quan tâm thực hiện, trong nhiệm kỳ đã thành lập 17 Hợp tác xã với 2.210 thành viên và 150 tổ hợp tác với hơn 4.000 thành viên. Đặc biệt là phối hợp vận động thành lập Câu lạc bộ ND tỷ phú, Liên hiệp Hợp tác xã dừa hữu cơ Thạnh Phú.

 

Các cấp HND đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, ND những công trình, phần việc ND tham gia thực hiện. Nhiệm kỳ qua, Hội chủ động đăng ký cấp ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện từ 01- 02 tiêu chí cụ thể trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Riêng huyện Hội đăng ký với Huyện ủy vận động xã điểm của huyện từ 02 - 03 tiêu chí. Qua vận động, nhận thức của hội viên ND về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã nâng lên rõ nét, cán bộ hội viên ND đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới ở địa phương.

 

Hội viên, ND đã tích cực hiến đất, hoa màu, đóng góp ngày công trong thực hiện các công trình xây dựng cầu giao thông nông thôn, lộ bê tông, kết quả có 12.000 m2 đất được hiến nhằm phục cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện; đồng thời hội viên, ND còn tham gia làm mới, sửa chữa 270 km đường giao thông; vận động xây mới 2.430 hố xí hợp vệ sinh; 07 căn nhà nghĩa tình ND.

 

Để kịp thời hỗ trợ ND tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và chăn nuôi, 5 năm qua các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức 350 lớp tập huấn cho 21.700 hội viên, ND kỹ thuật nuôi bò, dê, trồng lúa, nuôi gà, dừa, bó chổi, nuôi tôm, cá.

 

Xác định việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh có vai trò quan trọng trong lãnh đạo ND thực hiện thắng lợi các phong trào; nhiệm kỳ qua, Hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức với gần 2.200 cuộc cho hơn 75.000 lượt cán bộ, hội viên. Bên cạnh, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, thu hút, đoàn kết lực lượng ND trong huyện. 5 năm qua, đã phát triển mới trên 5.100 hội viên, đạt gần 130% so nghị quyết, nâng tổng số toàn huyện có hơn 18.100 hội viên.

 

Đã mở 05 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội. Song song với việc tăng cường cán bộ hỗ trợ cơ sở, huyện Hội còn quan tâm nhiều hơn đến cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội. Kết quả đánh giá, xếp loại hàng năm có trên 87% chi hội đạt mạnh, không có chi hội yếu kém; tổ hội có 78% đạt mạnh, 22% tổ hội khá, không có tổ hội trung bình.

 

Với gần 70% số hộ nông nghiệp, HND các cấp trong huyện đặc biệt chú trọng đến việc định hình, hướng dẫn, hỗ trợ ND mạnh dạng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sạch gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện.

 

Các cấp Hội tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao: mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và các mô hình dịch vụ khác. Nổi bật nhất là Phong trào “ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã đi vào chiều sâu, chất lượng ngày càng nâng lên, thu hút được nhiều hội viên, ND thi đua phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Thông qua phong trào, toàn huyện có gần 44.000 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm trên 53% tổng số hộ đăng ký.

 

Công tác giảm nghèo luôn được các cấp Hội quan tâm, hàng năm Hội chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo có chọn xã điểm, xã diện để triển khai thực hiện. Với nhiều hình thức khác nhau như: hỗ trợ vốn, cây con giống, nhà ở…HND từ huyện đến cơ sở đã hỗ trợ, giúp đỡ gần 1.500 hộ là hội viên ND thoát nghèo. Hội các cấp quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, ND nghèo về vốn sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp hội viên, ND nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

 

Mô hình nuôi bò sữa tại xã Mỹ Hưng do HND huyện phối hợp với các ngành huyện liên quan và Ban Quản lý dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh triển khai vào tháng 7.2020, tổng kinh phí con giống để thực hiện dự án là 1,5 tỷ đồng, trong đó Dự án cho mượn hơn 1,3 tỷ đồng, còn lại các hộ dân đối ứng. Ngoài ra Dự án còn cho mượn vốn để hộ dân xây chuồng trại, máy băm cỏ, máy vắt sữa,… hiện nay đã thành lập Tổ hợp tác gần 10 thành viên, với gần 150 con bò sữa, bò cho sữa khoảng 50 con, bước đầu mô hình cho thấy tính hiệu quả.

 

Mô hình nuôi bò sữa ở xã Mỹ Hưng. 

 

Đến nay, có 100% cơ sở Hội tổ chức các dịch vụ cung ứng vốn cho ND thông qua ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng nguồn vốn đến nay gần 170 tỷ đồng. Phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập hơn 90 Tổ vay vốn trên địa bàn 18 xã, thị trấn, tổng dư nợ là 520 tỷ đồng, có gần 3.800 hộ vay. Đối với nguồn Quỹ hỗ trợ ND đến nay toàn huyện quản lý số tiền gần 02 tỷ đồng với hơn 760 thành viên vay.

 

Nhìn chung, công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn đảm bảo tính hiệu quả, các hộ vay chủ yếu dùng vào mục đích chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần rất lớn trong việc cải thiện, nâng cao đời sống của người ND.

 

Ngoài ra, huyện Hội còn làm tốt việc vận động hội viên, ND tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hàng năm, các cấp Hội đã vận động con, em cán bộ, hội viên ND tham gia xây dựng quân đội, đạt 100% chỉ tiêu. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, thường xuyên tổ chức thăm hỏi gia đình có con em tại ngũ và tặng quà cho các tân binh, với số tiền 80 triệu đồng.

 

Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các cấp Hội phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền vận động hội viên, ND đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hoá, ấp văn hóa, xã văn hoá nông thôn mới.

 

Có thể khẳng định, 5 năm qua, Phong trào nông dân được giữ vững và tiếp tục phát triển, ND đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành quả chung của huyện nhà, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

 

Nội dung và phương thức hoạt động từng bước đổi mới, chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành Hội từ huyện đến cơ sở có sự chuyển biến mạnh mẽ. HND huyện được Ban Thường vụ HND tỉnh công nhận đơn vị vững mạnh, đặc biệt trong 02 năm 2021 - 2022, được xếp là đơn vị dẫn đầu. Chủ tịch HND huyện Phan Văn Bình cho biết: “Cùng với những kết quả đạt được, có thể nhận thấy phong trào ND của huyện còn một số mặt hạn chế: phong trào ND phát triển chưa đều giữa các địa phương; chất lượng và hiệu quả ba phong trào lớn của Hội một số nơi còn thấp. Việc phát huy vai trò trách nhiệm của HND trong xây dựng giai cấp ND Việt Nam tuy đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thật sự đồng đều giữa các địa phương. Sản xuất nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm.

 

Do vậy, ngoài việc khắc phục những hạn chế của nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ mới chúng tôi sẽ tập trung xây dựng Hội vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực sự là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó tích cực đổi mới phương thức hoạt động cũng như nội dung tuyên truyền, vận động.

 

Tập trung thực hiện tốt 3 Phong trào thi đua của Hội nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất”.

 

Đồng thời, tham gia có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương vững mạnh và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, ND. Bên cạnh, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa. Trong đó, phải định hướng, hỗ trợ cho ND tập trung nâng cao chất lượng và phát huy cho được cây, con thế mạnh đã được xác định là: cây lúa, dừa, xoài, con bò, tôm và gia cầm,….

 

Với tinh thần “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát triển”, cùng nhiều giải pháp đề ra, tin rằng trong 5 năm của nhiệm kỳ 2023 - 2028, hoạt động Hội và Phong trào ND trên địa bàn huyện Thạnh Phú sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ huyện,….

 


Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển du lịch địa phương
• Bến Tre: Những thành tựu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chào mừng Đại hội đại biểu tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2025-2030
• Một số giải pháp nuôi rắn ri voi
• Giải pháp nâng cao giá trị nghêu thương phẩm Bến Tre
• Công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
• Công nghệ y tế
• Thạnh Phú có hơn 1.300 ha nuôi tôm công nghệ cao
• Công nghệ giáo dục-Edtech
• Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh