Giải pháp trừ rong rêu trên đường giao thông nông thôn bằng thuốc trừ cỏ Glufosinate ammonium

Bến Tre là một trong những tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng và phát triển đường giao thông nông thôn sớm nhất, cũng vì vậy mà chất lượng của những con đường bê tông hiện nay đã xuống cấp. Hiện nay trong mùa mưa đa số các con đường bê tông nông thôn dưới tán dừa hoặc cây lâu năm ở Bến Tre đều bị rong rêu phát triển gây trơn trợt cho người đi bộ và phương tiện xe 2 bánh lưu thông, tiềm ẩn rủi ro về tai nạn do té, ngã.

 

Để trừ rong rêu trước đây người dân thường dùng Chlorine pha loãng để phun hoặc dùng vôi sống (CaO) để rắc vào các mảng rong rêu bám trên đường. Biện pháp này đạt hiệu quả khá cao trong thời gian ít mưa hoặc đường khô ráo, nhưng tác dụng thấp khi đường thường xuyên bị ẩm ướt do mưa hoặc ngập nước do triều cường.

 

Rong rêu thuộc nhóm thực vật bậc thấp, chúng phát triển mạnh ở những nơi ẩm thấp có ánh sáng tán xạ vừa phải. Do cũng là nhóm thực vật nên rong rêu cũng bị tác động của thuốc trừ cỏ không chọn lọc.

 

 

Vì vậy, chúng tôi đã thử nghiệm dùng thuốc trừ cỏ không chọn lọc chứa hoạt chất Glufosinate ammonium pha loãng theo tỉ lệ trừ cỏ thông thường ghi trên nhãn bao bì để phun ướt các mảng bám rong rêu trên đường trong giai đoạn mưa nhiều. Kết quả cho thấy tác dụng trừ rong rêu mạnh, lâu tái phát. Sau khi phun một tuần các mảng rong rêu đã tàn lụi, bong tróc khỏi nền đường. Lúc này, cần dùng chổi dừa quét rong rêu khỏi nền đường giúp cho nền đường mau khô, sạch vì nếu không quét rong rêu bị phân hủy sẽ làm đường bị trơn, bẩn. Đến 4 tuần sau khi phun thuốc, rong rêu đã khô biến thành màu nâu đen, các bào tử rêu vẫn chưa thấy mọc trở lại.

 

Muốn dùng thuốc đạt hiệu quả cao, an toàn cho người dùng, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

 

- Pha thuốc với nước trong, sạch, lắc đều để thuốc hòa tan đều trong dung dịch phun.

 

- Quét sạch lá cây, cỏ, rác, nước đọng trên nền đường trước khi phun thuốc để rong rêu tiếp xúc đầy đủ với thuốc khi phun.

 

- Chọn thời điểm phun thuốc lúc trời ít gió, có thời gian không mưa hoặc nước ngập tối thiểu khoảng một giờ để thuốc có thời gian ngấm vào rong rêu.

 

- Cần chọn đúng thuốc có hoạt chất Glufosinate ammonium để mua như: Glusina 20 SL, Sunfosinat 200SL, Shina 18SL, Fasfit 150SL, Nimasinat 150SL,…

 

- Thuốc ít độc qua da nhưng có thể có triệu chứng nặng nếu hít hoặc nuốt phải. Vì vậy, khi phun thuốc cần trang bị bảo hộ đầy đủ găng tay cao su, khẩu trang, mắt kính, quần áo dài tay, ủng chân để thuốc không tiếp xúc với cơ thể qua tiếp xúc, hô hấp hoặc nuốt phải.

 

Với một số thông tin trên, hy vọng có thể giúp cư dân nông thôn có thể ứng dụng cho việc làm sạch đường trong mùa mưa, góp phần cho việc đi lại an toàn trên các cung đường xanh, sạch, đẹp của xứ dừa Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi