Chi cục Thủy sản Bến Tre khuyến cáo người nuôi tôm nước lợ

Căn cứ khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ nuôi năm 2023 theo Công văn số 4787/SNN-CCTS ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến nay thời gian thuận lợi để thả giống tôm nước lợ để nuôi đã qua.

 

Đồng thời theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia từ nay đến hết năm 2023 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

 

Khuyến cáo người dân chọn thời điểm thích hợp để thả giống.

 

Theo kết quả quan trắc môi trường, dịch bệnh do Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre thực hiện từ đầu năm đến nay thì mẫu giáp xác ngoài kênh rạch tự nhiên qua phân tích có tỷ lệ nhiễm bệnh nguy hiểm luôn ở mức rất cao trên địa bàn 03 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, đặc biệt là bệnh đốm trắng. Qua tìm hiểu thông tin tại các xã nuôi tôm nước lợ tập trung trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều ao nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do bệnh đốm trắng gây ra. Nhằm chủ động phòng ngừa và hạn chế thiệt hại do bệnh đối với tôm nước lợ đang nuôi từ nay đến cuối năm 2023 và các tháng đầu năm 2024. Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm nước lợ thực hiện một số nội dung như sau:

 

Đối với hình thức nuôi tôm rừng, tôm quảng canh và tôm sú sen lúa giai đoạn này tạm ngưng thả giống, cần tập trung công tác cải tạo, gia cố bờ ao nuôi chờ nước mặn lên lấy vào ao nuôi qua túi lọc (Độ mặn > 5‰). Khi thời tiết ổn định, bệnh đốm trắng giảm thấp tiến hành diệt tạp, chọn tôm giống đảm bảo chất lượng, không nhiễm bệnh nguy hiểm để thả nuôi.

 

Đối với hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh: Với các ao nuôi đã thu hoạch của những vùng không đảm bảo điều kiện thì tạm ngưng thả giống tôm nước lợ để nuôi (bệnh nguy hiểm liên tục xảy ra, độ mặn < 5‰), thời gian này tập trung công tác cải tạo, tu sửa bờ và đáy ao chuẩn bị thật kỹ cho vụ nuôi đầu năm 2024. Hoặc cải tạo xong nuôi các đối tượng thủy sản khác (cá phi, cá trê, cá nâu, cá đối...) để cải tạo ao và tăng thu nhập; Với các ao đang nuôi hạn chế việc thay nước, chỉ cấp nước khi thật cần thiết; nước trước khi cấp cho ao nuôi phải được xử lý bằng Chlorine với liều lượng 30ppm (30kg/1.000m3 nước). Thời gian từ nay đến cuối năm 2023, các tháng đầu năm 2024 do tác động của gió mùa Đông Bắc mang không khí lạnh làm nhiệt độ nước ao nuôi giảm. Các ao đang nuôi duy trì độ sâu nước tối thiểu 1.5m, tăng cường quạt nước tránh phân tầng và định kỳ sử dụng vôi đá xay (CaO) xử lý 15-20 kg/1.000m2 lúc gần sáng nhằm ổn định môi trường nước. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, khi phát hiện dấu hiệu bất thường như: mang, gan tụy và đường ruột của tôm chủ động giảm lượng thức ăn và trộn thuốc hỗ trợ, phòng bệnh vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Đối với hình thức nuôi tôm công nghệ cao nếu cơ sở vật chất đảm bảo đủ các điều kiện, quản lý tốt môi trường thì có thể thả nuôi quanh năm.

 

Tuy nhiên Chi cục Thủy sản cũng lưu ý thêm người nuôi tôm nước lợ cần quan tâm, theo dõi chặt chẽ, diễn biến thời tiết và kết quả quan trắc môi trường khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do Chi cục Thuỷ sản thực hiện định kỳ; theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý tốt khi dịch bệnh xảy ra, tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý. Thường xuyên truy cập vào trang Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi thông tin về kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh theo địa chỉ: (www.snnptnt.bentre.gov.vn).

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi