Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa và luân canh tôm sú sinh thái tại tỉnh Bến Tre

Nhằm đưa nhanh kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án đã được Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) nghiệm thu vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất. Trang Thông tin điện tử-Sở KH&CN xin giới thiệu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa và luân canh tôm sú sinh thái tại tỉnh Bến Tre, do Trung tâm Khuyến nông Bến Tre thực hiện, đã được Hội đồng KH&CN đánh giá nghiệm thu ngày 01 tháng 11 năm 2020 để bạn đọc tham khảo:

 

PHẦN THỨ NHẤT: 

QUY TRÌNH NUÔI TÔM CÀNG XANH TOÀN ĐỰC XEN LÚA TẠI BẾN TRE

Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa.

Đất canh tác bị nhiễm mặn theo mùa, bắt đầu từ cuối tháng 12 đến tháng 6 năm sau, với độ mặn biến động từ 2-15 ‰. Tùy thuộc vào lượng mưa hàng năm mà thời gian nhiễm mặn và độ mặn sẽ khác nhau ở từng vùng. Nước ngọt phù hợp để lúa phát triển trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 8 đến tháng 12. Tầng canh tác tích lũy nhiều chất hữu cơ chưa phân hủy sau mỗi đợt nuôi tôm (do thức ăn dư, rong rêu và xác bã thực vật khác...). Các chất này khi khoáng hóa sẽ là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho lúa, nhất là giai đoạn 20 ngày đầu sau sạ. Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác). Sản xuất lúa có giá thành thấp (do giảm được các khoảng chi phí: không cần cày xới, giảm lượng phân bón và hạn chế đến không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...). Kết hợp trồng lúa với nuôi tôm càng xanh trong ruộng để tăng thêm thu nhập, đây là mô hình sản xuất bền vững ở vùng nuôi tôm.

I. Đặc điểm sinh học của tôm càng xanh

Tôm càng xanh phân bố ở các nước Đông Nam Á, Bắc Châu Úc và một số đảo ở phía tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, tôm càng xanh phân bố ở các tỉnh phía Nam, nhiều nhất ở các tỉnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long.

1. Chu kỳ sống

Chia làm 4 giai đoạn chính: Trứng (Tính từ khi đẻ đến khi nở, thời gian này khoảng 3 tuần), ấu trùng, tôm bột, tôm trưởng thành.

- Giai đoạn trứng: Tôm cái thành thục có khối noãn hoàng màu da cam bên trong giáp đầu ngực. Lượng trứng đẻ phụ thuộc vào trọng lượng tôm mẹ, trung bình có 900-1.000 trứng/gram tôm mẹ. Ở điều kiện nhiệt độ 28-30oC thời gian ấp trứng kéo dài từ 17-21 ngày. Đầu tiên trứng có màu da cam, sau đó chuyển sang màu xám rồi màu xám đậm trước khi nở.

- Giai đoạn ấu trùng: Trứng nở ra ấu trùng (Larvae), trôi nổi trong tầng nước. Ấu trùng phải trải qua 11 lần lột xác và biến thái, mỗi lần lột xác hình thành thêm những bộ phận mới đến khi biến thái hoàn chỉnh thành tôm bột. Giai đoạn này kéo dài từ 20-35 ngày (tùy thuộc vào nhiệt độ và chế độ dinh dưỡng).

- Tôm bột: Sau lần lột xác thứ 11, ấu trùng phát triển thành tôm bột (Postlarvae). Tôm bột có hình thái phát triển hoàn chỉnh giống như tôm trưởng thành.

- Tôm trưởng thành: Là giai đoạn sau cùng của chu kỳ phát triển. Thời gian để tôm phát dục lần đầu khoảng 100 ngày, tính từ giai đoạn tôm bột. Lúc này khối lượng trung bình tôm nặng 25 gram/con.

2. Môi trường sống

Tôm giai đoạn ấu trùng (Larvae) sống phiêu sinh ở môi trường nước lợ và giai đoạn hậu ấu trùng (postlarvae, PL) chuyển sang sống bò dưới đáy. Sau khi biến thái thành tôm giống, chúng có khuynh hướng bơi ngược dòng nước vào các kênh, rạch, ao, đầm, ruộng lúa... có nước ngọt để sống. Tôm thích sống nơi có nền đáy sạch, ít bùn, nước sạch và thay đổi thường xuyên. Ở các sông rạch có nước chảy mạnh, tôm thường rút vào cây cỏ, bụi rậm để nghỉ và kiếm ăn. Người ta lợi dụng đặc tính này của tôm để chất chà bắt tôm. Tôm càng xanh là loài rộng muối, có khả năng sống ở độ mặn từ 0-15‰, nhưng sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở 0-5‰ nên là đối tượng nuôi phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Đặc biệt là khi tình hình xâm nhập mặn kéo dài trong những năm gần đây thì việc chọn đối tượng tôm càng xanh để nuôi là hướng đi đúng đắn và hợp lý.

3. Đặc tính ăn

- Giai đoạn ấu trùng ăn các phiêu sinh vật nhỏ. Khi chuyển sang tôm bột, chúng thường ăn ở tầng đáy và ăn tạp. Phổ thức ăn của chúng rộng bao gồm những loài giun nước, ấu trùng côn trùng, các loài giáp xác, nhuyễn thể, khoai củ, thóc gạo, các loại trái cây, cơm dừa, các loại thực vật sống trong nước, mùn bã hữu cơ, phân gia súc và ngay cả xác chết động vật.

- Tôm càng dùng đôi râu để tìm kiếm thức ăn và dùng càng cắt, xé thức ăn đưa vào miệng. Chúng rất háu ăn và ăn liên tục. Tuy nhiên, tôm có khuynh hướng ăn về đêm mạnh hơn. Đặc biệt, khi môi trường thiếu thức ăn tôm có xu hướng ăn lẫn nhau. Đây là đặc điểm cần lưu ý khi nuôi, cần cho tôm ăn đầy đủ để tránh hao hụt.

4. Lột xác lớn lên

Trong suốt vòng đời, tôm chỉ có thể tăng trưởng sau mỗi lần lột xác. Tùy theo tuổi của tôm, chế độ dinh dưỡng mà thời gian giữa hai lần lột xác khác nhau. Tôm càng lớn, thời gian giữa hai lần lột xác dài hơn tôm nhỏ. Khi lột xác tôm thường có tập tính bơi vào ven bờ, thời gian hoàn tất việc lột xác từ 5-10 phút. Sau 3-6 giờ lớp vỏ mới đủ cứng, tôm hoạt động bình thường.

5. Một số yêu cầu về môi trường

Các yếu tố môi trường thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm càng xanh như sau:

- Nhiệt độ: 26-32oC.

- Độ mặn: 0-10‰.

- Độ kiềm: 60-120 mg/L.

- Oxy hoà tan tối thiểu: 3mg/L.

- pH (độ phèn): 7-8.5.

- Không hoặc có rất ít khí độc: NH3, H2S…

II. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa:

1. Điều kiện ruộng:

- Gần sông, rạch, kênh, mương để việc cấp tiêu nước dễ dàng.

- Nguồn nước cấp phải sạch, có độ pH (độ phèn) thích hợp.

- Gần nơi ở, thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý tôm nuôi.

2. Xây dựng ruộng:

- Diện tích ruộng nuôi tôm từ: 0,1-1ha, trung bình 0,5ha.

- Bờ ruộng nuôi phải chắc chắn, không mọi, nước lụt không ngập.

- Mặt ruộng tương đối bằng phẳng, mức nước trên ruộng đạt 0,3m.

- Mương bao quanh rộng 2-5m, sâu 0,5-1,2m. Đáy mương bằng phẳng, dốc về phía cống thoát.

- Cống: có một cống lấy nước, một cống thoát nước, miệng cống 0,5-0,8m. Đảm bảo đủ lượng nước điều tiết khi cần thiết.

3. Chuẩn bị ruộng nuôi tôm:

- Tháo cạn nước, dọn sạch cỏ, rong rêu, vét bùn đáy mương, tu sữa bờ, cống…

- Bón vôi, lượng sử dụng từ 70-100kg/1.000m2, phơi đáy.

- Lấy nước: Lấy nước vào mương qua lưới lọc, mực nước của mương nuôi từ 0,8-1,2m.

- Diệt tạp: Dùng Saponin để diệt cá tạp, liều lượng 20kg/1.000m3.

- Gây màu: Có thể bón phân NPK hoặc Urê hoặc lân... với lượng 3-6kg/1.000m2 hoặc có thể sử dụng phân hữu cơ 20kg/1.000m2 để gây màu.

- Đặt giá thể cho tôm trú ẩn (tàu dừa, nhánh cây khô rụng lá, không chát hoặc lưới) được cắm thành từng cụm hoặc rải rác khắp mương để làm nơi trú ẩn cho tôm.

4. Chọn và thả giống tôm càng xanh:

- Mùa vụ nuôi: thả giống vào tháng 5-7.

- Giống tôm càng xanh toàn đực (tôm post) tôm giống khỏe, có kích cỡ tương đối đồng đều, phản ứng nhanh, không bị nhiễm ký sinh, không bị đục cơ.

- Bao chứa tôm giống chuyển về được cho xuống ao, mương ngâm để thuần hoá nhiệt độ khoảng 15 phút mới thả tôm ra ương.

- Mật độ thả giống: từ 2-4con/m2. Đầu tiên thả tôm vào mương, sau đó mới cho lên mặt ruộng.

- Nên chọn cỡ giống từ 2-6 cm/con. Vì thế có thể tiến hành ương trước khi thả giống. Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Lưu ý cần có sự tương đồng các yếu tố môi trường giữa bễ ương giống và ao nuôi. Đặc biệt là nhiệt độ, pH, DO, độ mặn.

5. Ương tôm giống:

- Chuẩn bị ao ương: Vệ sinh ao; bón vôi; lấy nước qua túi lọc; diệt tạp.

- Ương tôm trước với mật độ 30-500 con/m2, tùy thuộc hình thức ương, thời gian ương và điều kiện chăm sóc. Đối với ương trong bể; ao thì mật độ cao hơn, có sục khí, thời gian ương dài hơn. Đối với ương trong vèo lưới đặt trong mương ruộng lúa có thể ương mật độ thấp, thời gian ương ngắn. Kích cỡ tôm thả ương từ 1,2-1,5cm. Các yếu tố môi trường khi thả ương có độ mặn nhỏ hơn 8‰; nhiệt độ 26-30oC; pH: 7-8,5; độ trong 30-50 cm, độ kiềm: 80-120mg/L.

- Lượng thức ăn cho tôm ăn 800g/100.000 tôm/ngày và tăng dần theo thời gian ương, khoảng 80gam/ngày, tuần thứ 2 là 120gam/ngày, tuần thứ 3 là 200gam/ngày, tuần thứ 4 là 300gam/ngày.

- Thức ăn cho tôm ăn trong quá trình ương là thức ăn công nghiệp. Phương pháp cho ăn là rải khắp mương nuôi. Số lần cho ăn từ 2-3 lần/ngày. Kích cỡ thức ăn cho tôm ăn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của tôm, thức ăn cho tôm ăn trong thời gian đầu sau thả giống là thức ăn mãnh, nên cần pha nước tạt đều xung quanh mương, ao cho tôm ăn. Không nên cho tôm ăn thừa vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường nước.

- Khi thời tiết thay đổi, tôm lột xác... nên giảm lượng thức ăn.

- Kết hợp sàng ăn và chài kiểm tra thức ăn trong đường ruột tôm trước và sau khi cho tôm ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ bổ sung vitamine C, men tiêu hóa... trộn vào thức ăn cho tôm ăn nhằm giúp tăng cường sức đề kháng và giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn.

- Định kỳ 5-7 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay từ 20-50% tùy theo màu nước và thời gian ương.

- Sau mỗi lần thay nước, mưa lớn cần tạt vôi vào mương để giúp ổn định môi trường mương ương tránh gây sốc tôm.

- Sau 45-75 ngày ương, tiến hành bẻ càng thả ra mương ruộng nuôi, thời điểm cây lúa 10-22 ngày sau khi sạ, đã bón thúc phân bón đợt 1 hoặc đợt 2.

6. Quản lý và chăm sóc tôm càng xanh toàn đực:

6.1. Quản lý thức ăn nuôi tôm:

- Loại thức ăn: Giai đoạn đầu tốt nhất cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25-30%, lượng thức ăn thay đổi vào thời gian nuôi (có thể tham khảo ở bảng 1). Giai đoạn sau có thể sử dụng kết hợp thức ăn tự chế biến để hạ giá thành (thức ăn chế biến có thể tham khảo ở bảng 2).

- Phương pháp cho ăn: rải khắp mương nuôi, kết hợp bỏ sàng.

- Số lần cho ăn 2 lần/ngày.

- Thành phần thức ăn chế biến có thể sử dụng các nguyên liệu như sau: Trùng quế, cá biển, cám, ruốt, ốc bươu vàng, còng… Kích cỡ thức ăn tùy thuộc vào kích thước tôm. Thức ăn phải tươi và cho ăn từ từ. Không nên cho tôm ăn thừa làm ô nhiễm môi trường nước.

Khi cho tôm ăn cần dựa vào một số yếu tố khác bên cạnh việc ước lượng theo đàn tôm trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp như:

- Căn cứ vào chất lượng môi trường mương hay những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn.

- Kết hợp sàng ăn và rải thành nhiều điểm trong ao để có thể đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng.

- Theo dõi tăng trưởng và tình trạng sức khoẻ tôm: do đặc tính của tôm lớn lên là nhờ lột xác và chu kỳ lột xác tuỳ thuộc vào kích cỡ và điều kiện môi trường sống.

6.2. Quản lý môi trường:

- Cần duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng thích hợp.

- Thay nước: Đối với tôm càng xanh việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20-30% nước trong ruộng nuôi. Khi cấp nước cho ruộng nuôi tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài và ruộng nuôi cho tương đồng. Số lần thay nước trong ruộng nuôi tùy thuộc vào cao trình của ruộng, thường được thay từ 2-4 lần/tháng, kết hợp quản lý sâu hại và bón phân cho cây lúa.

- Theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi: Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi tôm nuôi trong ruộng nuôi tôm để có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…) cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ruộng để có những điều chỉnh về lượng thức ăn và môi trường nước của tôm nuôi.

CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý:

- Kỹ thuật bẻ càng: sau khi thả nuôi từ 45-75 ngày có thể tiến hành bẻ càng lần thứ nhất và khi tôm được khoảng 3,5-4 tháng tiến hành bẻ càng lần thứ hai, nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (hạn chế ăn lẫn nhau) đạt giá bán cao khi thu hoạch. Tuy nhiên, việc bẻ càng cần phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, tránh hao hụt sau khi bẻ càng.

+ Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên.

+ Đối với chọn giống không là toàn đực nên tách riêng đực cái sau thời gian nuôi từ 75-90 ngày.

- Giăng lưới: Có thể tiến hành giăng lưới làm chổ trú ẩn cho tôm trong quá trình lột xác, thường áp dụng cho hình thức nuôi bán thâm canh. Diện tích giăng lưới chiếm từ 10-15% diện tích ao nuôi, lưới giăng cách mặt nước 30cm, mỗi sàn lưới có diện tích từ 1-2 m2, kích cở mắt lưới phù hợp theo từng giai đoạn, thường sử dụng mắt lưới 2a từ 3-5 cm.

7. Chuẩn bị ruộng lúa:

7.1 . Thời vụ gieo sạ lúa:

Trong thời gian thả giống ương tôm càng xanh toàn đực (tháng 5-tháng 7) tiến hành vệ sinh đồng ruộng, điều chỉnh cống tưới tiêu, tận dụng nước mưa, nước ngọt của thuỷ triều trên sông, cho nước ra vào thường xuyên ngập mặt ruộng và xả rửa nhiều lần, để nhử cỏ mọc và đưa nước vào nhận, diệt cỏ, đồng thời rửa phèn mặn. Lúc gieo sạ độ mặn nước phải thấp hơn 0,05‰ và tránh thời điểm triều cường. Đối với giống thời gian sinh trưởng 120 ngày: gieo sạ từ 1/8-30/8. Các giống lúa mùa có thể gieo mạ trên đất giồng từ 1/7-30/7. Đối với giống lúa thời gian sinh trưởng tương đương 100-110 ngày: gieo sạ từ 1/8-15/9.

7.2. Chọn giống lúa:

Những vùng có lượng mưa hàng năm ít, nước mặn xâm nhập sớm nên chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây ít đỗ ngã, độ chắc hạt cao, chịu phèn mặn khá: OM 4900, OM 6162, OM 9921, OM 5451, OM 6976, OM 7347…

7.3. Chuẩn bị đất:

Dọn sạch rong tảo trên ruộng, cỏ dại xung quanh bờ. Khi nước đã ngọt, rút nước xuống thấp hơn mặt ruộng 20-30cm để phơi mặt ruộng đến khi xuất hiện vết rạn nứt dấu chân chim trên mặt ruộng thì tiến hành xới một lượt để tạo độ thông thoáng cho đất và diệt cỏ lông heo để hạt lúa dễ bám rễ vào đất.

San bằng mặt ruộng, bón lót phân lân cải tạo đất, giải độc phèn giúp lúa phát triển tốt ngay từ thời kỳ đầu.

Đối với ruộng có tầng canh tác phì nhiêu dồi giàu phù sa và dinh dưỡng hữu cơ (lớp bùn non) thì chỉ cần phơi se mặt ruộng (không cần cày ải) và tiến hành xuống giống lúa.

7.4. Mật độ gieo sạ:

Sạ thưa hợp lý cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn sạ dày, lúa dể chăm sóc, ít sâu bệnh.

Lúa mùa: 50-70 kg/ha.

Lúa trung vụ: 80-90 kg/ ha.

Lúa ngắn ngày: 100-120kg/ha.

7.5. Điều chỉnh nước:

Trước khi sạ 1 ngày nên tháo nước thấp hơn mặt ruộng 20-30cm, Sau khi sạ nếu thấy có khả năng mưa to, nên đưa nước vào ruộng ngập hạt lúa khoảng 2-3 cm để hạt giống không bị vùi trong lớp bùn trên mặt ruộng. Khi trời nắng tốt trở lại thì tiếp tục tháo khô nước mặt ruộng giúp lúa mọc đều. Sau khi lúa đã mọc đều (5 ngày sau khi sạ), cho nước vào và giữ mực nước trên mặt ruộng ở mức 2-3cm.

Sau khi sạ 30 ngày, giữ mực nước sâu khoảng 7-10 cm so với mặt ruộng. nhưng không ngập tai lá cuối cùng vì sẽ làm cho cây lúa bị suy yếu và đẻ nhánh kém.

Khi cây lúa nảy chồi giao tán (cuối kỳ đẻ nhánh) rút nước thấp hơn mặt ruộng 20cm từ 3-5 ngày để các khí độc trong đất (NH3, H2S, CH4...) được thoát ra giúp tăng khả năng hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất, đồng thời kích thích rễ ăn sâu vào đất hấp thu nhiều dinh dưỡng, hạn chế đổ ngã về sau. Sau đó cho nước vào để bón phân nuôi đòng.

7.6. Bón phân cho lúa:

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cấy lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn hữu cơ sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng.

Bón thúc: là lần bón chủ yếu, để điều chỉnh độ đồng điều và gia tăng số chồi hữu hiệu. Cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK để giúp cho cây lúa phát triển khỏe và tăng cường tính chống chịu với các điều kiện bất lợi. Bón thúc 1 (5-7 ngày sau khi sạ) tháo nước thấp hơn mặt ruộng 20-40cm khoảng 2 ngày rồi cho nước vào, hôm sau bón phân: 40-60kg DAP + 100 kg lân nung chảy. Bón thúc 2 (20 ngày sau khi sạ) tháo nước thấp hơn mặt ruộng 20-40cm (kết hợp thay nước cho tôm) khoảng 2 ngày rồi cho nước vào cao hơn mặt ruộng 5-7cm, hôm sau bón phân cho cây lúa và tạo màu nước nuôi tôm: NPK (20-20-15) 70-80kg + Urea 30kg +100kg lân nung chảy.

Tôm càng sau thời gian nuôi ương (45-75 ngày), tiến hành bẻ càng thả ra mương ruộng lúa.

Bón nuôi đòng: Đây là lần bón giúp cho cây lúa phát triển đòng nhanh, đồng đều và tập trung. Cần bón cân đối đa trung vi lượng, nhất giữa đạm và kali, kiểm tra lúa có đòng đòng (tim đèn) và quan sát khi có 20-25% diện tích ruộng có màu xanh vàng thì bón nuôi đòng (kết hợp rút nước thay nước vuông tôm): Urea: 30-50kg + Kali clorua: 30-50kg.

8. Một số bệnh thường gặp trên Tôm-Lúa:

8.1. Bệnh trên tôm:

8.1.1. Bệnh đóng rong

- Tôm thường bị bao phủ bởi lớp tảo sợi (Filamenous algae) làm tôm phát triển không được.

- Nguyên nhân: Do nước mương tù, đọng, hàm lượng hữu cơ ở nền đáy cao, tảo nở hoa chết làm đáy mương/ao nuôi bị lab-lab nhiều, thiếu dinh dưỡng.

- Cách phòng trị: Nên giữ nước trong ao không bị dơ, thay nước thường xuyên hơn để cải thiện chất lượng nước, cho tôm ăn đầy đủ, tăng lượng đạm thức ăn và bổ sung vitamin để tôm lột vỏ dễ dàng. Loại bỏ rong bám trên cơ thể tôm bằng cách sử dụng formol với liều lượng 25-30 mL/m3 nước.

8.1.2. Bệnh đục thân

- Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh lý: Do bất lợi về điều kiện môi trường như nhiệt độ và hàm lượng ôxy hòa tan thấp, mật độ nuôi cao, vận chuyển hay va chạm cơ học gây sốc tôm. Dấu hiệu bệnh lý là một vùng hay nhiều vùng thịt của tôm bị mờ đục, có khi lan ra toàn bộ cơ thể.

- Phòng và trị bệnh: Tránh gây sốc tôm và ngăn ngừa những biến đổi đột ngột về môi trường, thường xuyên bổ sung vitamin C và các khoáng chất cần thiết cho tôm.

8.1.3. Bệnh đen mang

- Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh lý: Có thể do nhiều nguyên nhân như sinh vật bám, các chất cặn bả, ao bị phèn, nước bị nhiễm các chất độc, khí độc,… hay do tình trạng thiếu ôxy kéo dài, thiếu vitamin C. Ở giai đoạn nhẹ, trên mang tôm có những chấm nâu, đen; ở giai đoạn bệnh nặng, toàn bộ mang sẽ có màu nâu đen, bị hoại tử làm sự hô hấp của tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

- Phòng và trị bệnh: Nên giữ cho môi trường nuôi không bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, nước phân hủy từ rơm làm nấm,… Tránh tình trạng cho tôm ăn quá thừa, không để bùn và thức ăn thừa tích tụ quá nhiều ở đáy ao.

8.1.4. Bệnh đốm đen, mòn phụ bộ

- Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh lý: Do nhiều vi khuẩn cùng gây ra, các vi khuẩn này tiết men làm mòn vỏ tôm. Tuy nhiên, các yếu tố khác như chất lượng nước kém, tôm bị sốc, bị thương, mật độ nuôi dày cũng là nguyên nhân phát sinh bệnh.

- Phòng và trị bệnh: Tương tự như các bệnh trên, nên giữ cho môi trường ao nuôi không bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, nước phân hủy từ rơm làm nấm. Tránh tình trạng cho tôm ăn quá thừa, thường xuyên kiểm tra đáy ao, không để bùn và thức ăn tích tụ quá nhiều.

Để trị bệnh cần dựa vào nguyên nhân để có biện pháp xử lý thỏa đáng. Ngoài ra, cải thiện môi trường nuôi và dinh dưỡng tốt là các yếu tố quan trọng.

CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG

Chất lượng nguồn nước cung cấp là một yếu tố quan trọng trong hoạt động nuôi thủy sản, vì vậy cần đặc biệt chú ý. Một số nghiên cứu về chất lượng nước trong nuôi tôm càng xanh của Suwannatous và New (2002) đã được tiến hành để xác định sự phù hợp trong nuôi thương phẩm.

8.2. Phòng trừ sâu bệnh trên lúa:

- Cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo nguyên tắc quản lý dịch hại (IPM).

- Sử dụng giống có tính kháng cao.

- Bón phân cải tạo đất (có chứa lân và vôi) để hạn chế ngộ độc phèn.

- Sạ thưa, sạ hàng theo định mức khuyến cáo cho từng nhóm giống.

- Không bón thừa phân đạm và hạn chế bón phân có chứa đạm quá sớm.

- Khi côn trùng gây hại xuất hiện lúc lúa còn nhỏ, cho nước vào ngập đọt lúa trong vài giờ rồi tháo nước ra (mỗi tháng thực hiện 2- 3 theo nước triều dâng). Khi lúa đã lớn đưa nước dâng cao đến gần cổ lá để che chắn rầy khi có các đợt rầy nâu di trú.

- Khi lúa phát triển giao tán, sử dụng một số chế phẩm sinh học phun lên ruộng để trừ sâu rầy bọc phát giai đoạn cuối (Bemetent, Ometar,...).

8.2.1 Côn trùng gây hại:

a. Bù lạch:

Triệu chứng gây hại, cách phát hiện: Lá có những đường sọc màu bạc, bị nặng chuyển sang màu xám, lá cuốn lại, cả ruộng có màu vàng đỏ (gần giống ruộng bị ngộ độc phèn). Nhúng bàn tay ướt, quơ nhẹ trên ngọn lá lúa vào lúc sáng sớm bù lạch sẽ dính vào tay rất dễ nhận biết. Bù lạch gây hại nặng ở giai đoạn lúa từ 5-15 ngày sau khi sạ.

Điều kiện phát triển: ruộng bị khô hạn, nhiệt độ không khí cao, khi mưa nhiều sẽ giảm mật số.

b. Rầy nâu:

Triệu chứng gây hại, cách phát hiện: rầy sống tập trung ở phần gần gốc lúa, chích hút nhựa làm cho cây lúa phát triển kém, lá vàng úa, khô và chết dần. Rầy còn mang virus truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lúa cỏ,...Gây hại vào bất kỳ giai đoạn nào của lúa. Điều kiện phát triển: do sử dụng giống nhiễm rầy, sạ dày, bón thừa phân đạm.

c. Sâu cuốn lá:

Triệu chứng gây hại, cách phát hiện: sâu non cuốn lá lúa theo chiều dọc, ẩn mình vào bên trong và gậm chất xanh của lá để lại phần biểu bì trắng bạc. Gây hại nặng vào giai đoạn làm đòng, lúa sẽ bị giảm năng suất. Điều kiện phát triển: ruộng lúa xanh tốt sau các đợt bón phân, lúa sạ dày, những nơi bị che khuất ánh nắng,...là điều kiện thích hợp để bướm đến đẻ trứng.

d. Sâu phao:

Triệu chứng gây hại: bướm đẻ trứng trên mặt dưới của lá lúa, sâu non ăn phần biểu bì của lá, sau đó cắn lá cuốn lại thành pha thả trên mặt nước rồi tấn công sang cây lúa khác. Điều kiện phát triển: lúa non xanh, ruộng ngập nước sâu, phần dưới gió sẽbị gây hại nặng hơn.

e. Sâu đục thân:

Triệu chứng gây hại: bướm đẻ trứng ở mặt dưới của lá, sâu non nở chui xuống đục ngang thân làm cho đọt lúa bị chết khô. Sâu tiếp tục ở bên trong thân và chui xuống gốc lúa và làm nhộng. Điều kiện phát triển: bướm bị thu hút bởi ánh sáng đèn, gây hại nặng ở những ruộng sạ dày, bón nhiều phân làm cho lúa bị che rợp. Gây hại nặng ở giai đoạn lúa 35 ngày đến đòng trổ.

f. Muỗi gây lá hành (sâu năn):

Triệu chứng gây hại: muỗi đẻ trứng ở phần bẹ, ấu trùng nở ra chui xuống tấn công vào đỉnh sinh trưởng làm cho đọt lúa biến dạng như cây hành hay cây năn kim. Điều kiện phát triển: thời tiết âm u, mưa nhiều, lúa bị che rợp, gây hại nặng ở vụ thu đông.

Biện pháp phòng trị côn trùng gây hại lúa: cho nước vào ngập đọt lúa trong vài giờ rồi tháo nước ra ( mỗi tháng thực hiện 1-4 lần theo nước triều dâng kết hợp thay nước cho tôm).

8.2.2 Bệnh hại:

a. Bệnh cháy lá (đạo ôn):

Triệu chứng gây hại: (bệnh do nấm Pyricularia oryzae) vết bệnh trên lá có hình mắt én, tâm màu xám, viền nâu. Khi tấn công trên bông, làm bông bị chết khô. Điều kiện phát triển: giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm, thời tiết nóng ẩm, ruộng bị khô hạn, sáng có nhiều sương mù. Biện pháp phòng trị: sử dụng nấm Trichchoderma để phòng trị.

b. Bệnh cháy bìa lá:

Tác nhân: do vi khuẩn Xanthomonas Campestris.

Triệu chứng: Vết bệnh xuất hiện ở một hoặc hai bên bìa lá, sau đó lan rộng hết phiến lá. Bệnh có thể xuất hiện sau khi lúa cấy 10 ngày đến lúc thu hoạch. Bệnh nặng có thể gây chết cây.

Phòng trị:

- Tránh bón thừa đạm.

- Không nên để mực nước quá cao, sử dụng vôi hoặc các loại thuốc đặc trị.

- Sử dụng vôi hoặc các loại thuốc đặc trị.

- Sử dụng giống ít mẫn cảm với bệnh.

PHẦN THỨ HAI: 

QUY TRÌNH NUÔI TÔM SÚ LUÂN CANH VỚI TRỒNG LÚA TẠI BẾN TRE

Nuôi tôm Sú luân canh với trồng lúa.

Tôm sú là loài sống đáy, nơi có bùn cát, hoặc cát bùn, chủ yếu ở môi trường nước lợ, vùng cửa sông, ven biển, có tập tính lột xác để lớn.

Tôm sú là loài ăn tạp, đặc biệt ưa ăn giáp xác, thực vật ở dưới nước, nhuyễn thể, tảo khuê, mảnh vụn hữu cơ… thường ăn mạnh vào lúc sáng sớm và chiều tối. Tôm hoạt động bắt mồi mạnh về đêm.

Tôm sú thích nghi với điều kiện môi trường:

- Nhiệt độ: 18-37oC (tốt nhất 28-30oC).

- Độ mặn: 5-36 ‰ (tốt nhất 15-25 ‰).

- pH: 5-9 (tốt nhất 7.5-8.5).

- Hàm lượng oxy hòa tan > 3-10 mg/L (tốt nhất 4-6 mg/L).

I. Mùa vụ và chuẩn bị ruộng nuôi

1. Lịch mùa vụ:

Trên cơ sở diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn hàng năm ở các vùng sinh thái khác nhau lịch thời vụ có sự thay đổi, nhưng thường thời vụ canh tác mô hình tôm-lúa theo bảng 1 như sau:

 

2. Yêu cầu kỹ thuật chọn địa điểm nuôi:

- Địa điểm nuôi gần sông, rạch để việc cấp tiêu nước dễ dàng, không bị nhiễm phèn. Môi trường nước cấp tốt nhất phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: nhiệt độ 26-32oC; pH: 7-8,5; Độ mặn đạt từ 10‰ trở lên từ 3-6 tháng; độ kiềm từ 60-180 mg/L; DO ≥ 3mg/L; NO2-N < 0,05 mg/L, NH3-N < 0,05 mg/L, H2S <0,1 mg/L.

- Diện tích ruộng lúa bình quân 1 ha.

- Bờ ruộng nuôi phải chắc chắn, không mọi, nước lụt không ngập.

- Mặt ruộng tương đối bằng phẳng, mức nước trên ruộng đạt 0,3m.

- Mương bao quanh rộng 2-5m; sâu 0,5-1,2m. Đáy mương bằng phẳng, dốc về phía cống thoát, mái mương lài để tránh sụp lở.

- Thuận tiện giao thông để vận chuyển giống, thức ăn và các nguyên vật liệu cần thiết trong quá trình nuôi. Gần nguồn điện hoặc có máy phát để vận hành máy bơm nước.

3. Chuẩn bị ruộng nuôi tôm:

Mỗi ruộng nuôi phải có bờ và mương bao xung quanh, đỉnh bờ cao hơn mực nước lũ trong năm ít nhất 0,5 m trở lên; mương bao rộng từ 3-4m, sâu từ 1-1,2m. Ngoài ra mỗi ruộng nuôi nên có 01 ao ương chiếm 10% diện tích nuôi.

- Sên vét bùn đáy toàn bộ hệ thống mương, gia cố lại đê bao.

- Làm sạch gốc rạ trên ruộng (hoặc phơi khô khi cho nước vô nuôi tôm không bị hư nước nuôi tôm).

- Lấy nước vào và xổ bỏ liên tục 2-3 lần để rửa mương.

- Tiếp theo sử dụng vôi đá CaO sát trùng đáy và trung hoà phèn ở mương. Dùng vôi CaO rải đều khắp ruộng với liều lượng 7-10 kg/100m2.

- Tiếp tục phơi đất 5-7 ngày. Sau đó chọn nước không ô nhiễm từ các vùng dịch bệnh lấy vào đầy vuông.

- Kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi lấy, tình hình dịch bệnh trên tôm ở những vùng lân cận… lấy nước vào thời điểm triều cường và con triều đạt đỉnh, lấy vào ao nuôi qua túi lọc, để lắng 3-4 ngày và tiến hành sử dụng Saponine diệt cá tạp. Lượng 150-200 kg/ha mặt nước. Saponine có tác dụng mạnh ở môi trường có độ muối cao (từ 15‰ trở lên). Nên sử dụng saponine vào những ngày trời nắng tốt. Ngâm saponine trong nước khoảng 12 giờ sau đó tạt đều khắp ao.

- Sau 3-5 ngày tiến hành bón phân DAP để gây màu nước, tạo thức ăn tự nhiên, lượng sử dụng là 10 kg/ha/lần và bón liên tục 3-5 ngày đến khi nước ao đạt yêu cầu khi thả tôm phải có màu xanh vỏ đậu hoặc màu trà nhạt và độ trong từ 30-50cm. Có thể dùng các loại phân vô cơ như NPK hoặc Ure + Lân (tỷ lệ 1:1) với liều lượng 15-20 kg/ha để gây màu nước. Hoặc có thể gây màu bằng cách tự chế, thành phần nguyên liệu gồm có: 3 kg cám gạo + 1 kg bột cá + 1 kg bột đậu nành, nấu chín hỗn hợp này tạt cho 1000 m3 vào lúc trời nắng.

- Trước khi thả giống 2-3 ngày tiến hành sử dụng vi sinh (Bio Green 100g/ha) để tạo vi khuẩn có lợi phát triển, tạo sinh khối ưu thế cho vi khuẩn có lợi kìm hãm sự phát triển vi khuẩn có hại trong môi trường nước nuôi tôm. Lượng sử dụng 100 g/ha/lần.

II. Chọn và thả giống:

1. Chọn tôm giống:

Chọn tôm giống khỏe mạnh, đồng đều, sạch bệnh, kích cỡ PL15 và cần đạt tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 8398: 2012).

- Tầm quan trọng của con giống trong nuôi tôm cực kỳ quan trọng vì con giống rất dễ mang mầm bệnh, chất lượng con giống chiếm 50% trong sự thành công của một vụ nuôi.

- Quy trình chọn giống tốt theo sơ đồ sau:

- Quan sát thấy tôm sú giống linh hoạt, khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sáng, đuôi xòe khi bơi lội, phản xạ nhanh nhẹn, phân bổ đều trong bể nuôi, hình dáng thon dài, ruột đầy thức ăn (khả năng bắt mồi tốt), tỉ lệ tòe đầu nhỏ hơn 10%. Kiểm tra khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nồng độ mặn bằng cách thả một ít tôm giống vào nước đã giảm một nửa độ mặn thông thường. Sau 1-2 giờ nếu thấy số tôm giống bị “sốc” chết chỉ chiếm từ 0-10% (tốt), 11-35% (khá), trên 35% là tôm giống không tốt.

- Chọn mua ở những trại giống uy tín và giống đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng.

2. Thả giống:

- Trước khi thả tôm ít nhất 01 ngày kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt độ mặn không chênh lệch quá 5‰ so với nước ruộng nuôi. Trong điều kiện ruộng nuôi chuẩn bị tốt thì có thể thả trực tiếp tôm vào ruộng.

- Thời điểm thả: 6-7 giờ sáng hoặc 5-6 giờ chiều, không thả giống lúc trời sắp mưa, đang mưa.

- Cách thả tôm giống: Mật độ thả giống là 6-8 con/m2. Tôm giống được thả ương trong khu ương, thời gian ương từ 10-30 ngày, sau đó thả bun ra ruộng nuôi đến đạt kích cỡ thương phẩm.

III. Chăm sóc quản lý

1. Quản lý thức ăn:

- Trong mô hình nuôi tôm luân canh với trồng lúa, thức ăn tự nhiên chiếm một phần quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho tôm sinh trưởng do vậy trong tháng đầu của chu kỳ nuôi cần định kỳ 10-15 ngày bón phân cho ruộng để duy trì màu nước tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

- Ở giai đoạn ương tôm giống có sử dụng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm > 38% cho tôm ương ăn.

- Từ tháng thứ 2 trở đi tiếp tục bổ sung thức ăn công nghiệp. Cho tôm ăn mỗi ngày 2 lần vào 6-7 giờ sáng và 5-6 giờ chiều. Lượng thức ăn chiếm 0,5-1,5% trọng lượng thân. Kết hợp đặt sàng ăn trong ruộng để kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý cho tôm. Ngoài ra còn căn cứ vào điều kiện môi trường, thời tiết, tình trạng sức khỏe của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn trong ngày. Nên giảm lượng thức ăn khi điều kiện môi trường, thời tiết diễn biến theo hướng xấu như: đáy ao bẩn, pH giảm, mưa lớn…

2. Quản lý môi trường nuôi:

- Quản lý màu nước:

+ Bón phân hoặc các hợp chất gây màu khác trong 2 tháng đầu.

+ Khi có dấu hiệu tảo tàn thì thay 30% nước hoặc sử dụng men vi sinh.

- Quản lý nền đáy ao:

+ Định kỳ bón Dolomite, Zeolite kết hợp với men vi sinh.

+ Định kỳ kiểm tra đáy ao.

+ Vớt tảo tàn trên mặt nước.

+ Điều chỉnh thức ăn hợp lý.

IV. Thu hoạch:

Sau khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch, có thể thu tỉa sau đó rút cạn nước thu hoạch toàn bộ, chọn cỡ tôm thu hoạch có hiệu quả nhất, thông thường tôm sú có khối lượng 30-40 con/kg thì thu hoạch. Khi thu hoạch cần tránh thời điểm tôm lột xác đồng loạt, khi thu hoạch cần xả bớt nước để tôm xuống mương, sau đó dùng lưới kéo thu tôm. Tôm thu lên cần loại bỏ tạp chất bẩn, rửa lại bằng nước sạch và tiến hành ướp đá để bảo quản chuyển đến nơi chế biến hoặc tiêu thụ. Sản phẩm dự kiến:

- Năng suất tôm ≥ 700 kg/ha.

- Tỷ lệ sống tôm nuôi ≥ 30%.

V. Các bệnh thường gặp và cách phòng trị

Đối với nuôi tôm: Áp dụng quy trình quản lý phòng bệnh tổng hợp. Hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh, hóa chất. Thường xuyên hàng ngày theo dõi môi trường, sức khỏe tôm để có kế hoạch xử lý kịp thời. Chủ động phòng bệnh bằng cách sử dụng vi sinh (Bio Geren 100 g/ha/lần) định kỳ 15 ngày/lần, và định kỳ 15 ngày/lần sử dụng vôi CaO (50 kg/ha/lần).

1. Bệnh mòn đuôi, cụt râu, đốm đen:

Triệu chứng: Râu bị đứt một phần hoặc toàn phần, đuôi, chân bị ăn mòn, tôm ăn yếu, dạt bờ, hoạt động khó khăn, màu sắc tôm thay đổi, chuyển sang màu hồng bắt đầu từ các phần phụ sau đó chuyển sang toàn thân. Phòng trị: cải tạo ao kỹ trước khi nuôi, quản lý chặt chẽ thức ăn, quản lý tốt các yếu tố môi trường, sử dụng thuốc kháng sinh trộn với thức ăn khi thấy tôm có dấu hiệu bị bệnh. Sử dụng hóa chất (BKC, Formol) để diệt khuẩn, dùng men vi sinh phân hủy mùn bã hữu cơ, thay nước, bổ sung vitamin C.

2. Bệnh đóng rong:

- Do các nhóm nguyên sinh động vật, tảo đơn bào, vi khuẩn phát triển mạnh bám vào cơ thể tôm. Do nguồn nước trong ruộng nuôi bị nhiễm bẩn, đáy ao dơ, các yếu tố môi trường bị biến động.

- Phòng trị bệnh: Cần cải thiện điều kiện môi trường ruộng nuôi, cho tôm ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Có thể sử dụng các chất như: Saponin 5-10g/m3 hoặc Formol (38%) 15mL-20 mL/m3 kết hợp với thay nước hay cấp thêm nước mới để kích thích tôm lột xác.

3. Bệnh đen mang:

- Do nuôi tôm mật độ cao, nền đáy ao dơ, tích tụ nhiều kim loại nặng và mùn bã hữu cơ… Triệu chứng là tôm bệnh di chuyển chậm chạp, khó thở, dễ bị nổi đầu, mang có màu từ nâu, đen. Bệnh thường gặp trên tôm từ 60 ngày tuổi trở đi.
Tôm bị đen mang Tôm bị vàng mang

- Phòng trị: thả tôm mật độ vừa phải, thức ăn loại tốt, quản lý tốt việc cho ăn và chất lượng nước. Khi tôm có dấu hiệu bệnh tích cực thay nước, quản lý tảo, xử lý các chất hữu cơ ở đáy ao.

4. Bệnh MBV (Monodon baculovirus):

- Triệu chứng: Tôm có hiện tượng lờ đờ, chậm lớn làm cho các tác nhân có cơ hội khác tấn công gây chết rải rác đến hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở các giai đoạn của tôm, lây lan từ tôm mẹ sang tôm con hoặc từ tôm bệnh sang tôm khỏe. Tôm bị nhiễm MBV.

- Phòng trị: Thực hiện tốt phương pháp tẩy dọn sau vụ nuôi, sát trùng nước triệt để trước khi thả nuôi. Tôm giống phải sạch bệnh, kiểm tra bệnh MBV trước khi nuôi.

5. Bệnh đốm trắng:

- Triệu chứng: Tôm yếu, dạt bờ, bơi lên mặt nước. Thân tôm xuất hiện các đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ kitin ở phần đầu ngực và đốt cuối thân. Khi tôm bị nặng các đốm trắng này xuất hiện toàn thân. Màu sắc tôm chuyển sang màu hồng hoặc màu nhợt nhạt, lúc này tôm giảm ăn, những con dạt bờ hầu hết ruột không có thức ăn. Khi nhiễm bệnh, tôm chết rất nhanh trong thời gian 5-7 ngày. Lây lan từ tôm mẹ sang tôm con, từ tôm bệnh sang tôm không bệnh, từ vật chủ trung gian (cua, còng, ba khía, các loại giáp xác khác…).

- Phòng trị: Chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu vẫn là phòng bệnh. Cải tạo ruộng thật kỹ trước mỗi vụ nuôi, chọn đàn tôm giống không mang mầm bệnh, quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường, đáy ao, quản lý thức ăn…

6. Bệnh đầu vàng (YHV):

- Triệu chứng: Thân tôm tái nhợt, gan tụy màu vàng rất rõ, tôm hoạt động yếu, dạt bờ, không có khả năng búng mình, tôm chết rất nhanh trong vòng 3-5 ngày.

- Phòng trị: Chưa có thuốc đặc trị, phương pháp tốt nhất là phòng bệnh.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi