Các giải pháp phòng chống hạn mặn, mùa khô năm 2023-2024 của ngành thủy sản

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016, mặn bắt đầu xâm nhập trên các sông chính từ nửa cuối tháng 11 năm 2023. Để ứng phó kịp thời với hạn hán, xâm nhập mặn gây ra nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trong mùa khô năm 2023-2024. Chi cục Thủy sản đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện phối hợp các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các đơn vị nghiệp vụ liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:

 

Nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

 

Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập trên địa bàn.

 

Chủ động theo dõi thời tiết, thủy văn; cập nhật thông tin diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn; cập nhật kết quả quan trắc môi trường để kịp thời phổ biến, tuyên truyền đến người dân biết, chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp.

 

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi trồng thủy sản; bám sát dự báo xâm nhập mặn, điều chỉnh thời gian thả giống và mật độ nuôi cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện, tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương, khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi không đảm bảo điều kiện sản xuất.

 

Nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, thoát nước, khoanh vùng khả năng thiếu nước, chuẩn bị vật tư, nhiên liệu bơm, trữ nước ngọt bổ sung cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra, nâng cấp hệ thống cống điều tiết nước và có chế độ điều tiết nước chủ động ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đặc biệt là vùng nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa, hạn chế tối đa nhiễm mặn cục bộ.


Áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi ít thay nước; chăm sóc và quản lý chặt chẽ môi trường nuôi, quản lý thức ăn và tăng cường sử dụng vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên, giảm chi phí sản xuất.

 

Các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn một số giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để người nuôi áp dụng thực hiện. Cụ thể như sau:

 

Chủ động thu hoạch thủy sản đạt kích cở thương phẩm trước khi xâm nhập mặn tăng cao.

 

Đối với nuôi tôm nước lợ: Tăng cường công tác quan trắc môi trường, cập nhật thông tin hạn hán, xâm nhập mặn để có giải pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp.

 

- Gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả giống và trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững, hạn chế mất nước và thay nước khi không cần thật cần thiết; Phổ biến, hướng dẫn lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; thực hiện ương (gièo) giống trước khi thả nuôi thương phẩm; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát); thả nuôi với mật độ hợp lý tùy theo từng hình thức nuôi.

 

- Đối với nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh: duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3-1,5m; nếu cần cấp bổ sung nước thì phải lấy nước từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và không để thiếu oxy cục bộ. Duy trì các yếu tố môi trường hợp lý (độ mặn: 10-25%o; O2: >3mg/l; pH: 7,5-8,5; Độ kiềm: 80-150mg/l). Cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; định kỳ 10-15 ngày/lần bổ sung vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 05-07 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ, từ 05-07ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Đối với nuôi nghêu, sò nuôi trong bãi triều:

 

- Tăng cường công tác quan trắc môi trường, cập nhật thông tin để có giải pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp. Chỉ thả nuôi trong vùng có điều kiện môi trường thích hợp cho sinh trưởng và phát triển như: gần cửa sông, bằng phẳng, độ dốc thấp; thời gian phơi bãi không quá 4-5 giờ/ngày; độ mặn thích hợp từ 15-25%o. Thời gian từ tháng 01-3 âm lịch không nên thả giống nuôi. Không nên thả giống mật độ quá dày. Mật độ thả phù hợp từ 180-200 con/m2; cỡ giống nuôi 400-600con/kg. Theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn...), theo từng vùng, từng khu vực nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường để có giải pháp phù hợp như: san thưa (chỉ san thưa khi cần thiết, thực hiện khi thủy triều xuống và hoàn thành trước khi phơi bãi) không thực hiện lúc bãi khô hoặc nhiệt độ cao, di dời đến vùng an toàn hoặc thu hoạch khi đạt kích cở thương phẩm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Có biện pháp khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, gây nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa làm nghêu, sò chết.

 

Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi lồng/bè:


- Tăng cường công tác quan trắc môi trường, cập nhật thông tin để có giải pháp và kế hoạch sản xuất; Chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, đồng thời có kế hoạch thả giống phù hợp, không nên thả giống vào thời điểm khô hạn và bị xâm nhập mặn tăng cao; Theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt là quản lý thức ăn, trong khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các Vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng; tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, đáy ao nuôi, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên.

 

- Đối với cá tra nuôi khi độ mặn tăng >8%o và duy duy trì lâu hơn 07 ngày thì hạn chế cho ăn, có kế hoạch tiến hành di dời cá nuôi chưa đạt kích cở thu hoạch đến vùng nuôi an toàn.

 

- Đối với cá lồng bè khi độ mặn tăng cao >5%o và kéo dài 5-7 ngày thì di dời đến nơi có môi trường phù hợp và an toàn cho cá nuôi.

 

- Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm, không chờ giá trước khi xâm nhập mặn tăng cao để hạn chế thiệt hại.

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi