Phòng trừ một số sâu bệnh hại củ hành tím dịp Tết

Hành tím là loại rau gia vị cần thiết trong chế biến các món ăn hàng ngày và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, hành tím được sử dụng làm dưa hành là món ăn không thể thiếu, được ăn kèm với thịt nguội, thịt kho. Hành tím được trồng chuyên canh ở vùng rau huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre, là loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Trên cây hành tím có nhiều loại sâu bệnh tấn công, trong đó phổ biến là bệnh thối củ và sâu xanh da láng.

Bệnh thối củ có hai loại: Bệnh do nấm Botrytis gây ra. Nấm bệnh gây hại trên lá hành ngoài đồng và trên củ giai đoạn tồn trữ. Triệu chứng trên lá là những đốm màu trắng hình bầu dục, làm lá hành gãy gục. Trong giai đoạn tồn trữ, nấm bệnh tấn công trên củ làm củ bị thối khô, đôi khi chỉ còn lớp vỏ bên ngoài. Trường hợp thối củ ngoài đồng trong lúc trồng là do vi khuần Pseudomonas spp. Triệu chứng thối củ xuất phát từ cổ rễ lan lên, thối cả cổ củ và cuống lá. Vết bệnh lúc đầu hình tròn nhỏ, màu nâu tối, mềm ướt. Về sau vết bệnh phát triển rộng ra, đôi khi lan ra thối cả củ. Bên trong chổ củ bị bệnh thịt củ thối chảy nước, có mùi hôi, chỉ còn lớp vỏ mỏng nhăn nheo. Nếu đưa vết thối vào kính hiển vi sẽ thấy rất nhiều vi khuẩn tuôn ra khỏi phần củ và cuống lá bị bệnh.

Biện pháp phòng trừ: Đây là bệnh rất khó trị cần phải áp dụng biện pháp tổng hợp mới đạt hiệu quả cao.

- Không lấy hành giống từ những ruộng hành bị bệnh.

- Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây hành bị bệnh.

- Bón nhiều phân chuồng hoai mục trước khi trồng.

- Rãi vôi lên ruộng hành (cẩn thận đừng để vôi bám lên lá, cuống lá hành).

- Chỉ thu hoạch hành khi cổ của củ hành đã chín.

- Sau khi thu hoạch cần phơi cho khô cuống củ trước khi bó lại và mang tồn trữ. Bảo quản củ trong điều kiện khô mát và thoáng gió. Thường xuyên kiểm tra loại bỏ những củ bị thối.

- Khi ruộng hành bị bệnh không nên tưới hành lúc sáng sớm hoặc chiều tối (tuyệt đối tránh cho lá hành bị ướt nước vào buổi tối).

- Cần phun thuốc sớm ngay khi bệnh mới chớm, không nên để bệnh phát triển sẽ rất khó trị. Phòng trừ bệnh thối củ do nấm, sử dụng thuốc hoá học như: Arygreen 500SC, Amistar Top 325SC,… nếu bệnh thối củ do vi khuẩn, sử dụng một số thuốc như: Starner 20WP, Kasumin 2L,…

Ngoài bệnh thối củ, sâu xanh da láng là loại sâu hại rất phổ biến trên hành. Trưởng thành sâu xanh da láng là loài bướm có kích thước trung bình, thân dài 17-20mm, màu nâu xám nhạt. Trên cánh trước có những đường vân và đốm màu xám nhạt. Bướm đẻ trứng thành từng ổ bên ngoài cọng hành, trên ổ trứng có phủ một lớp lông màu vàng nhạt. Sâu non màu xanh lá cây, có nhiều sọc màu tráng trên lưng và hai sọc lớn có màu sậm chạy dọc hai bên sườn, phần bụng màu vàng, sâu đẫy sức dài khoảng 30-35mm. Sâu non mới nở sống tập trung quanh ổ trứng, gặm lá hành thành những lổ nhỏ li ti. Sâu tuổi 2-3 chui vào bên trong cọng hành, ăn phần mềm bên trong, chỉ chừa lại lớp màng mỏng trắng bên ngoài hoặc ăn cụt đầu lá. Cọng hành bị sâu tấn công sẽ khô héo và chết. Sâu non đẫy sức hóa nhộng trong đất. Phun thuốc khi sâu non còn nhỏ sống bên ngoài lá hành sẽ dễ chết. Khi sâu đã chui vào bên trong rất khó trị. Sử dụng một số thuốc sinh học có hiệu quả tốt như: chế phẩm NPV, Dipel 3.2WP, Proclaim 1.9EC. Sâu xanh da láng rất kháng thuốc vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên.

Chú ý:  Phun thuốc vào buổi chiều mát hoặc sẫm tối vì lúc này sâu bò ra ngoài cọng hành và di chuyển. Khi phun thuốc trừ sâu xanh da láng nên pha thêm chất bám dính sẽ tăng hiệu quả diệt sâu.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi